Tiếp tục phiên thẩm vấn ngày hôm qua, 8 giờ sáng ngày hôm nay, 14/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc và tiếp tục gọi bị cáo Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM).
Liệu có căn cứ buộc bà Nguyễn Diên Hồng và Mai Thanh Hải nhận 10.000 USD từ Bùi Văn Tuấn? Trong phiên toà ngày hôm qua (13/3), luật sư Phan Trung Hoài – đại diện bào chữa cho ông Mai Văn Dâu và Mai Thanh Hải đã chất vấn Bùi Văn Tuấn về tình tiết đưa tiền cho bà Hồng và Hải (mỗi người 5.000 USD) thì Tuấn đã lúng túng khi không nhớ kỹ lời khai của mình cũng như trong hai buổi đối chất giữa Tuấn với bà Hồng và Hải tại cơ quan điều tra. Điều này cho thấy, lời khai của Bùi Văn Tuấn khó có thể là cơ sở để buộc bà Hồng và Hải có hành vi nhận tiền từ Bùi Văn Tuấn bởi thiếu người làm chứng (?) |
Chủ toạ Nguyễn Đức Sáu hỏi ông Cương: “Ngoài việc nhận tiền của Bùi Văn Tuấn (giám đốc Cty TNHH Tomotake Việt Nam - PV), còn nhận của ai?”.
Ông Cương khai: “Có nhận của Lai Wai Hung và Tsang Tak Lung (thuộc Cty Sundence và Learder Once). Hai lần, lần 10.000 USD và lần 8.000 USD”.
Với số tiền này, ông Cương xác nhận với HĐXX đã đến nhà riêng của ông Mai Văn Dâu vào tháng 8/2004 và đưa cho ông ta 2.000 USD.
Ngoài ra còn nhận tiền của ai?
Trả lời câu hỏi này của Chủ toạ, bị cáo Cương xác nhận đã tiếp xúc với 2 đối tượng nữa, thông qua sự giới thiệu của một Tổng giám đốc Cty Hạ tầng Khu chế xuất Linh Trung. Một trong 2 người này là ông Chou Minh Chen - Tổng giá đốc Cty TNHH Đế Vương.
Các bị cáo trong vụ án chạy hạn ngạch (quota) ở Bộ Thương mại. Ảnh: Hữu Vinh |
Cũng nhằm mục đích giống như Lai Wai Hung, ông Chen đã đưa cho ông Cương 12.000 USD nhằm tác động việc “chạy” giúp quota. Với số tiền này, ông Cương cũng đã khai đưa cho ông Dâu thêm 1.000 USD, phần còn lại bị cáo Cương giữ lấy bỏ túi.
Người thứ 2 mà ông Nguyễn Cương tiếp xúc là Wu Chun Te ở Cty TNHH Lawn Yard (Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân). Tại trụ sở của Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM, nơi làm việc của ông Nguyễn Cương, ông Wu đã đưa cho ông Cương 15.000 USD.
Sau đó ông Cương đã đưa hai đại diện doanh nghiệp này đến nhà riêng ông Mai Văn Dâu và gặp gỡ ông ta khoảng 4, 5 lần, vào những ngày cuối tuần thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, theo lịch hẹn của chủ nhân ngôi nhà này.
Với những lần hẹn gặp này, đại diện những doanh nghiệp của ông Nguyễn Cương đưa đến đều gửi hồ sơ xin xét cấp hạn ngạch và ông Mai Văn Dâu đã có bút phê vào góc trái văn bản: “K/c Vụ XNK….”
Song với những lần nhận tiền và đưa tiền, lời khai của ông Nguyễn Cương có sự bất nhất.
Bởi lẽ, trong những lần khai đầu tiên tại cơ quan điều tra, ông Cương đã xác nhận đã đưa cho ông Mai Văn Dâu, tổng cộng 6 lần đưa là 38.000 USD, trong đó có 2.000 USD ông Cương nhờ ông Dâu chuyển cho Mai Thanh Hải.
Nhưng sau đó ông Nguyễn Cương đã thay đổi lời khai và lần này trước HĐXX, bị cáo này xác nhận chỉ đưa cho ông Mai Văn Dâu tổng cộng 6.000 USD.
Bị cáo Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM). Ảnh: Hữu Vinh. |
Với sự trái khoáy này, Chủ toạ nhắc bị cáo Cương: “Bị cáo có nhớ những lần đối chất với các bị cáo khác ở cơ quan điều tra”. “Thưa nhớ!” – ông Cương trả lời.
Chủ toạ nhắc, ở lời khai đối chất với bị cáo Mai Văn Dâu, bị cáo Cương xác nhận đã đưa cho ông Dâu 6 lần tiền, tổng cộng 38.000 USD. Ở lời khai đối chất với bị cáo Lê Văn Thắng, bị cáo Cương đưa tất cả 6 lần, tổng cộng 30.000 USD tại nhà riêng của bị cáo này. Nguồn tiền đưa cho hai quan chức của Bộ Thương mại trên được bị cáo Cương thực hiện nhằm mục đích tác động việc xin, xét cấp quota cho các doanh nghiệp.
Không biết luật sư sẽ “phán” câu gì tiếp theo? Tại phiên toà buổi sáng hôm nay, một tình tiết gây cho mọi người trong khán phòng phải phì cười. Đó là việc, luật sư Phan Trung Hoài – đại diện bào chữa cho bị cáo Mai Văn Dâu và Mai Thanh Hải, đã đặt cho bị cáo Nguyễn Cương vài câu hỏi. Song, ông Nguyễn Cương đã từ chối trả lời các câu trả từ phía luật sư đặt ra. Lý do, bị cáo này cho rằng: “Không biết luật sư hỏi xong sẽ phán câu gì tiếp theo. Tôi chỉ mong luật sư đừng làm gì thiệt cho tôi!?”. |
“Vậy trong những lần khai trước cơ quan điều tra, bị cáo có bị áp lực hay bị sức ép nào khác?” - Chủ toạ hỏi. “Dạ bình thường, bị cáo không bị bất cứ điều gì tác động! ” – bị cáo Cương thừa nhận.
Trước việc hai lời khai của ông Nguyễn Cương nói trên phù hợp với cáo trạng qui buộc truy tố tội “Môi giới hối lộ” của bị cáo này, Chủ toạ hỏi: “Cáo trạng truy tố tội danh như vậy, bị cáo có cảm thấy oan ức?”. Ông Cương thừa nhận là không , nhưng ông xin toà xét lại việc ông xác nhận là đã đưa cho ông Mai Văn Dâu chỉ có 6.000 USD.
Đến đây, một vị Hội thẩm nhân dân trích bút lục lời khai của bị cáo Cương: “Tôi nhận thức việc khai báo càng nhiều, nhận tội càng nhiều. Sau khi nhận thức tôi khai hoàn toàn đúng sự thật với số tiền tôi nhận và đưa cho các bị cáo khác”.
Vị Hội thẩm phân tích, vì sao bị cáo phải khai như vậy, có phải đó là sự vu khống các bị cáo khác. Yêu cầu bị cáo phải khai thành thật, việc bày tỏ thái độ của bị cáo trước toà có thể xem đó là căn cứ của tình tiết giảm nhẹ hình phạt để HĐXX xem xét? HĐXX không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo để đánh hành vi phạm tội của bị cáo mà còn căn cứ vào lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra của vụ án và của những bị cáo khác. Bị cáo nên nhớ rõ điều đó!
Nghe xong ông Nguyễn Cương lắp bắp: “Xét thấy việc mình làm đi ngược truyền thống gia đình nên tôi mới khai như vậy… và xin toà xác nhận lời khai của tôi là đã đưa cho ông Dâu chỉ có 6.000 USD!”
Vị hội thẩm nói thêm: “Bị cáo đã chỉ đạo cho Bùi Văn Tuấn đến Cty May Huy Hoàng mua 4 lô đất bên Thủ Thiêm cho vợ chồng ông Mai Văn Dâu. Rất may, vụ việc các bị cáo nhờ chạy giúp quota không hoàn thành nên bị cáo Tuấn rút lại việc mua đất. Nếu không hậu quả sẽ như thế nào ?”.
Lai Wai Hung: Nhiều doanh nghiệp khách cũng làm như thế nhưng không bị xử lý!
Hai bị cáo Bùi Văn Tuấn (trái) và Lai Wai Hung. Ảnh: Hữu Vinh |
9 giờ 20 Chủ tọa cho gọi Lai Wai Hung.
Bị cáo Hung khai, do yêu cầu công việc, Lai Wai Hung phải tìm cách “chạy” quota cho Cty. Không biết gì về Việt Nam nhưng nghe thư ký nói Bùi Văn Tuấn có thể giải quyết vấn đề và đã gặp Tuấn.
Hợp đồng thoả thuận giữa hai phía sau đó được lập. Theo đó, phía Tuấn sẽ lo chạy xin quota dùm cho doanh nghiệp của Lai Wai Hung, còn phía Hung thì trả khoản chi phí 3 USD/tá.
Chủ toạ đặt vấn đề: “Tại sao không trực tiếp đến Bộ Thương mại để xin cấp quota mà phải qua Bùi Văn Tuấn?”. “Sợ quota cấp không đủ”- Lai Wai Hung thừa nhận.
Bị cáo này còn khai tiếp, đã cùng ông Nguyễn Cương đến nhà riêng ông Mai Văn Dâu. Đồng thời Lai cũng cho rằng có nhiều doanh nghiệp khác cũng phải làm như vậy nhưng không bị xử lý. Điều này thiếu công bằng. Song Lai Wai Hung lại thừa nhận cáo trạng truy tố tội đưa hối lộ mà cơ quan công tố Việt Nam qui buộc là đúng!
Chủ toạ cũng thông báo cho Lai Wai Hung biết, người nhà của ông này ở Trung Quốc đã gửi đơn đến HĐXX xin xem xét trường hợp của bị cáo này và HĐXX sẽ lưu ý điều này.
Trần Thu Lan: 11 lần đưa tiền
Bị cáo Trần Thu Lan. Ảnh: Hữu Vinh |
Gần cuối giờ trưa, bị cáo Trần Thu Lan (Phó Giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu) bị HĐXX gọi. Trước toà, Lan đã thừa nhận như những gì mà cáo trạng quy buộc.
Giống như các doanh nghiệp khác bị cơ “chế” xin – cho “hành”, bị cáo Lan cũng phải tìm cách chạy quota cho doanh nghiệp mình. Sau vài lần đi cùng bị cáo Bùi Thị Huyền Nga đến Bộ Thương mại, Lan đã quen được Phó Vụ trưởng Lê Văn Thắng và ông Bùi Hồng Minh – chuyên viên Vụ XNK, thuộc cấp ông Thắng.
Từ tháng 6/2003 – 8/2004, Lan đã đưa cho ông Thắng 11 lần tiền, tổng cộng 15.000 USD. Cũng giống “sếp”, ông Minh cũng nhận từ Lan 3 lần tiền, tổng cộng 2.000 USD. Đổi lại ông Minh đã làm đề xuất cho lãnh đạo duyệt cấp 89.842 tá hạn ngạch các loại xuất khẩu vào Hoa Kỳ cho Cty Á châu.
Bị cáo Lan thừa nhận việc cáo trạng truy tố tội “Đưa hối lộ” là đúng. Tuy nhiên trong vụ việc này, Lê Văn Thắng phải ra trước vành móng ngựa,còn Bùi Hồng Minh thì cũng có mặt tại Toà nhưng với vai trò là đương sự bị triệu tập có nghĩa vụ quyền lợi liên quan mà thôi. Liệu HĐXX cũng sẽ làm rõ điều khuất tất này?
Bị cáo Lan cũng bộc bạch nỗi lòng mình trước Tòa. Doanh nghiệp Á châu đã chứng tỏ năng lực của mình sản xuất hàng dệt may và cung cấp cho đối tác Mỹ. Song, hạn ngạch đã phụ thuộc vào “cơ chế” đã buộc bị cáo này phải tìm đường khác chạy, trong khi đã nhiều lần gửi đơn đến Bộ Thương mại xin xét cấp nhưng không được trả lời cho dù đó là từ chối hay chấp nhận.
Lan khóc: “Nếu hàng không giao kịp đối tác phải chuyển gấp bằng máy bay. Một cái áo giá gia công chỉ có mấy chục cent nhưng khi xin mua quota đã đội giá lên 3 - 4USD/chiếc".
Đúng 11 giờ 30' HĐXX tạm nghỉ làm việc. Đầu giờ chiều phiên toà tiếp tục mở trở lại và Mai Thanh Hải sẽ được Toà gọi thẩm vấn!
Bùi Thị Huyền Nga: Hành động của bị cáo là hoàn toàn trong sáng (?!)
Bị cáo Bùi Thị Huyền Nga. Ảnh: Hữu Vinh |
14 giờ, HĐXX tiếp tục làm việc. Sau phần hỏi của luật sư đối với bị cáo Lan kết thúc, Chủ toạ gọi bị cáo Bùi Thị Huyền Nga. Bị cáo này xác nhận về mối quan hệ với quan chức Lê Văn Thắng như sau:
Khi còn làm ở Cty Cổ phần dệt may Sài Gòn, năm 1998, trong lần đi công tác với sếp, bị cáo Nga có biết ông Thắng và ông này đã cho biết, sắp chuyển quan làm ở Vụ XNK.
Khi từ Hà Nội về, Trần Thu Lan đã gặp bị cáo Nga và hỏi: “Chị có biết ai ở Bộ Thương mại?” Bị cáo Lan nói: “Có quen anh Thắng”.
Chủ toạ hỏi: “Bị cáo còn dẫn Trần Thu Lan gặp ai ở Bộ Thương mại? Ngoài bị cáo Thắng còn ai?”. “Gặp chị Lan làm ở Bộ Thương mại” – Nga xác nhận.
Để làm sáng tỏ hành vi môi giới hối lộ của bị cáo này, Chủ toạ trích bút lục lời khai của Bùi Thị Huyền Nga: “Những lần đi cùng Lan ra Hà Nội, khi Lan đưa tiền cho anh Thắng và anh Minh C (Bùi Hồng Minh - chuyên viên Vụ XNK), tôi đều nhìn thấy”.
Đến đây Chủ toạ hỏi: “Vậy bị cáo nghĩ như thế nào?”. Nga nói: “Bị cáo chỉ thấy 1 lần Lan đưa trực tiếp, những lần sau thấy Lan để tiền trong hộp bánh Trung thu” .
“Vậy cáo trạng truy tố tội môi giới hối lộ, bị cáo nghĩ như thế nào?”- Chủ toạ hỏi.
“Bị cáo có làm đơn khiếu nại gửi cơ quan tố tụng….Bị cáo chỉ vô tình đi cùng với Lan và chẳng hưởng lợi… Không tác động và chỉ nhìn nhận Cty Lan có năng lực sản xuất và cần quota xuất hàng. Cáo trạng truy tố tội môi giới đối với bị cáo quá nặng. Xin xem xét lại mục đích và hành vi của bị cáo, chủ quan của bị cáo và hành động của bị cáo là hoàn toàn trong sáng”.
Trước thái độ không thừa nhận hành vi của bị cáo Nga, công tố viên đã nhắc lại lời khai của bị cáo này tại cơ quan điều tra: trên đường đi đến nhà bị cáo Thắng, Lan có hỏi Nga đưa 10.000 USD được không? Nga nói sao đưa nhiều vậy!... Ngay tại nhà riêng của ông Thắng, Lan đã đưa phong bì chứa 3.000 USD cho ông Phó Vụ trưởng này và chính tay Nga đã đẩy chiếc phong bì này về phía ông Thắng.
Và cũng theo công tố viên, Cty Á châu đã gửi đơn xin cấp hạn ngạch đến Bộ Thương mại, song không được cơ quan này trả lời cấp hay không cấp, nên Lan bức xúc và tìm đường quan hệ riêng để chạy quota, thông qua Nga.
Lưu Thị Minh Hiền và những giọt nước mắt trước Tòa
Lưu Thị Minh Hiền. Ảnh: Hữu Vinh |
15 giờ, HĐXX gọi Lưu Thị Minh Hiền (Giám đốc Cty TNHH Hải Minh).
Hiền khai thông qua giới thiệu Hiệp hội thương nhân Đài Loan , doanh nghiệp Hải Minh được Cty QMI nhờ xin giúp quota. Lúc bấy giờ QMI có hợp đồng lớn với Adidas. Nhưng Bộ Thương mại chỉ cấp cho QMI hơn 3.000 tá nên không đủ đáp ứng hợp đồng với khách hàng.
Hiền đã nối kết với Trần Kim Dung – Giám đốc Chi nhánh Cty XNK tổng hợp Vĩnh Phúc tại HN (hiện đã bỏ trốn). Hiền đã đưa trước 20.000 USD cho Dung tại nhà riêng của Dung. Dung hứa có thể giải quyết được khoảng 30.000 - 40.000 tá sản phẩm.
Số tiền nói trên, Hiền không có nên phải vay của Trần Thu Hương (ở Hà Nội) 20.000 USD để đưa cho Dung. Lần thứ 2 Hiền ứng tiền của khách hàng đưa tiếp cho Dung 30.000 USD (tương đương giá “chạy” quota 1 USD/tá). Sau đó Dung có gửi 5 thông báo quota được khoảng 20.000 tá. Phần còn lại Dung thông báo, khó khăn không lấy quota được.
Một vị Hội thẩm hỏi: “Số lượng quota có đáp ứng đủ để xuất hàng?”. Hiền vừa khóc vừa trả lời: “Thực tế với số lượng trên không đủ xuất nhưng vì nhiều lần đối tác huỷ hợp đồng nên lượng quota còn dư 8.000 tá”.
Trả lời câu hỏi Luật sư Hoàng Mỹ Đức, Hiền cho biết chỉ thông qua Trần Kim Dung để xin quota, không biết Lê Văn Thắng là ai.
15 giờ 45, phiên toà tạm nghỉ để giải lao.
Mai Thanh Hải: Nếu khai ra,... sợ ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình
Mai Thanh Hải. (Ảnh: Hữu Vinh) |
16 giờ, HĐXX gọi Mai Thanh Hải.
Bị cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hải đã không thừa nhận vì cho rằng, khi nhận 560.000 triệu đồng từ ông Đặng Vũ Quang (Phó Giám đốc Cty TNHH Hàng Đầu) để chạy quota giúp cho Cty Qualitex, Mai Thanh Hải đã có tác động đến bố (ông Mai Văn Dâu) và…chú Thắng (bị cáo Lê Văn Thắng).
Trả lời với HĐXX lý do vì sao trong giai đoạn truy xét, tại cơ quan điều tra Hải đã có lời khai việc không hề tác động đến người thân để chạy quota, Hải nói: “Vì nếu khai ra bị cáo sợ ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình”.
Vì thế khi phía ông Quang đòi lại số tiền đã đưa cho Hải thì Hải chỉ trả lại có 204 triệu đồng, phần còn lại không trả vì Hải cho là đã “chạy” xin quota cho Qualitex. Phải đến khi gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Hà làm đơn tố cáo đến lãnh đạo Bộ Thương mại, tháng 9/2003, bấy giờ Hải mới chuyển tiền trả hết cho ông Quang để ông Quang trả cho bà Hà.
Về hành vi bị cáo buộc tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” trong việc sử dụng bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội giả, Mai Thanh Hải cũng chối biến. Bị cáo này khai là hồ sơ ấy không biết từ đâu mà có. Thậm chí, Hải cho rằng nó “xuất hiện” trong giai đoạn được chuyển từ Phòng tổ chức của Công ty XNK tổng hợp 1 (Bộ Thương mại) – nơi trước kia Hải công tác, về Vụ XNK.
Song, HĐXX nhấn mạnh: “Bị cáo được yêu cầu bổ sung hồ sơ làm bảo hiểm xã hội từ năm 2002. Chính bà Doãn Thị Thu Hương – cán bộ Phòng Tổ chức Cty XNK tổng hợp 1là người yêu cầu. Chính bị cáo đã trực tiếp bản sao bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội cho bà Hương. Vậy thì bị cáo nói ai đã nộp hay ai đã chuyển hồ sơ lên Vụ XNK?”
Phiên toà tạm dừng lúc 16 giờ 55 phút. Chủ toạ yêu cầu lực lượng dẫn giải sáng mai (15/3), các bị cáo tạm giam phải có mặt đầy đủ tại Toà.
Theo dự kiến, phần thẩm vấn tiếp tục sẽ được HĐXX thực hiện với 2 bị cáo quan chức là Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng!
Hai người bạn học cũ của ông Mai Văn Dâu?!
15 giờ chiều hôm qua, kết thúc phần đọc cáo trạng của công tố viên, HĐXX đã cho lực lượng áp giải đưa ông Mai Văn Dâu, Lê Văn Thắng, Lai Wai Hung về lại trại giam. Trong lúc đưa ông Dâu ra khỏi cửa Toà án , điều bất ngờ xảy ra, có hai người phụ nữ đã giơ tay vẫy theo ông Dâu. Chắc chắn một trong hai nhân vật này không phải là bà Nguyễn Diên Hồng. Khi ông Dâu lên xe, hai người này đã áp sát cửa kính và cúi sát vào, thầm thì điều gì đó với ông cựu Thứ trưởng (ảnh). |