Ông Lèo “lái” đất của dân thành của mình

Ô tô của ông Lèo đậu trước biệt thự của ông xây trên đất hơn 20 năm qua bị tố cáo chiếm của ông Lâm Văn Tú. Ảnh: Sáu Nghệ
Ô tô của ông Lèo đậu trước biệt thự của ông xây trên đất hơn 20 năm qua bị tố cáo chiếm của ông Lâm Văn Tú. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Ông Nguyễn Thanh Lèo, PGĐ Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng, người vừa bị tạm giữ hình sự vì đánh cờ tướng ăn tiền mỗi ván 1-5 tỷ đồng, từng thành công trong việc “lái” đất của dân thành của mình.

> Quan đánh cờ bạc tỷ: “Nổi tiếng” với các vụ tranh chấp đất

Ô tô của ông Lèo đậu trước biệt thự của ông xây trên đất hơn 20 năm qua bị tố cáo chiếm của ông Lâm Văn Tú. Ảnh: Sáu Nghệ
Ô tô của ông Lèo đậu trước biệt thự của ông xây trên đất hơn 20 năm qua bị tố cáo chiếm của ông Lâm Văn Tú.   Ảnh: Sáu Nghệ.

Đám đất rộng khoảng 4.000 m2, ở phường 2 (TP Sóc Trăng) của ông Lâm Văn Tú và vợ là bà Hứa Thị Bạch Mai, thừa kế từ cha mẹ, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Năm 1981, gia đình ông Tú chuyển vào trung tâm chợ Sóc Trăng để mở tiệm vàng, trước sự chứng kiến của nhiều người dân, đã cho một cán bộ của Cty GT-VT thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng mượn đám đất để ở. Ông Lèo từ huyện chuyển lên làm GĐ Cty.

Năm 1989, người cán bộ mượn đất của ông Tú, lén lút làm “cam kết” nhượng cho ông Lèo gần 2.000 m2 với giá chỉ 1,8 triệu đồng. Ông Lèo còn làm đơn “xin đất” và được UBND thị xã Sóc Trăng “tạm cấp 250 m2 đến khi có quyết định mới” trong đám đất của ông Tú.

Được đất, ông Lèo bán 300 m2 cho chính Cty của mình để xây dựng trụ sở. Một số cán bộ khác của Cty thấy vậy cũng xông vào chiếm đất của ông Tú.

Phát hiện sự việc, ông Tú khiếu nại, năm 1992, UBND thị xã và năm 1994, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho ông Tú 4.000 m2, buộc những người chiếm đất “có trách nhiệm thỏa thuận việc đền bù với ông Lâm Văn Tú” nếu muốn sử dụng. Họ thỏa thuận xong với ông Tú, trừ ông Lèo vẫn chiếm hơn 1.600 m2.

Ông Lèo trưng ra một số giấy tờ nhằm chứng minh là đất do ông mua. Tất cả giả mạo, nhiều cơ quan địa phương không thừa nhận các giấy tờ đó. Thế nhưng năm 1996, Sở Địa chính Sóc Trăng lại cấp “chứng nhận sử dụng tạm thời” cho ông Lèo 1.000 m2 đất.

Năm 1998, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định “tiếp tục thực hiện” các quyết định trước đây, nhưng lại công nhận cho ông Lèo được sử dụng hơn 1.000 m2 đất “từ trên trời rơi xuống”, còn ông Tú chỉ hơn 2.100 m2 đất.

Hai bên được cấp sổ đỏ diện tích ấy. Ông Tú khiếu nại, năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn cho rằng, đất đã có sổ đỏ “thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”, nếu ông Tú cho rằng bị ông Lèo chiếm đất thì “làm đơn gửi đến tòa án”.

Ông Tú than thở, kiện ra tòa thì tòa án sẽ căn cứ vào sổ đỏ mà xử, ông cũng thua (?). Kết cục sau hơn 20 năm khiếu nại, đất của ông có giấy tờ hợp pháp, chính quyền đã công nhận 4.000 m2 nhưng chỉ được cấp sổ đỏ hơn 2.100 m2; còn ông Lèo không có gì cả nhưng “lái” được hơn 1.600 m2 (sau khi bán và trừ lộ giới, còn hơn 1.000 m2), với mặt tiền Quốc lộ 1A chừng 30m.

Một số cán bộ địa phương tham gia xác minh giải quyết vụ khiếu nại cho rằng, nếu từ đầu xử lý theo quy định thì không có sự “tréo ngoe” hiện nay. Đó là chấp hành nghiêm Chỉ thị 77/CT ngày 9-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc “thực hiện một số biện pháp cấp bách để ngăn chặn việc giao đất , mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất trái pháp luật”.

Trong đó, Điểm 2 đã chỉ rõ: “Đối với cán bộ lợi dụng chức quyền cấp và giao đất trái pháp luật dưới bất cứ hình thức nào đều phải được xử lý nghiêm minh”. Các cán bộ nói trên, không có sự lèo lái coi thường pháp luật thì biết đâu không có vụ đánh cờ tướng thắng thua mỗi ván 1-5 tỷ đồng?

Người được thuê đòi nợ là ai?

Sóc Trăng (TP) - Chiều 25-12, một cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, người được ông Trần Văn Tân thuê đòi nợ 17 tỷ đồng thua cờ tướng ở ông Nguyễn Thanh Lèo, là ông Nguyễn Thanh Hùng (Hùng “cải lương”) đã bị tạm giữ hình sự khi ra trình diện cơ quan điều tra ngày 24-12. Ông Hùng “cải lương” gần 50 tuổi, ở phường 2 (TP Sóc Trăng), trước đây làm nghề bốc vác và đã có gia đình, sau đó cặp với một người phụ nữ là em của người có thế lực trong giới kinh doanh ở TP Sóc Trăng, thì từ giã nghề bốc vác, chuyển sang cho vay nóng và trở thành một trùm môi giới cờ bạc ở địa phương. Do ông Hùng có mối quan hệ rất rộng với những người “có số má” nên được ông Tân thuê đi đòi nợ và hăm dọa gia đình ông Lèo. Khi vụ việc vỡ lở, ông Hùng bỏ trốn nhưng ngày 24-12 đã ra trình diện.

Hai ông quan đánh cờ ăn tiền từ lâu đã nổi tiếng ở địa phương về sự giàu có. GĐ Trung tâm sát hạch và cấp phép lái xe hạng 3 Trần Văn Tân có trang trại nuôi bò, nuôi cá, lò giết mổ gia súc (xây trái phép), nhà hàng Cánh Buồm, quán cà phê Cánh Buồm Xanh ở TP Sóc Trăng và đầu tư kinh doanh ở TP Cần Thơ.

Lãnh đạo cơ quan của hai ông trả lời báo chí, đều “chờ cơ quan điều tra có kết luận cụ thể mới xử lý được”. Chiều 25-12, một nguồn tin cho biết, có thể ngày 26-12, Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ nghe báo cáo và đề xuất hướng xử lý. Thanh Ngọc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG