Thông tin này xuất hiện trong thời điểm Triều Tiên và Mỹ dự kiến sẽ nối lại đàm phán hạt nhân sau vài tuần nữa.
Ông Kim phát biểu như vậy để đáp từ điện mừng của Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/9, nhân kỷ niệm 71 năm thành lập nước của Triều Tiên.
Quan hệ giữa hai nước đồng minh trở nên lạnh lẽo sau khi Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, nhưng nồng ấm hơn trong vài tháng gần đây sau hàng loạt cuộc gặp giữa ông Kim và ông Tập.
Ông Tập sang thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6, còn ông Kim thăm Trung Quốc 4 lần kể từ tháng 3/2018.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Bình Nhưỡng vào đầu tháng này làm dấy lên đồn đoán về khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh nữa trong tương lai gần.
“Các cuộc gặp của chúng ta ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thể hiện đầy đủ trước thế giới về ý chí của tôi và đồng chí Tổng Bí thư Tập sẽ luôn luôn củng cố quan hệ hữu nghị Triều Tiên – Trung Quốc”, ông Kim nói. Ông gọi quan hệ hữu nghị này là “quý giá” và là “lựa chọn chiến lược”.
GS Yang Moo-jin, công tác tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận xét rằng Triều Tiên đã bỏ một số từ ngữ truyền thống như “quan hệ xương máu” và “tình đồng chí cách mạng” khi nói về Trung Quốc để có diễn đạt mang tính chất ngoại giao hơn. “Đây là một phần nỗ lực của Triều
Tiên nhằm tạo dựng hình ảnh như một nhà nước bình thường như các nước khác”, GS Yang nói.
Tuần trước, Triều Tiên thể hiện sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ, nhưng cũng thúc giục Mỹ đưa ra đề xuất mới chấp nhận được với Bình Nhưỡng, như nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh cho chế độ thông qua một hiệp ước hòa bình.
Phái viên hàng đầu của Hàn Quốc Lee Do-hoon, người đang có chuyến công tác đến Washington, hôm qua nói rằng Mỹ và Triều Tiên có thể sớm nối lại đối thoại.
Nhưng việc ông Trump vừa chọn ông Robert O’Brien làm cố vấn an ninh quốc gia thay ông John Bolton khiến giới quan sát chưa thể dự đoán bước đi tiếp theo của Mỹ.