> Cuộc đời lang bạt của các ông thầy nội
Ông Hải chuẩn bị rất kỹ cho trận cầu ra mắt trên sân Thống Nhất của Sài Gòn FC chiều thứ Bảy vừa rồi. Trận cầu mà ông biết trước đối thủ sẽ tấn công ồ ạt nên đã chuẩn bị trước những phương án phòng ngự được cụ thể hóa bằng một lối chơi thận trọng, có chiều sâu.
Lối chơi ấy giúp cho Hải Phòng giữ được thế quân bình với đối phương trong khoảng chục phút đầu tiên, và khoảng thời gian quân bình ấy hứa hẹn sẽ kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ đã xảy ra khi hậu vệ Trọng Nghĩa - người nổi tiếng với cái biệt hiệu Nghĩa "chém" đã phải nhận thẻ đỏ rời sân sau những pha bóng chặt chém theo đúng chất của mình.
Thời điểm trọng tài rút thẻ đỏ và Trọng Nghĩa miễn cưỡng rời sân thì ở trên đường piste ông Hải đã nhăn mặt cau có. Phải đợi tới khi buổi họp báo sau trận đấu diễn ra, thời điểm mà ông Hải tưng tửng trả lời tất cả các câu hỏi hướng về phía mình thì người ta mới biết rằng cái cau mặt của ông lúc đó không phải vì bực học trò, mà vì bực ông trọng tài Phùng Đình Dũng.
Ông giải thích: "Đấy không phải là một pha phạm lỗi từ phía sau, thế nên trọng tài không nhất thiết phải rút thẻ". Nhưng rồi ông lại nói ngay: "Tuy nhiên, chúng tôi đá trên sân khách, nên buộc phải chấp nhận mọi rủi ro như thế này".
Có lẽ cũng bởi cái tâm lý chấp nhận rủi ro mà mặc dù bực trọng tài nhưng ông Hải không "phát hỏa" như mình vẫn từng "phát hỏa". Ông không kích động các học trò dừng trận đấu, cũng không lao tới phía trọng tài chính để lớn tiếng thóa mạ.
Trái lại, ông chỉ càu nhàu chút ít rồi lại nhanh nhảu bước về chỗ của mình. Với kinh nghiệm cầm quân hàng chục năm, ông Hải hiểu rằng với thế này, lực này, binh tình này thì việc Hải Phòng phải nhận bàn thua chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bằng chứng là sau trận đấu ông đã nói rất thẳng: "Sài Gòn FC có đến 6, 7 Tây trong đội hình, lại toàn là Tây xịn, cho nên họ không thắng Hải Phòng thì mới có chuyện, chứ thắng là chuyện hết sức bình thường".
Ngẫm ra thì đúng là bình thường thật, bởi ngay cả khi chưa mất người, Hải Phòng cũng chỉ tạo ra được một sự quân bình gắng gượng với đối phương. Còn sau khi mất người thì cầu thủ Hải Phòng co rúm lại trước những pha công phá mãnh liệt của những cao thủ tấn công như Huỳnh Kesley, Antonio, Rogerio Nguyễn…
Vậy nên thua 0-4, chứ thua 0-5 hay 0-6 với Hải Phòng cũng là điều bình thường đúng như ông Hải nói. Nhưng sự bình thường sẽ lập tức trở thành bất thường nếu ở những vòng đấu tới đây Hải Phòng vẫn cứ thua, và vẫn thể hiện một lối chơi thiếu thuyết phục như thế này.
Lúc ấy chắc chắn người hâm mộ đất Cảng sẽ không thể chấp nhận những lý lẽ theo dạng "đối phương đá quá giỏi, quá hay" như ông Hải đã nói về Sài Gòn FC sau trận cầu ra mắt.
Cách đây ít lâu, khi ông Hải bất ngờ chọn Hải Phòng (chứ không phải một Bình Dương nhiều tiền, nhiều sao, nhiều tham vọng) hỏi ông xem nỗi sợ lớn nhất của ông ở một mảnh đất bóng nổi tiếng là nghiệt ngã với những HLV ngoại tỉnh là gì thì ông tỉnh bơ nói: "Sao phải sợ chứ. Tôi chẳng sợ gì hết cả".
Bây giờ sau trận cầu thảm bại ngày ra mắt thì ông nói: "Bóng đá xét cho cùng chỉ là một cuộc chơi. Thua một trận đấu cũng chẳng vấn đề gì". Rồi ông nói thêm: "Tôi tin vào năng lực của mình và tin vào việc Hải Phòng sẽ hoàn thành mục tiêu trụ hạng. Người ta mời tôi đến đây là để làm điều đó mà".
Từ chỗ công nhận đội bóng của mình yếu, thậm chí nói rõ là "yếu từ tôi trở xuống" đến chỗ khẳng định một chữ "tin", ông Hải không đưa ra bất cứ một cơ sở, lý lẽ nào. Tất cả đều chỉ là những câu nói theo kiểu "thích thì nói" theo đúng phong cách của ông.
Người ta vẫn bảo chính những câu nói "thích thì nói" của “Trương Phi” Lê Thụy Hải đã giúp cho giải VĐQG thêm màu sắc hơn và dư luận có thêm nhiều cái để mà quan tâm, chú ý hơn. Thế thì hãy cứ đợi xem ở những vòng đấu tới đây, với những sự thắng - thua gắn liền với đội bóng của mình, ông Hải rồi sẽ "nói", sẽ "nổ" những điều gì!?
Theo Công An Nhân Dân