Ông đồ Vũ Đình Liên với đất võ trời văn

Nhà thơ Vũ Đình Liên (thứ ba bìa phải) trò chuyện với văn nghệ sĩ Nghĩa Bình năm 1988 (Tác giả ngồi cuối, cùng hàng)
Nhà thơ Vũ Đình Liên (thứ ba bìa phải) trò chuyện với văn nghệ sĩ Nghĩa Bình năm 1988 (Tác giả ngồi cuối, cùng hàng)
TP - “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua…”. Đó là những câu mở đầu bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên, một trong những bài thơ tiêu biểu của Phong trào Thơ Mới (1932-1945). Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chàng thi sĩ Hà thành họ Vũ lại có những dấu ấn kỷ niệm với đất và người Bình Định - một trong những cái nôi của Phong trào Thơ Mới…

Đó là năm 1988, khi “Miền Đất Võ - Trời Văn” còn mang tên Nghĩa Bình. Mùa Thu năm ấy, “Ông đồ” Bô-đơ Liên thực hiện chuyến du Nam, rồi lần lượt quay ra Nha Trang - Phú Khánh (nay là Khánh Hòa), ghé thăm Qui Nhơn - Nghĩa Bình (nay là Bình Định). Tôi đã may mắn được gặp ông tại trụ sở Hội Văn học-Nghệ thuật Nghĩa Bình. Đón tiếp nhà thơ Vũ Đình Liên hôm đó có nhà văn Thu Hoài, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nghĩa Bình, nhà văn Nguyễn Thanh Hiện, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình, nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhà thơ Đinh Xăng Hiền, nhà thơ Từ Quốc Hoài… và một số giáo viên văn Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn (nay là Đại học Qui Nhơn)…

Tôi còn nhớ, khi đó nhà thơ Vũ Đình Liên có một vật “bất ly thân” là chiếc mũ của danh họa Bùi Xuân Phái, một trong hai người bạn chí cốt của ông. Nhà thơ Vũ Đình Liên cho biết, ông có hai người bạn cực kỳ thân thiết là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Riêng về Bùi Xuân Phái, ông chính là họa sĩ từng thực hiện ba bức tranh Ông đồ. Còn biệt danh “Bô-đơ-Liên” là bởi theo các nhà phê bình, bấy giờ thơ của Vũ Đình Liên có sự ảnh hưởng của nhà thơ Bô-đơ-le (Charles Pierre Baudelaire, người Pháp).

Tại buổi gặp gỡ, giao lưu ở Hội Văn học-Nghệ thuật Nghĩa Bình, nhà thơ Vũ Đình Liên vui vẻ đọc một bài thơ mà ông mới sáng tác trên đường từ Nha Trang ra Qui Nhơn: “Hôm qua trong Phú Khánh/Hôm nay ra Nghĩa Bình/Ngẩng nhìn ngọn Đại Lãnh/Cù Mông, đèo xuống nhanh”.

“Ông đồ” Bô-đờ-Liên kể lại những kỷ niệm giữa ông và danh họa Bùi Xuân Phái: Trước khi hai người quen nhau, từ cảm xúc khi đọc bài thơ Ông đồ, Bùi Xuân Phái xuất thần vẽ bức tranh Ông đồ cực đẹp, lột tả cái thần của bài thơ. Và Vũ Đình Liên đã xúc động làm bài thơ “Gửi Bùi Xuân Phái”: “Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn/Như thơ tôi vẫn cứ thương thương/Anh, tôi đâu phải không vui lắm/Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn/... Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp/Đốt trái tim trầm gửi gió hương”.

Đặc biệt, trước khi vào Qui Nhơn, nhà thơ Vũ Đình Liên từng có một kỷ niệm liên quan đến “Miền Đất Võ - Trời Văn”. Kỷ niệm này được bà Đinh Thị Vỹ, nguyên Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng Khu V - Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định lưu giữ và được nhà thơ - nhà báo Bùi Thị Xuân Mai (nguyên Phó tổng biên tập Báo Bình Định) ghi lại. Theo bà Đinh Thị Vỹ, sau năm 1954, bà không tập kết mà được Đảng phân công ở lại quê nhà hoạt động bí mật. Không may, tháng 11 năm 1955 bà bị địch bắt và giam cầm qua nhiều nhà tù: Qui Nhơn, Côn Đảo, Phú Lợi, Thủ Đức. Mặc dù bị tra tấn dã man, song bà Vỹ vẫn một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Năm 1961, trước chí khí bất khuất của bà và không tìm được bằng chứng buộc tội, địch buộc phải trả tự do cho bà Vỹ. Ngay sau khi ra tù, bà Đinh Thị Vỹ tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà được bầu làm ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và giữ nhiều cương vị, như: Phó ban Dân vận tỉnh, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh, Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng Khu V.…

Ông đồ Vũ Đình Liên với đất võ trời văn ảnh 1 Tranh cắt giấy Ông đồ của Bùi Xuân Phái, năm 1976 

Năm 1970, bà Đinh Thị Vỹ được ra miền Bắc điều dưỡng tại K5 (Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Nội). Đây là Khu điều dưỡng dành cho cán bộ trung, cao ở chiến trường miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh, dưỡng sức. Tại đây, cùng với một nữ cựu tù cách mạng là bà Bùi Thị Thanh Vân, bà Định Thị Vỹ được gặp nhà thơ Vũ Đình Liên.

Bà Vỹ nhớ lại: Hôm đó, bà và bà Vân đang đi bộ trên đường đê Quảng Bá thì gặp nhà thơ Vũ Đình Liên, cũng đang đi dạo bộ. Nhà thơ khi ấy đang dự trại sáng tác Quảng Bá. Qua trò chuyện, được biết hai người là cán bộ từ chiến trường miền Nam ra Bắc chữa bệnh nên nhà thơ Vũ Đình Liên tỏ ra rất xúc động và hẹn sẽ trở lại gặp nhau. Thế rồi, sau đó không lâu, nhà thơ Vũ Đình Liên trở lại thăm hai bà Vỹ - Vân và tặng bài thơ (chép tay) “Các chị hãy ở đây”, với lời đề tặng: “Kính tặng hai chị Đinh Thị Vỹ và Bùi Thị Thanh Vân và các chị đã bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam”.

Ông đồ Vũ Đình Liên với đất võ trời văn ảnh 2 Tranh cắt giấy Ông đồ của Bùi Xuân Phái, năm 1976 

Bài thơ dài hơn 60 câu, trong đó nhiều vần thơ xúc động. “Tôi gặp hai chị trên đường đê Quảng Bá/ Áo cánh bà ba nón lá quê hương/ Tôi tưởng như là tất cả miền Nam/ Đã trở về trong lòng nôi miền Bắc/... Cuối mùa hè nước sông Hồng dào dạt/ Các chị ơi! đây như lòng Tổ quốc/ Như lòng Bác Hồ thương nhớ miền Nam/ Thương những đứa con Bình Định, Phú Yên/ Tôi biết hai chị buồn vì ra đây không gặp Bác/ Bác chờ các chị như chờ mong nửa nước/ Tháng năm dài quyện thành kén nhớ mong/... Như tôi đã tìm miền Nam một phần thế kỷ/Tôi gặp miền Nam ở khắp các ngã tư/Như gặp các chị sáng nay, gặp các chị bây giờ...”.

Nhà thơ Vũ Đình Liên qua đời vào ngày 18/1/1996. Vậy là “Ông đồ” Bô-Đờ-Liên đã rời cõi tạm tròn 25 năm. Tuy nhiên, những tác phẩm của nhà thơ vẫn để lại dấu ấn sâu đậm với nền thi ca nước nhà và “Miền Đất Võ - Trời Văn” nói riêng.

Có điều hơi lạ, tác giả bài thơ Ông đồ đã chọn đúng mùa hoa đào để ra đi. Phải chăng, đó cũng là cách để người đời nhớ mãi về một tuyệt phẩm thơ? Và, năm nay, đào lại nở nhưng vẫn “không thấy ông đồ xưa”… Chợt nhớ câu “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”…

MỚI - NÓNG