Ông Đồ thời @

TP - Gần 90 năm trước, cố thi sĩ Vũ Đình Liên viết: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Bây giờ, nhiều ông đồ trẻ đã xuất hiện và chứng tỏ “tuổi trẻ tài cao”. Cũng không còn cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay…”.
Ông Đồ thời @ ảnh 1
Thư pháp gia gần 30 năm cho chữ ở Văn Miếu Nguyễn Văn Nguyên đang dạy khách Tây viết chữ. Ảnh: Nguyễn Văn Nguyên cung cấp

Nhiều năm nay, cho chữ được mùa. Ngay thời đại dịch các ông đồ vẫn bận rộn. Một vị tiết lộ: “Khách đông như thường. Họ xin chữ online và đưa địa chỉ. Thầy đồ @ nhờ shipper (người giao hàng) mang chữ đến tận nơi”.

Sát hạch

May mắn cũng chỉ mất đôi năm cho chữ online, năm nay cũng như mọi năm vào thời điểm này nhiều ông đồ đang rục rịch chuẩn bị ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám bắt đầu mùa cho chữ.

Trước đây, khi chưa có sát hạch trình độ thư pháp, hoạt động cho chữ của các ông đồ diễn ra trong cảnh bát nháo, “vàng thau lẫn lộn”. Có những ông đồ bán chữ ăn tiền lại không có trình độ thư pháp. Một tiến sĩ văn học chia sẻ, chị từng tận mắt chứng kiến ông đồ viết sai. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên. Kết quả sát hạch ông đồ năm 2015 khiến những người chăm chỉ xin chữ giật mình: 70% các ông đồ thi trượt. Một trong những vị giám khảo hồi ấy từng chia sẻ với truyền thông: Viết sai đã đành, có người còn chưa biết cách cầm bút. Vị giám khảo nổi tiếng khác là thư pháp gia đình đám Lê Quốc Việt thốt lên: “Không thể tưởng tượng được ở cái đất này có những người lấy tiền thật mà bán hàng giả”. Tháng 2 năm 2015, phóng viên may mắn có cuộc trò chuyện với cây đại thụ trong làng thư pháp Việt Nguyễn Văn Bách. Nhà thư pháp lão luyện cũng chỉ ra nhiều “bút láo” thời nay. Ông kể: “Có kẻ cầm bút còn run mà còn đến dọa tôi”.

Ông Đồ thời @ ảnh 2
Thư pháp gia Lê Quốc Việt. Ảnh: Họa sĩ Phan Minh Bạch cung cấp

Sau cuộc sát hạch ông đồ đó, tình trạng lộn xộn, lấy tiền thật bán hàng giả ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn. TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết: “Năm nay Hồ Văn có sự tham gia của 45 thư pháp gia. Những thư pháp gia đã được khảo tuyển sẽ có mặt từ 23/1 đến 9/2 dương lịch”. Ở Văn Miếu, có thể xin chữ ở hai nơi. Hoặc ở Hồ Văn, hoặc ở nhà Thái Học. Theo TS. Lê Xuân Kiêu, nhà Thái Học gồm những vị khách mời, không cần qua sát hạch, trình độ của họ có thể chấm những người cho chữ ở Hồ Văn. Năm nay cũng như mọi năm lượng khách mời không nhiều. Họ sẽ có mặt ở nhà Thái Học từ mồng 1 tết đến mồng 5 tết.

Ông Đồ thời @ ảnh 3
Một số tác phẩm thư pháp của Lê Quốc Việt

Như xin lá bùa?

Một ông đồ nói vui: “Người ta xin chữ, mua chữ là mua niềm tin. Chúng tôi cho chữ như vẽ lá bùa”. Vì thế có nhiều người không biết Hán Nôm vẫn xin chữ và treo trong nhà. Không học Hán Nôm nên họ cũng không thể đánh giá ông đồ viết đẹp hay xấu. Chị Hương, kinh doanh tự do, 42 tuổi cho biết: “Những năm trước vợ chồng tôi vẫn đưa con trai ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ. Cũng không có điều kiện để kén chọn ông đồ, vì người xin chữ quá đông. Chồng tôi xếp hàng xin chữ, hai mẹ con tôi đứng ngoài đợi. Vì con trai lười học nên chúng tôi xin cho con chữ “nhẫn” nhưng nhiều năm xin chữ “nhẫn” vẫn không thấy con chăm học hơn. Cho nên năm ngoái chúng tôi không đi xin chữ nữa”.

Thu nhập của ông đồ mùa cho chữ là một bí mật. Thư pháp gia Nguyễn Văn Bách khi còn sống bật mí, ông chưa từng bày “mực tàu giấy đỏ” ở Văn Miếu. Người đến xin chữ ông rả rích cả năm, dịp tết lại càng đông. Năm 2014, ông kiếm được 200 triệu đồng, sau khi đã trừ mọi khoản chi tiêu. Đỉnh điểm thu nhập của ông là năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông đồ bây giờ lo bị đánh thuế thu nhập nên ngại nhắc đến nguồn thu mùa tết. Nhưng cảnh người người xếp hàng chờ xin chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hé lộ phần nào.

Thái Dương, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội kể: “Hồi còn bé tôi rất hay theo mẹ đi xin chữ vì nghe nói xin chữ đầu năm thì cả năm sẽ may mắn. Những năm có cuộc thi quan trọng tôi lại càng tích cực xin các chữ liên quan đến thi cử. Bây giờ lớn rồi thì tôi ít đi hơn, vì không trông chờ vào may mắn nữa. Tôi chỉ xem xin chữ như một thú vui đầu năm. Nếu có thời gian năm nay tôi sẽ đến phố ông đồ ở Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để góp phần giữ gìn truyền thống dân tộc và ủng hộ những ông đồ thời 4.0 vẫn say nghề”. Ông đồ Nguyễn Văn Nguyên có thâm niên gần 30 năm cho chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói rằng, Hồ Văn lôi kéo không ít khách có nhu cầu chụp ảnh đăng Facebook hơn là xin chữ. Có lẽ, khách tới với Hồ Văn tết này còn đông hơn vì theo TS. Lê Xuân Kiêu năm nay Hồ Văn được chỉnh trang lại đẹp hơn rất nhiều.

Nhưng không chỉ có Văn Miếu- Quốc Tử Giám mới có mùa cho chữ. Một phụ nữ U50, cử nhân văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội giới thiệu: “Nếu không thể lên Hà Nội, tôi xin chữ ở đền Chu Văn An, gần Quảng Ninh, nơi tôi sống và một vài điểm khác”. Nhưng vì không có cuộc sát hạch chất lượng nên chị phải hỏi ông đồ vài câu, kiểm tra qua kiến thức, trước khi xin chữ. Song không phải ai cũng có vốn văn hóa cổ và chút ít hiểu biết về Hán Nôm như cử nhân văn học nên việc mua chữ đã xấu còn sai vẫn có khả năng xảy ra.

Chơi chữ

Khi còn sống, thư pháp gia Nguyễn Văn Bách từng tâm sự với phóng viên, rằng: Thư pháp gia hạ bút được một chữ ưng ý vất vả không kém một nhà văn thai nghén một tác phẩm ấn tượng. Có những chữ ông viết cả năm mới ưng: “Viết không ưng lại vứt, xé đi”. Viết chữ đẹp còn tuỳ thuộc tâm trạng.

Ông Đồ thời @ ảnh 4
Một số tác phẩm thư pháp của Lê Quốc Việt

Dù ông đồ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được tuyển chọn song người xin chữ có nên ôm hi vọng được sở hữu tác phẩm thư pháp đẹp như hoạ? Ông đồ Nguyễn Văn Nguyên thẳng thắn: “Với giá tiền 100 ngàn đồng, 200 ngàn đồng, 300 ngàn đồng… thì làm gì có nghệ thuật ở đó? Có chữ ngay ngắn là tốt rồi”.

Nhiều người không đọc được chữ Hán Nôm đã xin thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Những ông đồ cho chữ quốc ngữ ở Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải qua sát hạch. Chẳng biết có phải bài thơ Ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên đã đi vào tâm thức của đông đảo độc giả hay không mà nay nhiều người xin chữ vẫn “thiên vị” các ông đồ già. Một bạn trẻ nói: “Nhìn các ông đồ già vẫn cảm giác uy tín hơn”. Điều này có thể khiến những người mua chữ chịu thiệt thòi. Vì bây giờ có nhiều ông đồ trẻ được đào tạo bài bản.

Một trong những thư pháp gia được dân sành chơi chữ trông ngóng chính là Lê Quốc Việt. Năm 2018, thư pháp gia nhuộm răng đen đã tổ chức triển lãm thư pháp cá nhân đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi anh 27 tuổi. Khoảng chục năm trước anh thường xuyên có mặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp tết đến xuân về. Nhưng vài năm nay Lê Quốc Việt mất hút. Phóng viên liên lạc với anh, được biết lý do: “Tôi bận quá”.

Theo thông tin từ TS. Lê Xuân Kiêu, năm nay thư pháp gia răng đen tiếp tục vắng mặt, vì hiện tại danh sách đã chốt, không có tên anh.

Ông Đồ thời @ ảnh 5
Một số tác phẩm thư pháp của Lê Quốc Việt

Người thân của thư pháp gia Lê Quốc Việt, họa sĩ Phan Minh Bạch tiết lộ: Vẫn có thể xin chữ Lê Quốc Việt, nếu có duyên. Năm ngoái, anh cho chữ ở Hàng Buồm (Hà Nội). Chị nói: “Không phải xin chữ gì thì ông đồ Quốc Việt sẽ cho chữ ấy. Nếu thấy không hợp, ông đồ răng đen sẽ phân tích để người xin chữ chuyển sang chữ khác. Lê Quốc Việt giảng mất 30 phút thậm chí cả tiếng. Bởi tâm thế cho chữ của thư pháp gia mấy năm nay là để giao lưu, chứ không phải để kiếm tiền”.

Xin được chữ của thư pháp gia Lê Quốc Việt không chỉ để chơi một năm, mà có người còn lưu giữ như tranh. Một tác phẩm thư pháp của Lê Quốc Việt sáng tác trong giai đoạn thăng hoa có giá cả ngàn USD và hơn thế.