Ông David Dương cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn

VWS của ông David Dương là doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư về xã hội hoá xử lý môi trường ở Việt Nam
VWS của ông David Dương là doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư về xã hội hoá xử lý môi trường ở Việt Nam
Ông David Dương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VWS là doanh nghiệp FDI đầu tư tại TPHCM vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành kiến nghị một số vướng mắc mà doanh nghiệp ông gặp phải.

Chia sẻ với Tiền Phong xoay quay câu chuyện này, ông David Dương nói:

Công Ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) được đầu tư bởi Công ty California Waste Solutions do gia đình người Mỹ gốc Việt chúng tôi làm chủ tại Hoa Kỳ.  Chúng tôi đã hoạt động trên 30 năm trong lĩnh vực thu gom và xử lý tái chế rác cho nhiều thành phố ở Bang California.

Bắt đầu từ năm 2003, khi đoàn lãnh đạo TPHCM và tỉnh Long An sang Hoa Kỳ tìm nhà đầu tư xử lý rác, giải quyết khó khăn cho địa phương trong bối cảnh rác thải là 1 vấn nạn nghiêm trọng và nhức nhối của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Ông David Dương cầu cứu Thủ tướng tháo gỡ khó khăn ảnh 1

Ông cho biết cụ thể những khó khăn mà VWS đang gặp phải?

-Với doanh nghiệp như chúng tôi, trong quá trình hoạt động luôn phải đối mặt với bao thủ tục hành chánh rườm rà, phức tạp, những quy định quản lý chồng chéo giữa các Bộ - Sở ngành.

Hơn nữa trong thời gian qua, VWS bị nhiều lần thanh tra khi có đơn phản ánh tố cáo của ông Đoàn Văn Đức từ năm 2016. Trong khoảng thời gian 2 năm qua, VWS đã 4 lần tiếp các đoàn thanh tra khiến công việc của công ty gặp nhiều xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến công việc của công ty.

Ông có thể nói thêm vì sao VWS bị nhiều lần thanh tra?

- Vào năm 2003, TPHCM và tỉnh Long An giao cho một đơn vị thực hiện dự án trên 1.760 ha để xử lý rác tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Sau đó, dự án này đình trệ nên năm 2010 Chính phủ, TPHCM và tỉnh Long An đã giao lại cho VWS thực hiện dự án này.

Tôi nghĩ đây là lý do chúng tôi bị tố cáo. Và từ đơn tố cáo này dẫn đến việc có quyết định Đoàn thanh tra Chính phủ xuống kiểm tra thanh tra tại doanh nghiệp chúng tôi.

Theo đó, ngày 14/12/2016 Văn phòng Chính phủ đã phát hành công văn số 10849/VPCP-V.I thông báo chỉ đạo của Thường trực Chính Phủ yêu cầu Đoàn thanh tra Chính phủ, kiểm tra thanh tra toàn diện các hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do VWS làm chủ đầu tư.

 Vậy đến nay kết luận thanh tra vấn đề này ra sao?

-Sau khi thực hiện đầy đủ các bước thanh tra, ngày 08/05/2017, Đoàn thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố dự thảo kết luận thanh tra báo cáo trước Lãnh đạo và các Sở ngành chức năng của TPHCM.  

Bản dự thảo này đã được sự đồng thuận của lãnh đạo TPHCM và đại diện các ban ngành tham dự trong buổi họp công bố. Tuy nhiên, cả 1 thời gian dài sau đó kết luận thanh tra chính thức vẫn chưa được thông qua dù bản dự thảo đã nhận được sự đồng thuận và chấp nhận của Đoàn thanh tra, lãnh đạo thành phố và các ban ngành.

Đến ngày 26/10/2017 Văn phòng Chính phủ lại có chỉ đạo của Thường Trực Chính Phủ tại công văn số 11401/VPCP-V.I yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ rà soát lại kết quả thanh tra.

Ngày 05/01/2018 Thường Trực Chính phủ lại tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài Chính tiếp tục thanh tra công ty VWS tại thông báo số 02/TB-VPCP để làm rõ khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ Ngân sách nhà nước và đơn giá xử lý rác theo quy định ngoại hối theo hợp đồng.

Vậy Thanh tra đã làm rõ khoản tiền này chưa?

- Hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa đại diện UBND TPHCM là Sở Tài Nguyên và Môi Trường và VWS đã được ký kết ngày 28/02/2006 sau hơn 18 tháng làm việc, đàm phán.

Khoản tiền trả trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác tính theo tấn từ lúc ban đầu để đi đến giá thỏa thuận từ 17,77 USD/tấn xuống còn 16,40USD/ tấn và là số tiền Ngân hàng tài trợ đã yêu cầu thành phố phải trả trước cho VWS để đầu tư vào hạ tầng vì khu vực dự án là một vùng đầm lầy, xung quanh bao bọc bởi sông rạch, sẽ tốn kém rất nhiều chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đây còn được xem như lời cam kết của thành phố đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa xử lý môi trường cho thành phố.

Về việc ghi giá xử lý rác bằng đồng USD trong Hợp đồng không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh số 28/2005/PL-UBTVQH và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật.

Ngoài ra, Pháp lệnh số 28/2005/PL-UBTVQH hoặc Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 đều không quy định các hợp đồng ký kết trước ngày 01/06/2006 hoặc 01/01/2014 phải được điều chỉnh đơn giá thành đồng Việt Nam nếu đã được thỏa thuận đơn giá bằng ngoại tệ.

Như vậy, theo các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, đơn giá ghi bằng ngoại tệ trong Hợp đồng không bắt buộc phải được điều chỉnh.

Dù đã giải trình và làm việc cụ thể với Đoàn thanh tra của Bộ Tài Chính, nhưng đến ngày 03/07/2018 Văn phòng Chính phủ lại phát hành công văn số 6250 thông báo Thường Trực Chính phủ chỉ đạo Thanh Tra Chính phủ tiếp tục làm rõ những nội dung theo đơn tố cáo trước đây.

Trong hai năm qua, VWS đã tiếp thanh tra đến 4 lần. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/05/2017 chỉ được thanh/ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/ năm.

Là một doanh nghiệp FDI, VWS kiến nghị tháo gỡ khó khăn gì đến Thủ tướng?

-Chúng tôi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trực tiếp chủ trì với các Bộ, ban ngành hỗ trợ giải quyết cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Việt kiều về nước đầu tư theo lời kêu gọi của Chính phủ về ưu tiên bảo đảm quyền lợi của Nhà đầu tư khi về hoạt động tại Việt Nam.

Tôi cũng mong Thủ tướng cho phép chúng tôi được tham gia các cuộc họp liên quan đến vấn đề của doanh nghiệp vì hơn ai hết chỉ có chúng tôi mới hiểu rõ sự việc để giải trình cụ thể cho các cấp thẩm quyền nhằm trả lại sự công bằng, uy tín giúp chúng tôi yên tâm đầu tư, và có thể tái đầu tư, làm tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương.

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG