Câu chuyện đưa Trần Anh trở thành một phần của Thế Giới Di Động là đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm trong buổi hội thảo Văn hóa doanh nghiệp – Nền tảng hay lực cản, được tổ chức chiều qua (7/12).
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động (mã CK: MWG) cho rằng có những khác biệt về văn hóa giữa Trần Anh và Thế Giới Di Động sau thương vụ sáp nhập, mặc dù không mâu thuẫn hoàn toàn nhưng vẫn cần có những giải pháp để đồng nhất.
Điểm mâu thuẫn lớn nhất là về vấn đề văn hóa trong quản lý. Trước khi sáp nhập với Trần Anh, Thế Giới Di Động đã cam kết sẽ giữ lại khối nhân viên tại các siêu thị của Trần Anh, nhưng với cấp quản lý lại hoàn toàn khác.
Theo ông Tài, sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất, phần lớn nhân viên quản lý của Trần Anh khi phỏng vấn lại đều không đáp ứng được yêu cầu do không phù hợp với văn hóa của chuỗi siêu thị điện máy giữ thị phần lớn nhất Việt Nam.
“99,9% đội ngũ quản lý không được giữ lại, nhưng giữ lại 99,9% đội ngũ nhân viên, dù số này cũng bị hao hụt sau đó vì văn hoá khác biệt”, ông Tài cho biết.
Kết quả này, theo lý giải của người đứng đầu Thế Giới Di Động là do những khác biệt trong cách xử lý vấn đề theo văn hóa của mỗi doanh nghiệp. "Nếu một chiếc tivi thuộc thế hệ cũ, Thế Giới Di Động sẽ giảm giá và có những khuyến mãi để khách hàng thấy sản phẩm vẫn xứng đáng được mua. Trong khi tại Trần Anh sẽ áp dụng cách tăng thưởng nhằm thúc đẩy nhân viên bán được sản phẩm", ông Tài chia sẻ và cho rằng, cách thức này có thể thúc đẩy nhân viên đưa ra tư vấn không phù hợp.
Sự khác biệt này cũng đặt ra bài toán cho lãnh đạo của Thế Giới Di Động làm cách nào để thay đổi cách suy nghĩ của cả đội ngũ nhân viên được giữ lại theo văn hóa của công ty.
Phương án được người đứng đầu của chuỗi điện máy này đưa ra là chia nhỏ nhóm nhân viên cũ của Trần Anh và đưa những người này vào môi trường chung của Thế Giới Di Động.
"Khi nhân viên cũ của Trần Anh bị đưa vào tình thế trên, họ chỉ còn hai lựa chọn, thích nghi và bắt đầu hòa nhập nhanh với văn hóa của Thế Giới Di Động hoặc bị đào thải khỏi môi trường làm việc", ông Tài nói và cho biết, kết quả của phương án sau khi triển khai đã thu được những tiến triển nhanh và rất hiệu quả để đưa văn hóa của Thế Giới Di Động vào nhân viên của Trần Anh.
Chia sẻ về việc xây dựng văn hóa tại doanh nghiệp mình, ông Tài cho rằng đây là một quá trình rất dài để những nhân viên của công ty từ cấp cao nhất tới thấp nhất có thể hiểu và thực hiện.
Với đội ngũ quản lý, Thế Giới Di Động cần khoảng 3-6 tháng để xây dựng được văn hóa công ty thông qua các buổi đào tạo workshop, nhưng từ cấp quản lý đến nhân viên thì lâu hơn. Việc lan tỏa văn hóa doanh nghiệp cần truyền đạt và sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có lãnh đạo làm gương.
Sau khi văn hóa doanh nghiệp được định hình, những lãnh đạo phía trên phải là những người phải thực hiện đầu tiên và dần tác động đến cấp nhân viên phía dưới.
Trước đó, giữa tháng 8, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG) công bố Nghị quyết thông qua xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó có nội dung Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (Mã CK: MWG) nhận chuyển nhượng cổ phiếu TAG dẫn đến tỷ lệ sở hữu trên 25% vốn điều lệ và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Tin đồn về thương vụ M&A nói trên xuất hiện từ cuối tháng 7 sau khi Thế Giới Di Động xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua việc tăng ngân sách thực hiện M&A (mua bán sáp nhập) trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó. Ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Hệ thống điện máy Trần Anh sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung. Hà Nội là thị trường lớn nhất được Trần Anh phủ tới 14 điểm bán. Trong khi đó, chuỗi Điện máy xanh (thuộc Thế Giới Di Động) hiện vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc, nhất là khu vực trung tâm thủ đô, còn đối tác lại có khoảng 40 cửa hàng phủ rộng khắp.