Là một người đam mê phong lan, anh Duy Trọng Hải không ngần ngại bỏ thời gian và tiền bạc để nghiên cứu về loài cây tuyệt đẹp này, từ cách phân biệt các loài lan, chọn giống như thế nào đến cách chăm sóc lan ra sao.
Ông chủ Duy Trọng Hải chia sẻ “Người chơi lan thì nhiều, có người thì chơi một vài chậu để tô điểm thêm cho ngôi nhà, có người đam mê hơn thì trồng cả một vườn với đa dạng các loài hoa, thế nhưng điểm chung ở họ đều là tình yêu, sự đam mê dành cho loại cây cảnh này. Để có những chậu lan đẹp, người chơi lan phải có những hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhất định để cây lan sống khỏe và ra hoa đẹp”
Hiện nay có rất nhiều các loài lan khác nhau nhưng với người mới bắt đầu thì nên chọn loại lan dễ trồng, có tính thích ứng cao như lan Hồ điệp, Vũ nữ hay Dendrobium.
Người trồng có thể lựa chọn các mầm lan được tách từ các chậu lan lớn. Khi tách mầm nên sử dụng dao đã qua khử trùng bằng cồn sau đó bôi vôi vào vết cắt trên thân cây mẹ cho mau liền sẹo. Hoặc nếu người chơi mua lan đã phát triển đầy đủ thì nên chọn loại có bộ rễ phát triển tốt, cây to khoẻ, lá xanh và không bị sâu bệnh.
Theo ông chủ Duy Trọng Hải, các chậu đất nung có nhiều lỗ thoáng sẽ giúp cho cây lan phát triển và hút các chất dinh dưỡng tốt hơn. Đối với giá thể người trồng nên chọn những loại có độ xốp, nhẹ và khả năng giữ ẩm cao như xơ dừa, than gỗ, vỏ lạc. Đối với xơ dừa nên xé nhỏ và ngâm khoảng 1 tuần cho giảm chất mặn và tannin. Vỏ dừa và than gỗ chặt khúc nhỏ khoảng 1x2x3 rồi ngâm rửa, riêng với vỏ dừa nên ngâm qua nước vôi để loại bỏ nấm bệnh, than gỗ ngâm xong thì rửa sạch và phơi khô.
Với chậu lan mới mua về nên để chỗ râm mát - ngày để cây làm quen với điều kiện khí hậu nhưng nếu giá thể trong chậu có dấu hiệu bị mốc thì nên thay chậu mới ngay cho cây lan.
Dùng chậu lan đã chuẩn bị từ trước, cho thêm giá thể vào với quy tắc giá thể to thì đặt xuống đáy chậu, tiếp đến là giá thể trung bình và nhỏ. Lưu ý lượng giá thể trong chậu luôn thấp hơn so với miệng chậu 1-2 phân.
Khi trồng không nên cho gốc cây sát với đáy chậu khiến rễ cây dễ bị úng nước hoặc không quá nông làm dễ khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Trên mặt nên phủ một lớp xơ dừa hay dớn để giữ ẩm cho cây.
Lan là loài cây ưa ẩm, vì thế môi trường sống của lan luôn phải đảm bảo được độ ẩm, ánh sáng, thoáng khí, có như thế phong lan mới có thể phát triển khoẻ mạnh.
Đối với người chơi có nhiều đất đai giống như anh Hải thì nên làm với quy mô lớn, thiết kế giàn lan và khung bao quanh bằng ống sắt chắc chắn, đảm bảo chống được gió bão. Đặc biệt nên chọn trồng gần ao hồ, bờ sông, hay những nơi có nguồn nước tốt để cho môi trường sống của lan duy trì được độ ẩm, và mát mẻ.
Ngược lại nếu người chơi lan sinh sống ở khu đô thị, không có sân vườn để trồng lan thì có thể lựa chọn ban công hoặc sân thượng. Ông chủ Duy Trọng Hải chia sẻ thêm “Do ảnh hưởng của thiết kế bê tông, mái tôn nên sân thượng là nơi tập trung rất nhiều nắng và gió dẫn đến việc cây lan dễ bị héo và khô”. Người trồng nên lắp thêm lớp lưới lưới che bên trên và hướng mặt trời lặn hoặc có thể để thêm các chậu cảnh khác xung quanh giàn lan như mai chiếu quỷ, nguyệt quế vừa có tác dụng che chắn cho lan vừa làm đẹp thêm cho sân thượng.
Trồng và chăm sóc hoa phong lan chính là một thú vui tao nhã cho những người yêu loài cây kiều diễm này như anh Hải và hàng triệu người khác. Một vườn lan đẹp không chỉ thể hiện độ chịu chơi và đam mê của người trồng lan, mà còn toát lên sự tài hoa, khéo léo của người chủ ấy. Ông chủ Duy Trọng Hải hy vọng dựa vào kỹ thuật trồng lan mà anh chia sẻ, mỗi người yêu lan đều có thể sở hữu cho mình những giỏ lan khỏe mạnh và ra hoa đẹp.