Theo Sở NN & PTNT Đồng Nai, là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh thành trong cả nước, hoạt động vận chuyển lợn (kể cả sản phẩm đã chế biến) từ các tỉnh thành khác rất nhộn nhịp, nên dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Hiện nay, để đối phó, người chăn nuôi chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng dịch. Do dịch bệnh lây lan, rất nhiều hộ chăn nuôi phá sản, vì vậy rất cần nhà nước thực hiện chính sách khoanh giãn nợ cho người chăn nuôi. Hiệp hội Chăn nuôi cũng kiến nghị: Nguồn thức ăn được sản xuất từ các nhà máy phải đảm bảo không bị nhiễm virus TLCP, nếu phát hiện, phải đóng cửa nhà máy.
Bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, nơi xảy ra ổ bệnh dịch TLCP đầu tiên của tỉnh Đồng Nai cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân thiếu hợp tác từ các hộ chăn nuôi có lợn bệnh. Đã có trường hợp hộ chăn nuôi nấu lợn chết làm thức ăn cho cá chứ không báo lên chính quyền.
Tỉnh Đồng Nai cũng đau đầu trước việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch TLCP. Ông Nguyễn Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết địa phương này đã tiêu hủy trên 6 ngàn con lợn. Có thời điểm giá lợn tại địa phương không quá 25 ngàn đồng/kg, thấp hơn mức hỗ trợ của Đồng Nai cho lợn dịch bị tiêu hủy. Ông Phương lo ngại: “Mức chênh lệch giá này có thể khiến người chăn nuôi bỏ lợn không chăm sóc, lơ là trong công tác phòng dịch vì lợn bị bệnh được hỗ trợ có lợi hơn”. Trước việc tiêu hủy lợn do bệnh dịch quá nhiều cũng như giá lợn hơi trên thị trường đã giảm mạnh, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định mới về mức giá hỗ trợ đối với người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, giảm khoảng 30% so với chính sách hỗ trợ trước đó.
Phương án cấp đông thịt
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để hạn chế thấp nhất rủi ro, người chăn nuôi nên giảm mật độ nuôi giảm đàn. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa nguồn thịt sẽ thiếu hụt vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh và giá thịt sẽ tăng cao. Vì vậy Hiệp hội kiến nghị khi giá thịt lợn giảm mạnh, nhà nước cần có chính sách cho cấp đông thịt để đảm bảo thị trường.
Bà Lê Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Anh Hoàng Phát (tại huyện Trảng Bom) cho biết: “Mỗi đêm công ty giết mổ 400-500 con lợn, nếu UBND tỉnh có văn bản yêu cầu, kèm chính sách hỗ trợ phù hợp, công ty có thể tăng công suất giết mổ gấp 2 lần và thuê kho để xử lý thịt đông lạnh”. Đại diện Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina cho biết, công ty đang đầu tư nhà máy tại Bình Dương với công suất hơn 500 con/ngày và cuối năm nay hoạt động, có thể đưa lợn nuôi tại Đồng Nai về đây giết mổ để đông lạnh dự trữ. Nếu có chính sách đông lạnh thịt lợn, công ty sẽ thuê kho để thực hiện ngay.
Nhưng với phương án đông lạnh thịt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cảnh báo: “Lợn giết mổ làm thịt đông lạnh không kiểm soát kỹ đầu vào sẽ xảy ra chuyện lợn bệnh lọt vào. Virus dịch tả heo châu Phi có thể tồn tại 1.000 ngày dưới nhiệt độ -25 đến -40oC, nên có thể làm lây tràn mầm bệnh, gây ra đợt dịch khác khi đưa ra tiêu thụ”.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho rằng: “Cấp đông thịt là để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Lợn sẽ được tỉnh kiểm tra kỹ càng, không phát hiện bị bệnh mới cho giết mổ nên người tiêu dùng cũng như các trại nuôi lợn có thể an tâm”. Tuy nhiên ông Quang cho biết hiện phương án này mới đang được ngành công thương bàn.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, bên cạnh bàn giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh, hiện 60% lượng heo xuất chuồng của tỉnh Đồng Nai đang được tiêu thụ tại TPHCM. Vì vậy, rất cần phía TPHCM mua lợn từ Đồng Nai để cấp đông, tiêu thụ vào cuối năm để ổn định thị trường.