Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè

TP - Khi liveshow Khánh Ly mới chỉ trục trặc lần đầu- ở Hà Nội, trước giờ khai màn, giám đốc Phó Đức Phương thì thân đến tận nơi hỏi thăm ban tổ chức sao không trả bản quyền mà dám diễn, đã thấy gợn, dù công luận cho rằng Khánh Ly ngoài cuộc. 

Vuốt mặt nể mũi, nếu gia đình nhạc sĩ không lên giây cót thì phía bản quyền dù tận tụy đến đâu cũng không nỡ làm kinh động. Ai không biết rằng, chỉ một xao động nhỏ trước giờ G cũng có thể làm hỏng cuộc biểu diễn lớn. Nghệ sĩ vốn nhạy cảm.

Sự im lặng kéo dài của gia đình nhạc sĩ càng chứng tỏ điều đó. Có tin, Khánh Ly về nước mà hai bên không gặp nhau. Lần hiếm hoi trả lời báo chí, đại diện gia đình nói “Tình cảm của chúng tôi đối với chị Khánh Ly không bao giờ thay đổi” nhưng người Nam có câu “nói dzậy mà không phải dzậy”.

Ngay thủ bút kia, làm trước khi nhạc sĩ mất không lâu, có lẽ do Khánh Ly hiểu rằng mình sẽ gặp rắc rối với người thân của ông. Nhưng lo xa mà lại chưa nhìn xa, bởi tờ giấy đó chỉ có thủ bút, công chứng thôi thì chưa hoàn hảo!

Bây giờ thì rõ hơn rồi. Thủ bút Trịnh Công Sơn là bằng chứng đập lại gia đình nhạc sĩ, còn tùy bút Khánh Ly (công bố kèm thủ bút), chủ yếu bộc bạch quan hệ không chút gợn, không chút vụ lợi của hai người. 

Giờ này, những lời lẽ đã không còn khách sáo. Khánh Ly: “Xin đừng dùng tên Trịnh mà gấu ó tranh giành”. Phó Đức Phương: “Khánh Ly hành xử không đẹp với anh Sơn. Quá tham lam đã đẩy nghệ sĩ vượt quá giới hạn của thông tuệ và đạo đức”.

Theo Phó Đức Phương: “Gia đình anh Sơn không tin tờ giấy là hoàn toàn sự thật. Nếu có thật cũng không có giá trị pháp lý. Nếu Khánh Ly và đơn vị tổ chức lấy đó làm cớ để không thực hiện nghĩa vụ tác quyền, gia đình sẽ khởi kiện”.

Cứ tưởng tượng nhạc sĩ của “Trên đỉnh phù vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể” đầy thoát tục, phải sấp ngửa đi gặp con nợ, mà thương. Trong số khán giả say mê huyền thoại Sơn-Ly, có người hồ nghi: “Thủ bút có đề giá 5.000 USD, không biết Khánh Ly đã trả Trịnh Công Sơn chưa?”... Đời là thế đấy.

Đời, có người lãng đãng như Nguyễn Ánh 9, không đòi tác quyền một nốt nhạc nào, ai trả cát sê bao nhiêu cũng gật miễn bài hát của mình được vang lên. Nguyễn Ánh 9 cho rằng nếu còn sống, tác giả “Đóa hoa vô thường” sẽ “không đòi tiền bản quyền bao giờ”. Lại có người kể, Trịnh Công Sơn nếu ai mời rượu không ngon, ông không uống, và nếu tiệc chuyện mà không có rượu cho ông thì kể như không hiếu khách. Biết sao giờ!

Cũng như Khánh Ly từng tuyên bố không bao giờ về nước hát nhưng rồi vẫn về và chuyện đó có sao đâu. Khán giả mê Khánh Ly rất đông nhưng thấy giá vé ngất ngư thì phải chọn giữa mê và thực dẫn đến vé bị ế. Kể ra, họ cũng phải hiểu cho bà và phía tổ chức. Cùng tuổi Chế Linh, danh tiếng không thua chả lẽ “giá” của Khánh Ly lại kém?! 

“Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè”- ca từ thuộc loại hay nhất của Trịnh Công Sơn. Chỉ một câu mà gói gọn nỗi buồn chiến tranh, nỗi thống khổ chia ly, mất mát. Cuộc chiến bản quyền vừa qua giữa bốn phía (Khánh Ly, gia đình Trịnh, nhà tổ chức, nhà làm bản quyền) nếu vận vào câu hát lời thơ này, chưa hẳn đúng hoàn toàn nhưng nó cũng là cuộc “nấu đậu đốt cành đậu” (thơ Tào Thực- “Tam quốc chí”) tương tàn khiến mọi người tò mò dõi theo. Chỉ nên tò mò thôi chớ ngạc nhiên bởi như đã nói, đời là thế.