Nhưng cũng có những người bình tĩnh hơn thì đặt câu hỏi ngược lại: Việt Nam việc gì phải sản xuất ô tô, làm sao đuổi kịp thiên hạ với hàng trăm năm công nghệ, kinh nghiệm, và suy cho cùng thì đua làm gì? Sao không chọn lĩnh vực khác ta có thế mạnh? Cứ nhập khẩu ô tô còn thời gian và công sức, trí tuệ, tiền bạc nên dồn hết cho các “lĩnh vực mũi nhọn”, là thế mạnh của Việt Nam.
Rõ ràng đây cũng là một cái lý và cũng đúng. Nhưng chúng ta có thế mạnh không, và thế mạnh của Việt Nam là gì? Phải chăng là một nước hàng ngàn năm làm nông nghiệp, bao đời qua phát triển lên từ nền văn minh lúa nước thì thế mạnh chính là nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng?
Lúa là thế mạnh của Việt Nam thì đúng rồi. Ít ra với sản lượng lúa gạo đạt gần 50 triệu tấn/năm, với xu hướng sử dụng gạo trên thế giới gia tăng, Việt Nam rõ ràng là đại gia ngành lúa gạo, có khả năng can dự, tác động lớn đến thị trường lúa gạo thế giới.
Nhưng đó chỉ là tính về số lượng. Bởi tuy là “đại gia” lúa gạo nhưng nông dân được hưởng lợi rất thấp, trồng lúa có thể nói là thu nhập thấp nhất trong số các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Vậy phải chăng theo đuổi thế mạnh, mũi nhọn cũng không đúng? Và câu trả lời phải chăng không nằm ở đáp án A, hay đáp án B như nói ở trên, mà phải kết hợp cả hai mới cho ra đáp án đúng?
Quả vậy, bởi mục đích cuối cùng của các hoạt động kinh tế là thu về lợi nhuận. Sản xuất ô tô mà không thu được lợi nhuận, không có lợi nhiều cho cả nền kinh tế thì cũng không cần phải gắng sức. Làm lúa thiếu hiệu quả, cho dù là thế mạnh thì cũng cần phải xem lại.
Nhưng cái khó tồn tại bao năm trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng chính là nhận thức của người nông dân và khả năng định hướng của chính quyền. Làm lúa đến mức độ nào, phát triển những giống lúa gì, làm thị trường ra sao, không làm lúa thì chuyển đổi sang ngành nghề gì, vẫn là vấn đề nan giải. Khi người nông dân chưa thể giải quyết được những câu hỏi vĩ mô như thế, khi doanh nghiệp vẫn chỉ “ăn xổi”, khi chính quyền chưa đủ năng lực hoạch định và tác động thì dù có xác định được“thế mạnh” hay “mũi nhọn” thì thế mạnh hay mũi nhọn ấy vẫn còn tranh cãi về đáp án cho đường hướng phát triển.