Ô nhiễm không khí gây tử vong cao hơn Covid-19, nhà khoa học VinFuture chỉ rõ thủ phạm

0:00 / 0:00
0:00
Số người trẻ tử vong vì ô nhiễm không khí cao hơn tổng số người chết vì Covid-19. Số liệu gây chấn động này được GS. Yafang Cheng, Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) đưa ra trong toạ đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” do Quỹ VinFuture tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội. Đáng nói, những “nhà máy xả thải 2 bánh” được chỉ đích danh là nguyên nhân chính gây ô nhiễm.

1 năm 9 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí

Toạ đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” thuộc chuỗi toạ đàm “Khoa học vì cuộc sống”, trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024.

Ô nhiễm không khí gây tử vong cao hơn Covid-19, nhà khoa học VinFuture chỉ rõ thủ phạm ảnh 1

Tọa đàm VinFuture quy tụ những trí tuệ hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các vấn đề cấp thiết toàn cầu

GS. Yafang Cheng, chuyên gia hàng đầu về aerosol và ô nhiễm không khí, cung cấp con số đáng báo động: Khoảng 9 triệu người tử vong ở độ tuổi trẻ vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí, trong khi tổng số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu chỉ có 7 triệu.

Aerosol (hay còn gọi là sol khí) là những bọt nước li ti trong không khí có kích thước siêu nhỏ. Đây là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, cũng như gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Do đó, so với Covid-19, sol khí nguy hiểm hơn và việc lý giải được cơ chế tác động của sol khí đến khí hậu và sức khoẻ con người còn cấp bách hơn.

Theo GS. Cheng, hiện nay, các nhà khoa học rất thiếu thông tin về ô nhiễm sol khí. Hiện tượng ô nhiễm này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường, trông giống như sương mù, và tần suất xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mùa hè. Tại Việt Nam, hiện tượng ô nhiễm sol khí này vẫn được quen gọi là mù quang hoá.

Tuy nhiên, các hợp chất đã tương tác với sol khí để kích hoạt phản ứng quang hoá, tạo ra hiện tượng ô nhiễm vô cùng phức tạp, liên quan với nhiều yếu tố khác nhau cũng như các điều kiện khí hậu, khí tượng tại từng khu vực địa lý khác nhau.

Ô nhiễm không khí gây tử vong cao hơn Covid-19, nhà khoa học VinFuture chỉ rõ thủ phạm ảnh 2

GS. Yafang Cheng chỉ rõ điện hóa giao thông là một lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí

Ví dụ, ô nhiễm sol khí diễn ra nhiều hơn vào mùa đông là do khi không khí lạnh nén xuống mặt đất khiến các chất gây ô nhiễm như sun-fat, ni-tơ và các chất hữu cơ khác bị kẹt lại ở tầng thấp trong tầng đối lưu, không thể phát tán. Chúng tương tác với sol khí và tạo ra phản ứng hoá học làm không khí trở nên mù mịt. Điều này cũng lý giải vì sao Hà Nội thường xuất hiện mù quang hoá nhiều hơn TP. HCM.

“Điều kiện khí hậu càng bất lợi càng thúc đẩy ô nhiễm không khí”, GS. Cheng cho hay.

Theo nghiên cứu của nhóm GS. Cheng, một trong những nguồn phát thải các hợp chất ôxit ni-tơ (NOx) và carbon đen (muội than - NH3) nhiều nhất là ngành giao thông. Vì thế, kiểm soát được nguồn phát thải này sẽ giúp kiểm soát đáng kể tình trạng ô nhiễm sol khí đô thị.

GS. Cheng dẫn chứng từ cách Trung Quốc kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bắc Kinh. Trong nhiều biện pháp đồng bộ, chính quyền nước này triển khai xây dựng đường sắt đô thị và điện hoá các phương tiện giao thông.

Xe máy là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí tại TP. HCM

Tại tọa đàm, PGS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (APAC), cũng công bố dữ liệu nghiên cứu về các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Trong đó, hai nguồn phát thải chính là giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp.

Ô nhiễm không khí gây tử vong cao hơn Covid-19, nhà khoa học VinFuture chỉ rõ thủ phạm ảnh 3

Theo PGS. Hồ Quốc Bằng, các “nhà máy xả thải 2 bánh” là thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí tại TP HCM

Đáng chú ý, nếu tại Hà Nội, nguồn phát thải giao thông tập trung vào nhóm phương tiện xe tải hạng nặng thì tại TP. HCM, xe máy là “thủ phạm” chính.

Ngoài ra, vào các thời điểm chuyển mùa, thói quen đốt rơm rạ của người dân ở vùng ngoại thành cũng tạo ra một lượng phát thải lớn có thể lên đến 10% tổng khí thải.

Bàn về các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Mỹ), đánh giá cao vai trò của xe điện. Vị cố vấn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Năng lượng Mỹ nhắc đến VinFast trong nỗ lực sản xuất xe điện cũng như tích hợp việc sử dụng xe điện với phương tiện giao thông công cộng.

Ô nhiễm không khí gây tử vong cao hơn Covid-19, nhà khoa học VinFuture chỉ rõ thủ phạm ảnh 4

Cựu Đặc phái viên của Ngoại trưởng Mỹ về biến đổi khí hậu Daniel Kammen đề xuất cấm bán xe chạy bằng xăng dầu trong tương lai

Theo GS. Kammen, các quốc gia cần đẩy nhanh hơn nữa việc sản xuất xe điện, cũng như tạo các hành lang pháp lý cho xe điện phát triển, đơn cử như chính sách cho việc xây dựng trạm sạc và tăng cơ hội tiếp cận xe điện cho người có thu nhập không cao. Điều này không chỉ bảo vệ cho tương lai của khí hậu mà còn đảm bảo cho bình đẳng xã hội.

Đặc biệt, GS. Kammen đề xuất một giải pháp mạnh mẽ hơn là cấm bán xe mới chạy bằng xăng trong tương lai.

Trong khi đó, GS. Hồ Quốc Bằng cũng góp thêm một đề xuất là áp dụng thuế khí thải hay thuế ô nhiễm với các nguồn phát thải. Việt Nam hiện tại chưa có hai loại thuế này, song có thể cân nhắc tới chính sách đánh thuế ô nhiễm trong thời gian tới nếu muốn có cơ chế mạnh mẽ bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tuần lễ KHCN VinFuture diễn ra tại Hà Nội từ 4 - 7/12/2024 với tâm điểm là Lễ trao giải VinFuture lần thứ 4, diễn ra vào tối 6/12 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp từ 20h10 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và trực tuyến trên nhiều báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội lớn.

MỚI - NÓNG
Lực lượng chức năng TPHCM túc trực tại các cửa khẩu để ngăn dịch bệnh 'bí hiểm' từ châu Phi
Lực lượng chức năng TPHCM túc trực tại các cửa khẩu để ngăn dịch bệnh 'bí hiểm' từ châu Phi
TPO - Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch. Hiện HCDC có bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải TPHCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập.
Nữ sĩ quan 'mũ nồi xanh' lan tỏa tinh thần 'Tôi yêu Tổ quốc tôi'
Nữ sĩ quan 'mũ nồi xanh' lan tỏa tinh thần 'Tôi yêu Tổ quốc tôi'
TPO - "Là một trong những thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tôi cho rằng, tinh thần, khẩu khí “Tôi yêu Tổ quốc tôi” không phải là những điều xa xôi, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng mỗi thanh niên Quân đội nói riêng, thế hệ trẻ của đất nước nói chung luôn khắc sâu trong tim", Đại úy Vũ Nhật Hương - Trợ lý Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) chia sẻ.