Nghệ sĩ Chu Lượng và một quân rối cổ sưu tầm được Ảnh: Trọng Chính |
Vào một buổi tối rất lâu rồi, tôi tình cờ gặp nhà thơ, đạo diễn Lương Tử Đức trên đường từ Hà Nội về thị xã Hà Đông. Lúc đó, tôi thấy có một người đàn ông không đoán rõ tuổi đi xe máy song song với Lương Tử Đức.
Một người đàn ông tóc dài như con gái, có ria mép, mặc áo phông và quần nhiều túi. Lương Tử Đức giới thiệu với tôi đó là Chu Lượng, nghệ sỹ Nhà Múa rối nước Thăng Long, Hà Nội.
Tôi chỉ chào xã giao và lại tiếp tục nói chuyện với Lương Tử Đức. Cho mãi sau này, tôi cứ tự hỏi vì sao một người đàn ông rất hiện đại lại theo nghề múa rối nước. Và hơn thế, anh là người mê đắm rối nước ngoài trí tưởng tượng của tôi.
Anh sống trong một biệt thự rất đẹp ở làng La Khê thị xã Hà Đông. Biệt thự này do kiến trúc sư Lê Chương thiết kế chi tiết đến cả từng viên gạch. Hai vợ chồng anh mỗi người có một chiếc xe hơi riêng để đi làm. Trong phòng khách nhà anh đặt một chiếc piano sang trọng. Vợ anh là người cứ mua thực phẩm ở chợ thị xã Hà Đông một lần thì mua ở siêu thị mười lần.
Tất cả những điều đó trái ngược hoàn toàn với những con rối nước quê mùa và quá ư giản dị. Khi nhận ra điều ấy, tôi thấy mình lại mắc một sai lầm đơn giản nhưng rất quan trọng: đó là sự lẫn lộn giữa hình thức và nội dung của đời sống.
Tháng 3 năm nay, Trung tâm Nghệ thuật Việt (Vietart Center) có một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên Nhân Gian. Đó là triển lãm sắp đặt rối nước của Chu Lượng. Đây là triển lãm rối nước đầu tiên ở Việt Nam.
Tôi là một trong những người có tham gia một vài ý tưởng nho nhỏ cho triển lãm này. Nhưng khi Chu Lượng đang bày triển lãm thì tôi đến và tất cả những gì có trong khu triển lãm đã làm tôi không khỏi kinh ngạc.
Một khối lượng rối khổng lồ. Một nhân gian thực sự hiện ra mênh mông với con người, thiên nhiên, muông thú. Họa sỹ Lê Thiết Cương, một trong những người có những gợi ý quan trọng cho triển lãm Chu Lượng, đã kêu lên một tiếng: “Xong” khi nhìn thấy nhân gian ấy.
Lúc đó, sự giới hạn của những bức tường khu triển lãm bị phá bung. Không còn gì cản trở một cảm giác bất tận của thế giới những con rối nước nữa. Dù Chu Lượng không cần sắp đặt thêm một chút gì nữa thì cái Nhân gian của anh đã hiện ra tất cả.
Trong đó, tôi nhìn thấy một con đường của người và của vật đi qua thế gian này từ ngàn xưa. Và trên con đường ấy có Chu Lượng, có Lương Tử Đức, có Lê Thiết Cương, có Hoàng Phượng Vỹ, có Đào Hải Phong cùng bao người tôi quen biết và đương nhiên có cả tôi.
Đã nhiều năm nay, Chu Lượng mang giấc mơ đưa những con rối nước từ thế giới nước đã có từ hơn mười thế kỷ lên cạn. Cái ý đưa rối nước lên cạn là sự phát hiện của Lê Thiết Cương.
Những con rối trong “Cõi nhân gian” được Chu Lượng tạo nên trong xưởng của anh tại làng La Khê, Hà Đông. Ảnh: Trọng Chính |
Và suốt nhiều năm nay, đề tài nói chuyện của Chu Lượng khi gặp bạn bè chỉ là những con rối nước và một thế giới mà anh gọi là Nhân gian. Lương Tử Đức nói: “Với Chu Lượng, những con rối nước chính là con người và những người Lượng nhìn thấy là những con rối nước”.
Có lẽ vì thế mà hàng ngàn con rối nước của Lượng mang hàng ngàn gương mặt khác nhau nhưng tất cả có chung một điều: sự thuần khiết và trong sáng. Rất nhiều người đến nhà Lượng, ngắm nhìn những mặt rối nước và thốt lên:
“Giống tôi quá”. Và chính tôi, tôi cũng đã nhìn thấy gương mặt tôi từ gương mặt của một con rối nước. Chỉ có một điểm khác là con rối nước Nguyễn Quang Thiều chỉ có niềm vui còn con người Nguyễn Quang Thiều thì quá nhiều ưu phiền và khiếm khuyết.
Đây chính là điều vô cùng quan trọng và quyến rũ đối với những giáo sư và sinh viên ở Đại học Massachusetts khi nghe Lượng thuyết trình về rối nước Việt Nam. Lượng nói với những người nước ngoài rằng: Mọi hình thức sân khấu trên thế giới từ trước đến nay đều có bi kịch.
Riêng sân khấu rối nước Việt Nam là không có bi kịch mà chỉ có niềm vui bất tận dù trong bất cứ điều kiện sống như thế nào. Và trong thế giới rối nước, cả ba phần quan trọng của đời sống thế gian này hoà đồng vào nhau trong một thể thống nhất như một lẽ tự nhiên. Đó là thiên nhiên, con người và thần thánh. Và theo tôi, đấy chính là tinh thần cốt lõi của văn hoá Việt.
Hai năm trước khi triển lãm Nhân gian ra đời, thi thoảng chúng tôi lại đến nhà Lượng. Mỗi lần đến, Lượng lại say đắm giới thiệu với chúng tôi những con rối vừa mới ra đời để rồi nhập vào Nhân gian của anh.
Lúc thì người, lúc lại trâu bò, lúc thì cá, lúc lại tiên, lúc thì rồng phượng, lúc lại vịt ngan…cứ thế và cứ thế miên man như chính vòng quay của thế gian này. Trong nhà anh, bên cạnh những trâu bò, lợn gà, những tễu, những cày bừa, thúng mủng…là piano, là tủ kính, là điều hoà, là bình pha lê, là tivi màn hình phẳng tinh thể lỏng, là xe hơi đời mới, là áo phông hàng hiệu, là quần túi hộp…
Rối nước Chu Lượng chinh phục khán giả ở Boston (Hoa Kỳ) tháng 4/2007 |
Đấy chính là một trong những sự tương phản làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Sự tương phản này lại tạo ra một ý nghĩa: sự bảo tồn văn hoá dân gian trong đời sống hậu công nghiệp. Bởi nằm sâu trong sự tương phản kia là niềm kiêu hãnh dân tộc và một tình yêu nghệ thuật mê đắm. Tình yêu và niềm kiêu hãnh ấy đã hoà đồng những tương phản.
Chu Lượng yêu thế giới nước và những con rối của anh. Một tình yêu đích thực vì anh đã hành động cho tình yêu ấy một cách cụ thể và không mệt mỏi. Trong cái xưởng bề bộn và nóng ngột ngạt ở làng La Khê mỗi ngày những con rối nước của anh lần lượt ra đời.
Đầu tiên là con rối Chu Lượng, rồi đến một con rối khác. Và cứ thế cho đến 1.000 con. Không phải người có tình yêu đích thực và say đắm không làm được như vậy. Rồi còn tiền của và thời gian phải bỏ ra.
Đã có lúc Chu Lượng tính phải bán xe và một vài đồ vật trong nhà để làm những con rối nước. Hoạ sỹ Đào Hải Phong khẳng định sự thành công của triển lãm Nhân gian và lý giải vì Chu Lượng đã yêu những con rối nước một cách đắm mê và trong sáng cho nên Chu Lượng đã nhận được món quà của đời sống ban cho anh.
Rối nước đã ra đời hơn mười thế kỷ nhưng chưa bao giờ có một hành trình lên cạn như thế. Nghĩ đến một cuộc triển lãm cho những con rối nước ở trên cạn đã là một sự dũng cảm. Nhưng thực hiện cuộc triển lãm này còn dũng cảm nhiều lần hơn.
Và từ một con người Chu Lượng đến 1.000 con rối nước là một chặng đường lạ lùng. Suốt mấy năm chuẩn bị cho sự hiện diện của 1.000 con rối nước tại Trung tâm Vietart, đêm đêm từ nơi biểu diễn trở về, Chu Lượng lại đánh xe qua một quán cà phê ở Hà Đông mà chúng tôi gọi đó là Cà Phê Paris Phố cũ.
Và những câu chuyện về cuộc triển lãm trong tương lai lại được nói đến. Những ngày ấy, Chu Lượng sống giữa một thế giới rối nước. Những con rối nước để quanh nhà, trong phòng khách, trong bếp, trong phòng ngủ. Những con rối nước đã chiếm gần hết không gian ngôi biệt thự của gia đình anh.
Tôi thường xuyên đến nhà Chu Lượng trong thời gian đó. Nếu lòng có buồn phiền điều gì thì nỗi buồn phiền đó cũng nhanh chóng tan đi. Bởi quanh tôi ngập tràn một thế giới rối nước đang cười hạnh phúc. Họ cười như chưa từng có buồn đau trong cuộc đời họ.
Những người làm ra rối nước vĩ đại đến nhường nào. Với tôi, tôi chỉ biết cúi đầu trước những người sinh ra rối nước. Chỉ một thiệt thòi nhỏ đã có thể biến chúng ta thành nạn nhân của sự thù hận. Vậy mà cha ông chúng ta đã đói rét tận cùng, đã đau khổ đến tận cùng và đã hy sinh đến tận cùng nhưng khi hiển lộ trước chúng ta chỉ có nụ cười và niềm vui náo nức.
Mấy năm trước, một chiều Chu Lượng mời tôi đến nhà anh. Anh nói có một món quà tặng cho tôi. Khi anh mở vuông vải ra thì tôi không cầm được nước mắt. Bởi tôi nhận ra từ trong sâu thẳm lòng mình đó là bà nội tôi và chính tôi. Một bà già đang cõng một đứa cháu nhỏ trên lưng.
Cả hai nhìn về một phía nào đó vừa mơ hồ nhưng vừa xác thực. Chu Lượng nói rằng anh đã nghe tôi kể chuyện nhiều lần với bạn bè về bà nội, người đã cõng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ đi trên những con đường làng và kể cho tôi nghe những câu chuyện huyền bí về xứ sở mình. Cuối đời bà tôi bị liệt nằm bất động bốn năm trên giường cho tới khi mất.
Những con rối của Chu Lượng là những con rối như thế. Mỗi con rối nước là một con người với những số phận khác nhau. Chỉ có một điểm giống nhau đó là sự thuần khiết và trong sáng của tâm hồn. Chu Lượng đã làm ra những con rối nước hoàn toàn tự nhiên như lòng anh.
Cái Nhân gian Chu Lượng làm ra đơn giản là làng quê anh, nơi có thuỷ đình, có những nghệ nhân rối nước, những người nông dân và những câu chuyện được kể rì rầm suốt tuổi thơ anh.
Còn Lương Tử Đức thì phát hiện ra triết lý của mình về sự khởi sinh của nghệ thuật rối nước bằng khả năng suy ngẫm và khám phá đầy tính triết học. Đức đã luôn luôn đi cùng Lượng trong suốt thời gian kể từ khi Lượng bắt đầu nghĩ đến cuộc triển lãm.
Thú thực cho đến bây giờ, tôi vẫn không nghĩ Nhân gian là một cuộc triển lãm. Tôi vẫn nghĩ đó là một nhân gian hiện thực nhưng đã hiện ra một lần trước mắt chúng ta như một giấc mộng và biến mất. Đào Hải Phong nói sau Chu Lượng sẽ không ai dám, kể cả Chu Lượng, làm triển lãm rối nước nữa vì họ biết làm gì nữa đây.
Nói như vậy là nói đến sự khó khăn khi làm triển lãm cho rối nước. Nhưng có lẽ Đào Hải Phong đã sai lần này. Chu Lượng đã nghĩ đến một triển lãm những con rối nước ở dưới nước. Người xem sẽ được đi qua một Nhân gian nước huyền ảo với những con rối nước quen thuộc của Lượng.
Nhân gian nước ấy sẽ như thế nào. Tôi nghĩ rất ít người có thể hình dung ra được. Đó là một bí mật. Tất nhiên chỉ vài ba năm nữa bí mật ấy sẽ được mở ra không chỉ với 1.000 con rối mà có thể là 10.000 con rối tạo thành một vũ trụ.
Chu Lượng hình như không làm triển lãm. Nghĩa là anh không dùng lý trí để làm việc này. Anh giống một cậu bé đang đi cùng đám bạn chợt kêu lên Nhân gian kìa và chỉ tay về một phía nào đó và chúng ta thấy một nhân gian hiện ra trong đó có cả mình.
Khi tôi ngồi viết những dòng lan man này thì biệt thự của Chu Lượng ở làng La Khê, Hà Đông đang ngập tràn những con rối nước. Ngày 14 tháng 6 này, anh sẽ mang hàng trăm con rối nước của mình lên đường đi Washington. Lượng sẽ triển lãm hàng trăm con rối nước của mình ở thủ đô nước Mỹ.
Tôi tin Lượng sẽ thành công. Nói đúng hơn, sự thuần khiết và trong sáng cùng với một tinh thần kỳ lạ của rối nước Việt Nam sẽ chinh phục người Mỹ. Bởi trong chuyến đi Mỹ hồi tháng 4 mới đây của Lượng cùng với những con rối, tôi đã chứng kiến những điều kỳ diệu.
Lượng đến Mỹ trong chương trình Rockefeller do Trung tâm William Joiner tổ chức. Anh đến đó chỉ để nói về vẻ đẹp của rối nước Việt Nam. Anh chỉ mang theo hai bộ quần áo còn đâu là rối nước.
Trong chuyến đi ấy, chẳng ai trả tiền làm thuỷ đình hay những con rối nước và cước phí vận chuyển những thứ đó cho anh từ Việt Nam đến Mỹ. Những người khác đi cùng chuyến với anh cũng dành hết số cân hành lý được phép mang để cho anh mang rối nước.
Tôi cũng đến Mỹ trong một chương trình riêng của mình. Nhưng mỗi khi Chu Lượng cần giúp đỡ là tôi lại hào hứng lao vào. Tôi cũng gõ trống, cũng chơi đàn bầu, cũng đi đổ nước vào thuỷ đình, cũng lau sàn khi Lượng biểu diễn xong. Mà không chỉ riêng tôi, những người Mỹ cũng hào hứng xắn tay vào giúp Lượng.
Kể cả những giáo sư tên tuổi người Mỹ. Cả những người Việt Nam đang sống ở Mỹ hoặc đang làm tiến sỹ ở Mỹ mà tôi không thấy bất cứ ai đòi hỏi sự cám ơn từ Lượng. Bởi đâu phải chúng tôi làm cho Chu Lượng. Chúng tôi làm cho cái đẹp. Và cái đẹp thì không thuộc quyền sở hữu của riêng ai…
Có một cậu bé Mỹ tám tuổi tên là Nicky mà tôi quen từ bốn năm trước. Tôi nhớ trong ngày lễ Phục Sinh ở Mỹ năm 2003, những người lớn đã giấu kẹo sôcôla ở mọi nơi trong khu vườn để cho những đứa trẻ đi tìm. Trong những đứa trẻ đi tìm kẹo chiều ấy có Nicky.
Nhưng năm đó cậu còn bé quá nên cứ chạy đi chạy lại giữa những đứa trẻ lớn tuổi mà chẳng tìm được chiếc kẹo nào. Thấy vậy, tôi đã đứng dậy giúp cậu. Tôi và cậu thân nhau từ ngày đó.
Lần này khi xem Chu Lượng biểu diễn rối nước, Nicky đã không thể nào rời bỏ được thế giới nước và những con rối kia. Khi đã biểu diễn xong, cậu đã đến và quỳ xuống nhìn sâu vào lòng nước trong thuỷ đình nhỏ. Cậu nhìn mãi và không muốn bỏ đi.
Rồi cậu từ từ đưa bàn tay nhỏ xíu của cậu vào trong nước như muốn tìm một cái gì đó thật kỳ ảo, thật linh thiêng. Sáng hôm sau, Nicky dậy sớm trong gió lạnh và bước đến bên thuỷ đình.
Những điều kỳ lạ đêm qua hiện ra từ nước vẫn ngập tràn tâm hồn cậu. Và sau này, trong một lần biểu diễn, Chu Lượng đã mời cậu tham gia như một diễn viên thực thụ. Như thế nghĩa là cậu đã chạm tay vào được một phần bí ẩn của sự huyền ảo. Và tôi tin tâm hồn cậu đã mở ra một thế giới mới.
Trong những ngày ở Mỹ, nơi nào thuỷ đình được dựng lên, nơi nào trống đàn rộn vang và nơi nào từ thế giới nước huyền ảo những người, những cây, những trâu bò, những phượng, những rồng và những nàng tiên hiện ra là nơi đó tràn ngập sự kinh ngạc của những người ở một nền văn hoá khác.
Những lúc đó, tôi thường đứng xa để vừa ngắm nhìn vừa suy ngẫm. Tất cả những gì trong thế giới nước quá ư quen thuộc và giản dị kia vì sao lại làm cho cả thế giới mê đắm như thế. Chu Lượng đã đi nước ngoài biểu diễn gần hàng chục lần với chỉ một thuỷ đình ấy, với chỉ những người ấy, trâu bò ấy, chim, cá ấy… mà sao người xem vẫn cứ ồ lên kinh ngạc.
Một lần được mời đến nói chuyện với Khoa múa rối của Đại học Sân khấu và Điện ảnh mà Chu Lượng đang tham gia giảng dạy ở đó, tôi nói với những sinh viên rằng chúng ta hãy cùng nhau khám phá xem con đường nào đã dẫn con cá từ một hồ nước của hiện thực đời sống đến hồ nước của nghệ thuật trong sân khấu thuỷ đình.
Để cho hàng ngàn năm nay vẫn chỉ là con cá ấy hiện ra, bơi một vòng và quẫy đuôi biến mất mà vẫn quyến rũ người xem và vẫn mang theo bí ẩn cho đến tận bây giờ? Con cá ấy cũng như những con rối nước khác hiện ra hầu như chẳng nói gì, chẳng tuyên bố gì, chẳng xỏ xiên gì, chẳng thù hận gì, chẳng hứa hẹn gì…mà quyến rũ con người đến thế. Phải có một bí mật gì trong đó.