Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã có, nhưng đất rừng phòng hộ vẫn bị băm nát.
Rừng phòng hộ xanh tốt một thời ở Phong Hải giờ chỉ còn trơ gốc |
Tan hoang
Vừa qua hết ranh giới xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), trước mắt chúng tôi là một vùng cát nóng trắng loá, xen lẫn với vô số hồ nuôi tôm nối liền nhau chi chít.
Những khoảnh rừng phi lao phòng hộ rợp mát, ngút ngàn dọc đường Quốc Phòng giờ đã vụt lại phía bên kia địa giới huyện Quảng Điền.
Tuy trên cùng một dải bờ biển, nhưng sang đất Phong Hải (huyện Phong Điền), rừng phòng hộ đồng loạt biến mất, thay vào đó là những khu nuôi tôm quy mô, cơi nới tối đa ra tận mép sóng.
Nơi đây, chân sóng ngày biển êm chỉ còn cách hồ nuôi tôm chông chênh vài bước chân.
Chưa ở đâu, hồ nuôi tôm lại lấn ra sát biển đầy bất trắc và nhiều vô số như ở xã Phong Hải. Dấu vết của một dải rừng phòng hộ từng tồn tại nơi đây chưa hoàn toàn bị xoá sạch.
Đi sâu vào những con mương thoát nước thải nối với nhiều hồ tôm, một vài cụm phi lao lâu năm vẫn còn sót lại ngả nghiêng, hiếm hoi. Trên dải cát mỏng manh dài hơn 1 km (được xem là dải phân cách giữa biển và hồ tôm), số cây phi lao cao lớn được giữ lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Hàng trăm bầu phi lao con vừa được dân nuôi tôm đem trồng sát bên bờ sóng, với hy vọng ngăn sạt lở ao hồ, giờ đã chết cong quắt.
Cũng không ở đâu như ở Phong Hải, dân nuôi tôm thải nước bẩn từ các ao hồ ra biển một cách tuỳ tiện đến mức đáng lo ngại. Dân mạnh ai nấy xả, không qua bất kỳ một hệ thống thu gom, xử lý tập trung.
Nước thải hồ tôm ở Phong Hải đang xả thẳng ra biển - Ảnh: Ngọc Văn |
Cứ đi năm bảy bước chân, chúng tôi lại gặp một con suối nhân tạo đen ngòm, nặng mùi, tháo thẳng nước bẩn từ hồ tôm đẩy ra biển.
Cũng tại khu vực này, người nuôi lại vô tư đấu nối các ống nhựa để hút nước biển đưa vào vận hành hồ nuôi mà chẳng cần quan tâm dịch bệnh tôm lan truyền.
Bận công chuyện, ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, phân trần qua điện thoại: “Giờ sinh chuyện thì trăm dâu đổ đầu tằm, chứ rừng đó trước đây dân trồng, họ phá đi để nuôi tôm là quyền của họ, chúng tôi làm sao ngăn cản được. Hơn nữa, dân nuôi tôm trên vùng này đã 10 năm rồi”.
Tuy nhiên, khi nghe đề cập đến quyết định giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các khu nuôi tôm tự phát, cả cán bộ thuỷ sản và Chủ tịch UBND xã đều ấp úng.
Cán bộ và dân cùng vi phạm
Theo ông Trần Văn Địch, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phong Điền, tình trạng ồ ạt phá rừng phòng phòng hộ, lấn chiếm đất công để nuôi tôm tại Phong Hải chỉ vừa xảy ra vào cuối năm 2009, ngay sau khi UBND huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTTS; trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.
Ông Địch còn lưu ý: “Xâm phạm đất đai phòng hộ, đất nằm ngoài quy hoạch NTTS còn có cả cán bộ địa phương. Dân ồ ạt lấn chiếm đất đai, đào hồ nuôi tôm quy mô như vậy, chả nhẽ, cán bộ xã không biết… Trong vụ việc này, chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm”.
Ông Mai Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, khẳng định: “Rừng do dân trồng tự phát trên đất phòng hộ ven biển khi khai thác phải được cơ quan chức năng chấp thuận”.
Rủi ro lớn
Theo các cơ quan chuyên môn, việc hình thành ồ ạt hệ thống ao hồ nuôi tôm tự phát sát bên chân sóng, cùng với hàng chục hộ dân vi phạm vùng nuôi an toàn, chưa bao giờ hoạt động đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tại Phong Điền lại có nguy cơ rủi ro cao như hiện nay.
Ông Trần Văn Địch lo ngại: “Ao hồ phát triển tràn lan nhưng mỏng manh, nước bẩn thải vô tội vạ, chỉ một trận triều cường, sóng to, dịch bệnh bùng phát, các chủ nuôi tự phát trên địa bàn chắc chắn sẽ mất tong tiền tỷ”.
Còn nhớ, 10 năm trước, tại xã nghèo Phú Diên (huyện Phú Vang), nhiều nông dân lâm cảnh tha phương cầu thực do không còn một tấc ruộng cắm dùi, hơn 100 ha hồ tôm hình thành từ ruộng lúa trở thành bãi hoang cho đến tận bây giờ.