Chỉ cần khá giả...
Ôm con cự đà (kỳ nhông) Nam Mỹ thuộc dòng Albino dài hơn 1m, Hoàng Quang - SV Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM - cho biết nó trị giá hơn 25 triệu đồng.
Không chỉ riêng Quang, việc săn tìm và cố gắng sở hữu những con thú “độc”, đặc biệt là loài bò sát đã trở thành trào lưu chung. “Hơn một, hai năm trước mình đã biết đến thú vui này rồi, nhưng đến giờ nó mới thật sự nở rộ và được nhiều bạn quan tâm. Sở dĩ gọi là thú “độc” vì chúng vừa có hình thù lạ mắt, vừa “độc” vì nguy hiểm nữa”, Quang kể.
Tại TP.HCM có cả những hội chuyên chơi thú “độc” thu hút hàng trăm thành viên, thường tổ chức gặp mặt, khoe “cục cưng” của mình, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc...
Tâm Long - SV Trường ĐH Hùng Vương - cho biết hội của bạn sở hữu gần 40 loài thú “độc”. “Từ rắn cảnh, rùa, rồng Úc, ếch Pacman, sóc bông Chinchilas, tắc kè báo, kỳ đà sa mạc, nhện cảnh Tarantulas, rắn Ball Python (loài rắn phân bố ở Tây và Trung Phi - NV), nhím trắng Hedgehog cho đến rắn hổ mang chúa hay rắn đuôi chuông sa mạc, nhóm mình đều có”, Long khoe.
Tâm Long nói thêm, để chơi thú “độc” cần phải khá giả bởi giá của mỗi con thú này từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Thậm chí, có những thú “độc” được bán với giá USD như khỉ mini Marmosets (giá từ 8.000 - 10.000 USD/con), rồng Úc Bearded (từ 2 - 5 triệu đồng/con), sóc bông Chinchilas (500 USD/con)...
Ngoài ra còn phải sắm bộ đồ nuôi như khay uống nước, đèn sưởi, đèn chiếu, máy phun sương tạo độ ẩm, thức ăn, đèn UVA, UVB... phù hợp từng loại với giá không dưới 1 triệu đồng.
Chỉ cần trực tuyến trên internet là có thể tìm thấy hàng chục loài thú “độc” được đăng tải trên những trang web mua bán, các diễn đàn như buy-sell.vn, canbannhanh.com, 5gio.com... và các cửa hàng trên Facebook. Khi chúng tôi liên hệ để tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của thú “độc”, hầu hết các chủ hàng đều nói chung chung rằng đây là những loài rất hiếm, được nhập từ Mỹ, Thái Lan...
Một loài bò sát Nam Mỹ. Ảnh: N.T.N . |
Và chấp nhận rủi ro
Nguyễn Hoàng - SV Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - kể: “Chơi thú “độc”, cần phải can đảm và chịu đựng được rủi ro”. Hoàng đã từng bị con nhện Tarankulas (được mua với giá gần 2 triệu đồng) phóng lông vào người, gây ngứa ở tay và xốn mắt, phải đi khám.
Còn Bảo Anh - cùng hội chơi thú “độc” với Hoàng - cũng nhớ lại, có lần bị rắn lục cườm cắn phải vội vào bệnh viện tiêm thuốc kháng sinh. Thành Tiến, người sở hữu hai loài nhím trắng Hedgehog và sóc bông Chinchilas thì than rằng, hai “cục cưng” của mình không hiểu sao trở bệnh, không ăn uống gì nhưng chẳng biết đem đi khám ở đâu.
Trò chuyện với nhiều chủ cửa hàng bán thú “độc” trên các diễn đàn, thử hỏi liệu các loài thú này có gây hại cho người chơi thì được nhận những câu trả lời tương tự: “Hên xui”, “Có khi bị cắn nhưng chắc không sao!”...
Để sở hữu những loài thú “độc”, người nuôi thường phải bỏ ra số tiền khá lớn. Trong khi nguồn gốc xuất xứ của những loài này còn bỏ ngỏ, không rõ ràng. Chưa kể đến việc không lường hết được những mối nguy hại khôn lường do thú “độc” gây ra. Thế nhưng trào lưu này hiện vẫn được giới trẻ yêu thích và ưa chuộng.
Theo Nguyễn Thanh Nam
Thanh Niên