Nuôi kiến gai đen thế nào?

Nuôi kiến gai đen thế nào?
TP - Sau khi Tiền Phong thông tin về sản phẩm bổ dưỡng từ trứng kiến gai đen được các nhà khoa học Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nghiên cứu thành công, nhiều bạn đọc gọi điện đến tòa soạn hỏi về cách thức nuôi kiến gai đen.
Nuôi kiến gai đen thế nào? ảnh 1
Nguồn kiến gai đen rất dồi dào ở Việt Nam

PSG. TS Dương Anh Tuấn, Trưởng phòng Sinh dược và Hóa bảo vệ thực vật (Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), cho biết, hiện nay có hai địa phương đang triển khai nuôi thử nghiệm là Phú Thọ và Bắc Giang, trong đó, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là địa phương đầu tiên triển khai nuôi kiến theo hình thức bán tự nhiên.

Đây là nguồn cung cấp chính mặt hàng trứng kiến gai đen phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam từ nhiều năm nay. Số lượng trứng kiến nuôi bán tự nhiên và tự nhiên ở địa phương có thể đạt vài tấn/năm.

Trong khi đó, Bắc Giang mới đưa vào nuôi kiến thử nghiệm và cho thu hoạch vụ đầu vài trăm kilôgam trứng kiến.

PGS Tuấn từng đi thực địa nhiều vùng rừng trong cả nước và nhận thấy tiềm năng nuôi kiến gai đen là rất lớn. Ở Việt Nam, kiến gai đen được tìm thấy ở nhiều tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái… và nhiều tỉnh miền Trung.

Nơi nào có rừng là nơi đó có kiến gai đen. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu xem loại kiến nào dùng được, chất lượng trứng ra sao. Việc này cần có sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các nhà khoa học.

Loài kiến gai đen có thể lấy trứng làm thực phẩm nhìn chung rất dễ tính. Chúng có thể sống trên các loại cây như luồng, tre, xoan, trẩu… Chúng ăn giun, một số sản phẩm từ bột ngô, cám gạo, thực phẩm thừa.

PGS Tuấn cho hay việc nuôi kiến theo mô hình công nghiệp là hoàn toàn có thể, tuy nhiên ông khuyến khích nuôi theo mô hình bán tự nhiên để giữ được các yếu tố tự nhiên trong trứng kiến.

Ngoài ra, có thể tăng sản lượng kiến thu được trên cùng một diện tích và tăng hàm lượng các axit amin trong trứng kiến bằng các biện pháp kỹ thuật như tăng mật độ kiến, tăng lượng thức ăn” – PGS Tuấn nói.

Các cá nhân, tập thể có nhu cầu tìm hiểu và phát triển nuôi kiến có thể gửi đề án tới hai địa chỉ:

- Cục Ứng dụng Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ, 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

- PGS.TS Dương Anh Tuấn, Trưởng phòng Sinh dược và Hóa bảo vệ thực vật (Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. ĐT 04. 38364118

Cũng theo PGS Tuấn, nguồn kiến trong tự nhiên rất dồi dào, công nghệ chiết xuất trứng kiến thành thực phẩm bổ dưỡng đã có, Viện Khoa học & Công nghệ cũng đã thiết lập được các hợp tác với nước ngoài và đang đàm phán để quyết định đối tác lâu dài trong nước.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phát triển nuôi kiến thành một ngành kinh tế là sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.

Hiện Cục Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ rất quan tâm tới vấn đề này. Trước mắt, những cá nhân, tập thể có nhu cầu có thể liên hệ với Cục này để trình bày mong muốn, khả năng nhân nuôi, nguồn nguyên liệu kiến tại địa phương, yêu cầu của cá nhân/doanh nghiệp, v.v..

Dựa trên các yêu cầu này, Cục sẽ xem xét để xây dựng đề án hỗ trợ, đầu tư, tìm kiếm nguồn thu mua ổn định. PGS Tuấn khẳng định nếu có chiến lược đầu tư, phát triển ngành kinh tế nhân nuôi kiến gai đen, Viện Khoa học & Công nghệ sẵn sàng làm đầu mối thu mua ổn định nguồn trứng kiến. 

MỚI - NÓNG