Nuôi cấy da điều trị vết thương

Nuôi cấy da điều trị vết thương
TP - Viện Bỏng Quốc gia vừa thực hiện thành công một số phương pháp mới trong điều trị cho bệnh nhân bỏng như phương pháp nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh; ứng dụng nguyên bào sợi nuôi cấy điều trị vết thương mãn tính.
Nuôi cấy da điều trị vết thương ảnh 1
Bác sĩ đang thay môi trường cho tế bào nuôi cấy

Phương pháp nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh là phương pháp đơn giản và ít tốn kém so với phương pháp trước đây trong điều trị vết thương bỏng như nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường có huyết thanh.

Theo GS.TS Lê Năm - Giám đốc Viện bỏng Quốc gia, trong bỏng và mất da diện rộng, nguồn da ghép tự thân hạn chế, trị liệu tế bào là một giải pháp lý tưởng. Trước đây, các tế bào biểu mô được nuôi cấy trong môi trường có huyết thanh, cần có chi phí rất cao, quy trình nuôi cấy phức tạp.

Nhưng phương pháp mới này rất phù hợp với các phòng thí nghiệm (labo) nghiên cứu tế bào hiện có tại Việt Nam, mở ra cơ hội được điều trị bằng kỹ thuật tốt hơn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Đinh Văn Hân - Chủ nhiệm labo nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bỏng cho biết đã tiến hành nuôi cấy trên 17 mẫu da lấy từ người tình nguyện và bảy mẫu da lấy từ bệnh nhân bỏng. Độ tuổi trung bình của nhóm tình nguyện cho da là tám tuổi (nhỏ nhất 16 tháng và lớn tuổi nhất là 25), nhóm bệnh nhân bỏng tuổi trung bình là 36 tuổi.

Quá trình nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy nhóm người tình nguyện chủ yếu đang ở độ tuổi phát triển rất thuận lợi cho nuôi cấy tế bào sừng (tế bào biểu mô).

Bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm ghép tế bào tự thân là anh Đỗ Khương V. 22 tuổi, bị bỏng xăng.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu bằng truyền dịch, truyền máu, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc bổ, thay băng, chăm sóc hàng ngày và phẫu thuật hoại tử, ghép da.

Sau khi tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân được chuyển sang khoa điều trị liền vết thương. Tại đây, bệnh nhân được chăm sóc, thay băng và ghép tế bào sừng tự thân nuôi cấy. Sau 12 ngày được điều trị bằng cấy ghép tế bào sừng tự thân, vết thương do bỏng xăng của bệnh nhân cơ bản khỏi.

Làm lành vết loét mãn tính

Mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia khám, điều trị cho khoảng gần 7.000 bệnh nhân. Những năm qua, Viện ứng dụng hơn 30 kỹ thuật tiên tiến vào điều trị bỏng như cắt bỏ hoại tử, ghép da sớm, ghép da đồng loại, ghép da mảnh siêu nhỏ, điều trị nhiễm độc, kỹ thuật nuôi dưỡng sớm, v.v…

Viện bỏng Quốc gia từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết loét lâu ngày nhưng không được điều trị đúng cách, khiến mọi sinh hoạt cá nhân bệnh nhân đều phải nhờ vả người khác.

GS.TS Lê Năm cho biết, có rất nhiều phương pháp điều trị vết thương mạn tính như dùng thuốc kích thích sự phát triển tế báo, dùng oxy cao áp, tia laser nhưng hiệu quả thấp, các can thiệp phẫu thuật thường thất bại hoặc ít khi được áp dụng do sức khỏe bệnh nhân không cho phép phẫu thuật.

Các bác sĩ của Viện thành công trong ứng dụng ghép nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy điều trị cho 32 bệnh nhân có vết thương mãn tính do loét tì đè, tiểu đường, bỏng chậm liền, tai nạn, suy tĩnh mạch chi dưới. Phương pháp mới này điều trị khỏi một số vết thương mãn tính vốn không liền bằng các phương pháp điều trị truyền thống.

Bằng kỹ thuật mới này, các bác sĩ chỉ cần một phần da rất nhỏ, nuôi cấy các tế bào da trong môi trường nuôi cấy tạo ra mảnh da với diện tích theo ý muốn ghép cho bệnh nhân. Hai lớp tế bào quan trọng nhất làm liền vết thương là lớp tế bào sừng (tế bào biểu mô) và lớp tế bào sợi (tế bào trung bì).

Bác sĩ Hân cho hay để có được da nhân tạo, trước tiên lấy các tế bào mầm (của tế bào sợi, sừng) đưa vào môi trường nuôi cấy rồi cấy lên các màng nền (có thể bằng silicon, collagen, da đồng loại...) tạo thành một giá đỡ cho các tế bào da bám vào phát triển, kích thích quá trình tăng sinh mạch máu tổn thương, tiết ra chất làm liền vết thương.

Bằng phương pháp này, có khi chỉ sau một tuần, đã có thể ghép mảnh da nhân tạo này lên vết thương, sau đó các tế bào da (sừng, sợi) sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi lành vết thương.

Tỷ lệ tách lọc tế bào sừng thành công ở các mẫu da lấy từ người cho da tình nguyện là 70,5 phần trăm, ở bệnh nhân bỏng là 57,2 phần trăm ở tuần thứ hai của quá trình nuôi cấy. Kết quả tỷ lệ cấy chuyển tế bào sừng thành công ở hai nhóm đều cao, với nhóm người tình nguyện là hơn 91 phần trăm, nhóm bệnh nhân bỏng là 100 phần trăm.

MỚI - NÓNG