Cá có thể nhiễm kim loại nặng, dioxin
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang mới đây cho biết, sẽ nuôi một số bè cá tại sông Hậu, cạnh khu vực xả thải của Nhà máy giấy Lee&Man, thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây vừa là phương pháp chỉ thị sinh học, đo mức độ ô nhiễm của nước thải đồng thời cá được nuôi có thể sử dụng để ăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với ý tưởng này.
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên, môi trường nước, việc nuôi cá để chỉ thị sinh học không ổn về mặt khoa học. TS Trường cho biết, công nghiệp giấy thuộc nhóm gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi phải khai thác các nguồn xen-lu-lô tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất. Với việc tái chế giấy, nước thải càng độc hại và nguy hiểm, lo ngại nhất là việc phát thải dioxin và các chất giống dioxin. Trong khi đó, quản lý dioxin và các chất giống dioxin ở Việt Nam còn yếu.
TS Trường cho biết thêm, trên thế giới những vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại, ngay cả với công nghệ tiên tiến nhất. Ví dụ như, vẫn phát hiện hàm lượng và thành phần dẫn xuất của Chlorine trong chất thải từ các nhà máy giấy và bột giấy khi sử dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, trong thành phần mực, nước thải từ hệ thống tẩy trắng có nhiều thành phần kim loại nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ thủy sản như đồng, chì, kẽm.
TS Tô Văn Trường cũng cho biết, không thể chỉ dựa vào cá để giám sát chất lượng nguồn nước và nước thải vì nhiều loài cá có thể sống chung với ô nhiễm. Nguồn nước ô nhiễm có thể không gây ngộ độc tức thời nhưng các chất độc có khả năng tích tụ trong cơ thể, đến một mức độ nào đó sẽ phát bệnh, chẳng hạn như sự cố nhiễm độc thủy ngân do ăn cá tại vịnh Minamata (Nhật Bản).
Nhà máy bắt đầu xả thải methyl thủy ngân từ 1932 nhưng mãi đến đầu những năm 1950 mới bắt đầu có hiện tượng người ốm/chết vì “bệnh lạ”. Vì thế, theo TS Trường, nếu nước thải có đạt tiêu chuẩn thải thì khi nuôi cá, vẫn tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng sản phẩm cá nuôi này, nhất thiết không được ăn.
Vẫn chưa bắt buộc kiểm soát dioxin từ nhà máy giấy
TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cũng cho rằng, phương pháp nuôi cá để chỉ thị ô nhiễm không khả thi.
Theo TS Loãn, nếu nhà máy giấy Lee&Man sản xuất giấy từ nguyên liệu sơ cấp (nguyên liệu tự nhiên) thì nước thải không đáng lo ngại lắm. Ô nhiễm của nước thải chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ. Tuy nhiên, nếu sử dụng giấy phế liệu thì mức độ độc hại rất lớn do giấy phế liệu có các loại mực in chứa nhiều kim loại nặng.
Khi đó các kim loại nặng sẽ tích lũy dần trong cơ thể cá, đến một nồng độ nhất định sẽ gây bệnh. Nếu con người ăn phải loại cá này cũng sẽ dẫn đến tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe.
Về nguy cơ nước thải nhiễm dioxin, theo TS Loãn phụ thuộc vào công nghệ tẩy trắng mà nhà máy áp dụng, nếu sử dụng nguyên tố clo tẩy trắng thì khả năng cao là nước thải có chứa dioxin. Nếu áp dụng tẩy trắng tiên tiến nhất hiện nay thì nguy cơ thấp.
Tuy nhiên, theo TS Trần Thế Loãn, dù Lee&Man có sử dụng công nghệ nào thì việc nuôi cá để chỉ thị sinh học và có thể dùng làm thực phẩm là không nên. Không ai làm việc này trên thực tế. “Môi trường có thể ô nhiễm nhưng cá quen rồi vẫn sống tốt. Không phải cứ cá sống được là môi trường được đảm bảo”, TS Loãn nói.
Ở góc độ khác, hiện nay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy chưa bắt buộc các nhà máy phải quan trắc thông số dioxin ngay. Trong 8 thông số bắt buộc quan trắc theo quy chuẩn, 7 thông số bắt buộc phải quan trắc, riêng thông số dioxin chỉ yêu cầu áp dụng từ 1/1/2018.
Được biết hiện nay, việc quan trắc và phân tích dioxin ở Việt Nam không đơn giản, chỉ có 2 trung tâm có thể phân tích dioxin, một của Bộ Quốc phòng, một của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên việc phân tích dioxin khá tốn kém và mất nhiều thời gian.
“Không thể chỉ dựa vào cá để giám sát chất lượng nguồn nước và nước thải vì nhiều loài cá có thể sống chung với ô nhiễm”.
TS Tô Văn Trường