Nuôi cá ngựa vằn thương phẩm

Nuôi cá ngựa vằn thương phẩm
TP - Lần đầu tiên, cá ngựa vằn (tên khoa học là Hipppcampus kuda) thương phẩm đã được nuôi thành công tại Đà Nẵng. Mới đây, lứa đầu tiên 1.000 con cá ngựa được 'xuất chuồng', đem lại gần 100 triệu đồng tiền lãi cho người nuôi.
Ông Ngô Đức Ri bên bể nuôi cá ngựa vằn thương phẩm
Ông Ngô Đức Ri bên bể nuôi cá ngựa vằn thương phẩm.

Người tiên phong trong nuôi cá ngựa vằn phương phẩm tại Đà Nẵng là ông Ngô Đức Ri (52 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Đầu năm 2009, Sở KH - CN Đà Nẵng thí điểm chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân, nên ông Ri mạnh dạn tham gia lớp tập huấn “nuôi cá ngựa vằn thương phẩm” rồi áp dụng mô hình nuôi cá ngựa vằn thương phẩm tại gia đình.

“Ban đầu, việc chăm nuôi gặp nhiều khó khăn do kiến thức mình còn ít, điều kiện tập huấn chưa nhiều, loại con này cũng mới được triển khai nên người nuôi chưa có kinh nghiệm, đặc biệt qua hai đợt thiên tai bão lũ vào cuối năm 2009 tôi hầu như mất trắng”- ông Ri kể lại.

Hiện nay, ông Ri có một trang trại nuôi cá ngựa với gần 1.000 bể (tổng trị giá gần chục tỷ đồng), giải quyết việc làm cho gần 10 lao động. Ông Ri cho hay, trang trại đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các công ty ở TPHCM thu mua xuất khẩu.

Theo ông, việc nuôi cá ngựa vằn thương phẩm không quá khó. Điều kiện khí hậu trên địa bàn khá phù hợp nên cá ngựa phát triển nhanh.

Cá ngựa vằn thương phẩm vừa sản xuất thành công ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy
Cá ngựa vằn thương phẩm vừa sản xuất thành công ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy.

TS Trương Sỹ Kỳ (Viện Hải dương học Nha Trang), người thực hiện đề tài Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa cho cộng đồng sống ở vùng ven biển, cho biết thêm: Thức ăn của cá ngựa chủ yếu là nhóm chân mái chèo (Copepoda) lấy từ các ao nuôi tôm, cá quảng canh, hoặc bán thâm canh.

Ngoài ra, còn bổ sung Artemica giàu hóa. Các thức ăn đều được diệt khuẩn bằng ozone (công suất 220mg/giơ) trong 15 phút. Khi chọn giống, không nên mua cá đánh bắt bằng lưới kéo đáy vì chúng thường bị xây xát; túi ấp của cá ngựa đực bị tác động cơ học nên chúng thường yếu và dễ chết. Về kỹ thuật nuôi, độ mặn của nước dao động trong khoảng 30-35 phần nghìn, nhiệt độ luôn ở mức 28- 30oC, có khí sục.

Theo ông Ri, để loại cá này phát triển được, nước biển phải được lọc bỏ cát và các chất lơ lửng trước khi đưa vào hệ thống sản xuất. Ngoài ra, phải lọc sinh học để nước sạch và đủ ô xy cho vi khuẩn hoạt động. Thông thường, phải sau gần một tháng mới có thể bắt đầu nuôi.

Một trại nuôi cá ngựa vằn ít nhất phải có khuôn viên 60 m2 trở lên. Xung quanh phải xây kín, lập mái tôn, cửa sổ bằng kính lật và nền phải được lát bằng gạch hoa để giữ cho bể cá luôn thoáng mát, sạch sẽ. Mỗi bể nuôi 1,5m x 1,5m x 1,4m được xây bằng gạch thẻ, láng xi măng.

Sau khoảng 10 ngày, khi cá mang trứng nở thành con, người nuôi phải tách cá ngựa bố ra ở riêng để tái phát dục. Tùy vào từng trại giống, người nuôi nên chọn mật độ nuôi phù hợp. Nếu cá có kích thước 70mm thì mật độ nuôi khoảng 1 đến 2 con/lít nước, TS Kỳ khuyên.

Sở KH-CN TP Đà Nẵng cho hay, nghề nuôi cá ngựa vằn sẽ được nhân rộng cho gần 50 hộ dân trên địa bàn quận Liên Chiểu thành mô hình kinh tế, hỗ trợ việc làm cho bà con trên địa bàn. Đồng thời hướng đến sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu riêng cho cá ngựa vằn thương phẩm Đà Nẵng.

TS Trương Sỹ Kỳ đánh giá, cá ngựa có nhiều tác dụng như hỗ trợ chữa vô sinh hoặc thai khó ở phụ nữ, hen suyễn, cao huyết áp, ung nhọt, hói đầu, hen phế quản, làm chắc xương...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.