Ngày 19/10, đoàn kiểm tra gồm Cục Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Phú Thọ - Hòa Bình, Sở TNMT làm việc với Cty CP Gốm sứ Thanh Hà (CTH). Theo nội dung biên bản làm việc của đoàn kiểm tra, năm 2018, CTH đã chuyển giao cho Cty Cổ phần Phát triển Công nghệ Môi trường 147,5 kg chất thải nguy hại theo biên bản bàn giao ngày 6/12/2018.
Kể từ đầu năm 2019, Cty đã chuyển giao cho Cty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình 190 kg chất thải nguy hại theo chứng từ chất thải nguy hại số 01/2019/CTH ngày 27/6/2019.
Thế nhưng, thực tế, hợp đồng giữa CTH và Cty Cổ phần Môi trường đã hết hạn từ cuối năm 2017. Về việc phối hợp xử lý dầu thải cùng Cty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, CTH tiếp tục khai gian số lượng chất thải.
Làm việc với phóng viên báo Tiền Phong chiều 24/10, đại diện Cty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình nói: “Đúng là Cty đã kí hợp đồng với Cty Gốm sứ Thanh Hà. Tuy nhiên, Cty mới ký hợp đồng từ đầu năm 2019. Từ khi kí kết hợp đồng, chúng tôi mới chỉ đến Cty Gốm sứ Thanh Hà đúng 1 lần vào tháng 6/2019 và chỉ lấy 13 kg bao gồm giẻ dính dầu, chứ không có bất cứ 1 kg dầu thải nào cả”.
Theo lãnh đạo Cty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, thông tin Cty tới CTH 2 lần để tiếp nhận 147,5 kg và 190 kg chất thải nguy hại là không đúng. Cty mong muốn cơ quan điều tra làm rõ số dầu thải mà CTH khai báo đã đi đâu.
Nguồn gốc 15m3 dầu thải/năm
Theo tài liệu Sở TNMT tỉnh Phú Thọ cung cấp, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt cho thấy than cục và than cám được đốt trong trạm than hóa khí để lấy nhiên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, giá thành nhiên liệu tăng cao nên Cty lắp đặt hệ thống dây chuyền công nghệ nhiệt phân chiết xuất nhiên liệu từ săm lốp, cao su, phế thải ra dầu, khí gas làm nhiên liệu thay thế than.
Tháng 12/2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra hệ thống lò nhiệt phân cao su của Cty, phát hiện 3 tấn cao su nguyên liệu đang được đốt nhiệt phân. Công an tỉnh Phú Thọ quyết định xử phạt hành chính 160 triệu đồng.
Năm 2017, Sở TNMT tỉnh Phú Thọ tiếp tục kiểm tra, yêu cầu Cty dừng 2 hệ thống nhiệt phân cao su (gồm 6 lò). Thời điểm kiểm tra, Cty đã tháo dỡ 3/6 lò và cam kết hoàn thành trước tháng 7/2017. Năm 2018, Sở TNMT kiểm tra và nêu rõ các tồn tại của Cty như chưa có giấy phép khai thác sử dụng nguồn nước và giấy phép xả thải vào nguồn nước, chưa nộp đủ phí bảo vệ môi trường.
Biên bản của đoàn kiểm tra (Cục Cảnh sát môi trường) ngày 19/10 chỉ rõ: Cty hiện có 3 dây chuyền sản xuất gạch ốp lát, trong đó có 2 dây chuyền sử dụng công nghệ bằng lò nung dầu với công suất hoạt động 6 triệu m3/năm. Nhưng biên bản kiểm tra không chỉ rõ dây chuyền thứ 3 của Cty hoạt động thế nào.
Ngoài số dầu thải 8.830 kg Cty giao cho các đối tượng xả vào nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nghiêm trọng, Cty còn đang lưu giữ 4 téc nhựa dung tích 1.000 lít và 12 vỏ phuy chứa dầu thải. Tổng số lượng dầu thải đang tồn 400 lít.
Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Cty CP Gốm sứ Thanh Hà, nói: “Toàn bộ dầu đó là dầu thải từ máy ép gạch và các máy vận hành ở Cty. Hiện mỗi năm Cty này cho ra 15m3 dầu thải”.