Nước mắt người mẹ có con là 'tú bà' khi mới 17 tuổi

Nước mắt người mẹ có con là 'tú bà' khi mới 17 tuổi
Những nạn nhân được giải cứu sau khi trở về nước đã đồng loạt “điểm mặt chỉ tên” “tú bà” có tên Ngô Thị Hương Trang. Điều mà các ĐTV không thể tin “tú bà” này vào nghề mới chỉ 17 tuổi…

> Nước mắt người cha trong phiên xử ‘tú bà’ xinh đẹp

“Tú bà” Ngô Thị Hương Trang
“Tú bà” Ngô Thị Hương Trang.

Cuối tháng 6-2011, một đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc được CATP Hà Nội khám phá. Những nạn nhân được giải cứu sau khi trở về nước đã đồng loạt “điểm mặt chỉ tên” một “tú bà” có tên Ngô Thị Hương Trang, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Điều mà các ĐTV không thể tin “tú bà” này vào nghề mới chỉ 17 tuổi…

Cuối tháng 6-2011, CAQ Đống Đa nhận được thông tin trình báo của một thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm nay trốn thoát được về nước. Theo lời khai của cô gái, thì đã có hàng chục thiếu nữ bị các đối tượng dụ dỗ lừa bán và phải ép tiếp khách.

Điều đáng nói, cầm đầu đường dây đồng thời chủ nhà chứa là một thiếu nữ người Việt Nam, mới chỉ hai mươi tuổi nhưng có trong tay hàng chục đàn em tại các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, 35 trinh sát dày dạn kinh nghiệm của CAQ được tung vào cuộc, phối hợp với các đơn vị chức năng và CA các tỉnh nói trên mở rộng khám phá đường dây mua bán phụ nữ cực lớn này.

Qua hơn một tháng ròng rã ngược xuôi các tỉnh, sang cả bên kia biên giới để điều tra, lực lượng CA đã lần ra được đầu mối của đường dây này, giải cứu 9 nạn nhân trong đó có 7 nạn nhân dưới 16 tuổi, có cháu chưa đủ 13 tuổi, nhiều cháu trong tình trạng bị bỏ đói, đánh đập dã man để ép tiếp khách.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, chính cuộc sống đầy bi kịch tại gia đình đã đẩy cô gái khá xinh đẹp ở một xã nghèo thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trở thành gái bán dâm chuyên nghiệp, rồi leo dần lên thành “tú bà” khi mới ở tuổi 17.

Tôi tìm đến nhà Trang khi trời vừa nhập nhoạng tối, ngôi nhà khang trang, rộng rãi gần nhất cái thôn nghèo nằm ven cánh đồng. Nhà mất điện, trong ngôi nhà với ánh đèn leo lét, bố mẹ Trang người nằm ủ rũ trên giường, quay mặt vào tường khóc từng chặp vì thương con, người một bên chân tập tễnh đi ra đi vào rít thuốc lào liên tục, thi thoảng bật ra những câu chửi đời, chửi người vu vơ…

Mẹ của Trang, bà N.T.T, SN 1964 trông khắc khổ, khóc nấc khi kể về con gái. Bà và bố của Trang lấy nhau trong hoàn cảnh chẳng có thời gian tìm hiểu nhiều, chồng hơn vợ bốn tuổi là người cùng xã, lấy về rồi mới biết có tật nghiện rượu nặng, bình thường thì thương vợ lắm, nhưng cứ có chén rượu thì như biến thành con người khác, đánh đập vợ không tiếc tay.

Năm Trang học lớp ba, hai mẹ con khăn gói trốn vào Nam ở, mẹ đi thêu khăn gối thuê, Trang được xin vào lớp mới. Nhưng chỉ được 5 tháng, ông H biết theo vào, đón hai mẹ con ra, ông ấy nói nếu mẹ con tôi không ra, ông ấy sẽ chết vì cả hai bên gia đình nội ngoại đều không ngó ngàng gì đến.

Nghĩ đến cảnh khổ sở, đau đớn khi bị chồng đánh, rồi thương con vì mỗi khi bố uống rượu vào lại đay nghiến, đánh đập không tiếc tay, mẹ Trang định không về. Nhưng nghĩ lại, vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa, không thể bỏ chồng mà đi được, nên bà lại đưa Trang quay về. Vẫn là những trận đòn triền miên trút lên cơ thể, Trang hàng ngày chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, nó can ngăn thì cũng bị đánh theo.

Học hết lớp 10, Trang quen với một người bạn qua internet, khoảng đầu năm 2008, thì đột nhiên Trang biến mất mà bố mẹ không hề biết lí do. Bà T chạy đôn chạy đáo tìm con, vào Nam ra Bắc, vì Trang là con duy nhất của hai vợ chồng, lại đang lứa tuổi xuân sắc, bà T rất lo.

Biết bao đêm mất ngủ, ngóng con nhưng bặt vô âm tín, thời gian 5 tháng trôi qua, bà T sống trong tuyệt vọng với những sự dằn vặt, đánh mắng của chồng, mỗi khi nhắc đến con là ông H lồng lên như một con thú, dọa khi thấy con sẽ đánh đến chết.

Hai bên gia đình đều nói bà T nên li dị chồng để làm lại cuộc đời, nhưng bà T cho rằng: Khi ông ấy tỉnh táo, không uống rượu thì rất thương mẹ con tôi, ông ấy lại bị bệnh, tôi nỡ lòng nào bỏ ông ấy mà đi.

Trong lúc hai vợ chồng tuyệt vọng nhất thì Trang trở về, nói bị lừa, bán sang Trung Quốc, nhưng may gặp được một người tử tế cứu nó ra nên giờ nó mới về được nhà.

Con ở nhà được một hôm, vui mừng chưa hết thì ông H đã chửi bới, đánh đập, dùng dao dọa chém giết nó. Đi cùng với Trang là một cậu bạn trai ở cùng huyện, ông H cũng đuổi đi luôn, còn chửi bới cả gia đình nhà người ta.

Trang buồn, nhất quyết ra đi, bảo mẹ: Con thương mẹ lắm, mẹ phải đi cùng với con, nếu ở nhà, mẹ sẽ bị bố đánh chết. Nhưng bà H quyết định phải ở nhà để lo cho chồng, vậy là Trang ra đi lần thứ hai mà không ai biết đi đâu, thỉnh thoảng mới nhờ người gửi về cho mẹ ít tiền, khi thì hai, ba triệu, nhiều nhất là 5 triệu.

Được một thời gian, vào khoảng năm 2009 thì Trang trở về, trông cô gái trẻ trung mơn mởn ngày nào già dặn và khác trước rất nhiều, bố con sau một thời gian dài không gặp lại tiếp tục xung đột, Trang nói với bà T: “Con về để giúp các chú CA quận Hoàng Mai và gia đình một đứa bị bán cùng với con sang cứu nó về. Giờ việc đã xong, mẹ bị bố đánh nhiều quá nên mẹ dứt khoát phải đi với con, nếu mẹ không đi, con sẽ đâm đầu vào ô tô tự tử”.

Sợ con quẫn bách làm liều, bà T thu xếp quần áo đi theo con mà không biết đi đâu. Đến khi sang đến một nơi toàn người Trung Quốc thì bà T mới biết đã không còn ở Việt Nam nữa.

Nơi Trang ở cùng với bốn người con gái khác là một ngôi nhà sáu tầng rất rộng rãi, bà T được bố trí ở tít tầng trên cùng. Hàng ngày, khi Trang và các bạn đi làm hết, bà T được giao trông nhà trong tình trạng không biết mình đang ở đâu, không biết tiếng để hỏi ai. Đến bữa, Trang nhờ người mua thức ăn về đưa cho mẹ, còn Trang, mãi tối đêm mới trở về nhà.

Nhiều khi bà T thấy Trang quá mệt mỏi, không kịp tắm rửa đã lăn ra ngủ, ôm con trong tay mà nước mắt ứa ra, rồi nửa đêm, rạng sáng, cứ có điện thoại là Trang vùng dậy ra đi, chỉ nói: “Con có khách rồi!” Biết bao lần bà T ôm giữ Trang, không cho con đi vì biết, Trang đang làm cái nghề gì, là mẹ ai không đau lòng khi thấy con mình bị giày vò về thân xác.

Một lần, bà T thấy một người đàn ông Trung Quốc còn trẻ, thường hay đi cùng Trang đánh đập con gái mình rất dã man, ngay trước mắt, bà lờ mờ hiểu rằng anh ta là “bảo kê” cho Trang làm việc.

Còn Trang sau trận đòn thâm tím mình mẩy, thấy bà T ôm mình khóc bảo hai mẹ con cùng về Việt Nam sống, nhưng Trang nói: Ở đây cũng khổ nhưng còn kiếm ra tiền, về nhà thì chết với bố, con không về.

Bà T đã bất lực trước sự kiên quyết của Trang, sau này, Trang và bốn cô gái đưa tiền đi làm cho bà T giữ hộ, ghi sổ rõ ràng để sau này chia nhau, không chịu nổi cảnh hàng ngày nhìn con lao sâu vào vũng lầy, bà T quyết định trở về Việt Nam.

Về nhà, ông H đang trong cảnh dở sống dở chết, suốt ngày chìm đắm trong rượu mà không có ai quan tâm, chăm sóc. Ông ta say sưa và không làm chủ được bản thân mình, đái cả ra nhà, ra chăn chiếu.

Tủi phận mình, thương chồng, thương con, bà T đành ở nhà hầu hạ, phục vụ ông H, đi làm thuê làm mướn kiếm tiền và làm ruộng. Trang thi thoảng gọi điện, gửi tiền về cho mẹ.

Bà T không hề biết Trang từ gái bán dâm đã trở thành “tú bà” chính hiệu, đứng ra thành lập đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam qua để phục vụ khách làng chơi. Nếu cô gái nào không nghe lời, Trang sẵn sàng cho nhân viên đánh đập dã man, bỏ đói và dùng nhiều thủ đoạn để ép làm gái mại dâm.

Khi được hỏi về việc tại sao không kiên quyết đưa con gái trở về sau khi biết con đi làm gái ở xứ người, bà T òa khóc: “Khi con gọi điện về, biết con còn sống là mừng rồi, tôi không dám khuyên can nó nhiều vì nghĩ nếu nó về nhà, nó cũng không sống nổi với bố, nhưng bây giờ thì tôi thực sự ân hận, chính vì tôi không níu kéo nó, để nó dấn sâu vào tội lỗi”.

Sau khi Tòa án xét xử, hàng tháng người phụ nữ này mặc dù rất say xe nhưng vẫn cố gắng lên thăm và gửi quà cho con, những mong con cải tạo tốt để trở về với gia đình với ước muốn: “Nếu ra tù, có ai thương thì tôi mong nó tỉnh ngộ để làm lại cuộc đời, sinh con cho tôi ẵm bế…”.

Theo Ngọc Linh
Pháp luật&Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.