Nước đổ về lớn, hồ Hoà Bình mở thêm cửa xả đáy

Người dân xem xả nước ở hồ Hoà Bình
Người dân xem xả nước ở hồ Hoà Bình
TPO - Dù đã mở 2 cửa xả đáy, nhưng do mực nước hồ Hòa Bình vẫn không xuống nên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã quyết định từ 6h sáng ngày 22/7 sẽ mở thêm 1 cửa xả đáy nữa để thoát nước.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để kiểm tra, rà soát công tác điều tiết nước tại các hồ thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ trong những ngày qua, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ  đạo đã lệnh Công ty thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở các cửa xả đáy.

Tuy nhiên sau hơn 2 ngày xả nước, mực nước hồ Sơn La xuống chậm, còn mực nước hồ Hòa Bình hầu như không xuống do lưu lượng về hồ vẫn lớn, tương đương tổng lưu lượng xả và phát điện.

Vì thế, sau khi cân nhắc ý kiến của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã quyết định: Quyết định xả thêm 1 cửa tại hồ Hoà Bình, thời gian từ 6h sáng mai, 22/7. Đồng thời, giữ nguyên tình trạng xả lũ tại Sơn La. Nếu tình hình còn diễn biến phức tạp, rất có thể sẽ cho phép xả thêm nước để  điều tiết mực nước tại các hồ chứa.

Cùng với việc mở thêm cửa xả đáy thứ 3 này, hồ thủy điện Hòa Bình phải chạy tới 8 tổ máy, với lưu lượng tối đa 2.400 m3/giây. Còn hồ thủy điện Sơn La vẫn mở một cửa xả đáy.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cũng lưu ý, tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn để có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy nữa hay không, nhằm đảo bảo an toàn công trình và hạ du.

“Khi xả lũ, các địa phương hạ du phải lên phương án, phải có lực lượng túc trực 24/24 tại các điểm đê xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông thủy và các hoạt động sản xuất, khai thác trên, ven sông”- ông Cường nói.

Theo ông  Cường, việc mở 2 cửa xả đáy ở thủy điện Hòa Bình và 1 cửa xả đáy của thủy điện Sơn La những ngày qua đã thực hiện đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả cả thượng lưu, lẫn hạ du. Tác động của việc xả lũ đến nay không đáng kể, vừ một số bè nuối cá bị ngạt nước và diện tích nhỏ lúa bị ngập.

Hiện đang vào tâm điểm điểm mùa mưa bão và mới là ngày thứ 2 của chính vụ mưa bão. Chưa kể, trên biển Đông và biển Thái Bình Dương đang xuất hiện xoáy áp thấp; thời tiết cũng đang có nhiều biến đổi dị thường, nên việc xả lũ cũng phải tính toán đa chiều, dựa trên nhiều dữ kiện để quyết định, nhưng sẽ linh hoạt.

Ông Cường cũng lưu ý, trong khi xả lũ, không nên để người dân đến gần cửa xả lũ chụp ảnh, và các hoạt động du lịch trong thời gian xả lũ cũng phải tính toán hợp lý.

Theo Phó Thủ tướng, trong những ngày tới, Bắc Bộ tiếp tục có mưa, tạo thêm sức ép cho việc đảm bảo an toàn hồ, đập. Tuy nhiên, nếu xả lũ không khoa học cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ du, các công trình thuỷ điện. Và nếu xả lũ không chính xác, sẽ không đủ nước cho sản xuất trong mùa khô sắp tới.

“Phải điều tiết nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ, đập, đề điều, các nhà máy thuỷ điện và an toàn cho hạ du. Đồng thời chủ động tích nước cho sản xuất (điện, các cơ sở công nghiệp…) và sinh hoạt trong mùa khô”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện, không để xảy ra sự cố hồ đập, vận hành an toàn, cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Cùng với các cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ trong việc xả lũ để bảo đảm an toàn cho hạ du. Đồng thời, phải điều tiết để đủ nước cho phát điện trong mùa khô, đủ nước cho sinh hoạt.

MỚI - NÓNG