Nước cờ đa mục tiêu của ông Obama

Nước cờ đa mục tiêu của ông Obama
TP - Tổng thống thứ 44 và là người gốc Phi đầu tiên bước lên ngôi vị cao nhất của nước Mỹ, Barack Obama đang bước vào giai đoạn quan trọng trong chiến dịch tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo siêu cường số một thế giới.

Với khẩu hiệu tranh cử Yes, we can - Vâng, chúng ta có thể (thay đổi), ông Obama đã tạo ra làn gió mới cho chính trường nước Mỹ.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Mỹ chao đảo, nước này lại đang sa lầy với cuộc chiến chống khủng bố, dư luận và phe đối lập bắt đầu đặt dấu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông.

Nước cờ trong đợt bầu cử tổng thống lần này của ông Obama cho đến thời điểm này, có thể nói nó đã được thực thi. Đó chính là các bước đi nhằm kết thúc 2 cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng và tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Nếu thành công, ông Obama sẽ trở thành tổng thống có vai trò đặt dấu chấm hết đối với 2 cuộc chiến tranh trong lịch sử nước Mỹ.

Những kế hoạch đáng kể nhất là ý định rút 10.000 quân trong năm nay và 23.000 quân trong năm kế tiếp khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, đây cũng là nước đi rất khó khăn đối với ngài tổng thống, cũng như cả nước Mỹ, chỉ xét riêng những lợi ích chính trị quốc nội.

Vì dù Mỹ có thể kết luận rằng chiến trường Afghanistan đã tạm yên, trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết, thì các chuyên gia quân sự vẫn nói rằng Taliban gần như đã thiết lập được những nơi trú ẩn an toàn ở cả Aghanistan và Pakistan.

Trong tình thế ấy, việc có ưu thế trong các cuộc đàm phán của liên quân, nếu có, với Taliban, là điều không thể. Và cũng chưa ai rõ tiến bộ trong việc củng cố an ninh ở miền nam Afghanistan thực sự đến đâu.

Hiện các đối trọng của Taliban là lực lượng an ninh Afghanistan, gồm binh lính chính phủ cũng như dân quân địa phương, được cho là nòng cốt sau khi liên quân rút đi. Nhưng tính hiệu quả trong dài hạn của lực lượng tại chỗ hiện vẫn là ẩn số.

Trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ, việc kiểm soát một vùng đất có mầm mống khủng bố phải dựa trên sự kiểm soát an ninh và tổ chức tốt bộ máy chính quyền địa phương, chứ không phải sự can thiệp từ bên ngoài. Với tình hình Afghanistan, các nhà hoạch định quân sự Mỹ chưa thể yên tâm hoàn toàn để có thể quay qua lo cho các bất trắc khác trong tương lai với chiến phí thấp hơn.

Tuy nhiên, “lá bài” Afghanistan của ông Obama có thể mở ra hướng mới trong chiến lược địa chính trị của nước Mỹ. Rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa quân đội Mỹ có nhiều khả năng tập trung hơn cho chiến trường Pakistan, được cho là nơi những chiến binh Taliban và lực lượng al- Qaeda ẩn náu.

Ông Obama từng có những tuyên bố cảnh báo giới chức Pakistan rằng, nếu họ không động chân động tay với phiến quân thì quân đội Mỹ sẽ làm điều đó. Giảm hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đồng nghĩa với tăng sức ép lên Pakistan.Tất nhiên Pakistan chẳng lấy gì làm vui vẻ với sự thay đổi này vì có nguy cơ hứng chịu thêm những cuộc đột kích mới của đặc nhiệm Mỹ.

Nhưng dù gì thì việc rút quân của ông Obama sẽ ít vấp phải phản đối từ các đối thủ của đảng Cộng hòa đối lập: Công chúng Mỹ và những người đại diện chính trị không còn đủ kiên nhẫn đối với những kế hoạch quân sự đòi hỏi triển khai một lượng lớn binh lực mà không có thời hạn. Chắc chắn nước Mỹ sẽ phải tiến đến những cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG