Nửa thế kỷ của 'Bài Thánh ca buồn'

TPO - Tháng 10/1972, lần đầu tiên người yêu nhạc Việt biết đến Bài Thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Dù có tên gọi là Thánh ca nhưng bài hát này viết về một mối tình buồn và là một trong những ca khúc được yêu thích nhất không chỉ trong mùa Giáng sinh.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam và sinh sống tại TP Đà Lạt. Có năng khiếu về âm nhạc, Nguyễn Tuấn Khanh được gia đình cho học nhạc từ thuở nhỏ và chơi được nhiều loại nhạc cụ như guitar, harmonica, piano... Ông tham gia Ban Thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt và giành giải Nhất đơn ca thiếu nhi của Đài khi mới tròn 12 tuổi.

Nguyễn Tuấn Khanh đã quyết định ký tên Nguyễn Vũ khi bước vào con đường sáng tác vì một lẽ rất giản đơn là thời điểm ấy, trên bầu trời âm nhạc đã có một ngôi sao Tuấn Khanh sáng chói với hàng loạt ca khúc rất nổi tiếng như Hoa xoan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng, Mùa Xuân đầu tiên, Quán nửa khuya, Lời tạ tình

Nửa thế kỷ của 'Bài Thánh ca buồn' ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ

Kể về ca khúc Bài Thánh ca buồn, Nguyễn Vũ chia sẻ, khi còn sinh sống ở TP Đà Lạt, ông đã đem lòng yêu mến một cô gái lớn tuổi hơn ông. Đó là mối tình âm thầm, đơn phương của một cậu bé còn đang ở độ tuổi lớn, chỉ biết đứng từ xa thổn thức con tim.

“Thuở ấy, tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở Nhà thờ Con Gà ở trung tâm TP Đà Lạt. Tôi siêng đi lễ vì phát hiện có cô gái rất xinh và ngoan đạo, mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm, bềnh bồng trong gió cao nguyên. Rồi một lần tan lễ, trời mưa, tôi và cô ấy tình cờ trú mưa dưới một hiên nhà. Tôi cũng không đủ can đảm làm quen, chỉ lặng đứng nhìn cô ấy. Và từ nhà ai đó, ca khúc Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vọng đến và cô ấy lẩm nhẩm hát theo. Hình ảnh đó mãi gây cảm xúc trong tôi"- nhạc sĩ Nguyễn Vũ tâm sự.

Nửa thế kỷ của 'Bài Thánh ca buồn' ảnh 2

Ký âm "Bài Thánh ca buồn".

Năm 1972, khi đã thành danh, trong một lần đi ngang nhà thờ, cảm xúc vụng dại năm xưa chợt ùa về, nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã viết một mạch ca khúc Bài Thánh ca buồn. Bài hát đã được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền dành cho giọng ca trẻ Thái Châu thể hiện và được phát hành trong tuyển tập Sơn Ca 3. Rất nhanh chóng, Bài Thánh ca buồn đã trở thành ca khúc ăn khách nhất của mùa Giáng sinh năm 1972 và góp phần đưa tên tuổi ca sĩ Thái Châu tỏa sáng. Không dừng lại ở đó, Bài Thánh ca buồn còn là một trong những ca khúc quen thuộc, được yêu thích không chỉ trong mùa Giáng sinh.

Nguyễn Vũ là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Ông có nhiều ca khúc đi vào lòng người như Huyền thoại chiều mưa, Lời cuối cho em, Thoáng giấc mơ qua. Tâm sự loài chim biển, Ga chiều phố nhỏ, Bài cuối cho người tình, Mùa đông về chưa em, Người về từ biên giới, Tà áo trong mưa…

Nguyễn Vũ kể, ông cũng không ngờ đứa con tinh thần của mình trở thành một trong những ca khúc kinh điển dành cho các mùa Noel của người Việt, được nhiều người nghe, được nhiều ca sĩ chọn để thể hiện. Điều đó làm ông vui, nhưng đôi lần cũng khiến ông chạnh lòng bởi nhiều ca sĩ không thuộc ca từ và hát sai lời như “Rồi những đêm thế trần đón Noel” thành “Rồi những đêm Thánh đường đón Noel” hay “Rồi một chiều áo trắng thay màu” thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”... đã làm mất đi nhiều ý nghĩa của ca khúc.

Thế trần đón Noel vì mùa Giáng sinh không chỉ dành cho người Công giáo mà còn dành cho mọi người. Còn Áo trắng thay màu là cô gái đã thay màu áo ngây thơ học trò thành màu áo cưới”- nhạc sĩ Nguyễn Vũ giải thích.

Nửa thế kỷ của 'Bài Thánh ca buồn' ảnh 3

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cùng ca sĩ Thái Châu.

Vốn là một người hiền lành, nhạc sĩ Nguyễn Vũ chỉ bộc bạch, giải thích cho số ít người chứ không muốn làm mọi chuyện ầm ĩ.

Giờ đây, sắp bước sang tuổi 80, nhạc sĩ vẫn mở lớp dạy nhạc cho các bạn trẻ muốn theo nghiệp sáng tác. Và, ông còn có thói quen khác là thường lui tới những quán cà phê nhạc của bạn bè, ngồi nghe các ca sĩ trẻ thể hiện những ca khúc ngày xưa. Khi biết ông là chủ nhân của Bài Thánh ca buồn, nhiều người đã thể hiện lại ca khúc này cho ông nghe. Nguyễn Vũ lắng nghe rồi ông bắt tay, cám ơn người hát. Theo ông, hạnh phúc lớn nhất của người nhạc sĩ là những ca khúc của mình sáng tác được người nghe yêu mến, được nhiều thế hệ cùng hát. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những tâm sự của ông vẫn được người nghe chia sẻ, đồng cảm. Đó là niềm vui rất riêng của ông.

Tin liên quan