Nữ xế Lalamove sáng chăm trẻ, chiều 'chăm' hàng hóa đi vạn dặm

Dù có lần bị từ chối, thậm chí bị hủy đơn chỉ vì là tay lái nữ, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh vẫn luôn tìm được niềm vui trong công việc vận chuyển hàng bên cạnh nghề nuôi dưỡng “búp măng non”.
Nữ xế Lalamove sáng chăm trẻ, chiều 'chăm' hàng hóa đi vạn dặm ảnh 1

Nữ xế Lalamove Nguyễn Thị Tuyết Trinh, một “tay lái thép” nổi danh trong cánh tài xế nữ. Ảnh: Nhật Thịnh

Tài xế nữ, tương tự y tá nam, là một công việc tuy nghiêm túc và chính đáng nhưng lại gặp không ít định kiến giới từ xã hội, nhất là ở lĩnh vực vận tải hàng hóa. Có người cho rằng chị em không đủ sức khiêng hàng, có người lại ngại họ... không rành đường. Nhưng chị Tuyết Trinh, 40 tuổi, đã chứng minh điều ngược lại khi vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ trong công việc hằng ngày, khiến nhiều khách hàng tin tưởng và an tâm giao phó.

Là mẹ, là cô, là bác tài

Chúng tôi gặp chị Trinh ở một ngôi trường mầm non khang trang, tràn đầy sắc màu trên đường Trần Não, Q.2, TP.HCM. Đây cũng là nơi chị đã gắn bó suốt nhiều năm với công việc cấp dưỡng, tức chăm lo mọi bữa ăn cho từng trẻ suốt những ngày các con học trên trường. Đến chiều sau khi tan làm, chị lại mở một ứng dụng chuyên giao hàng theo yêu cầu tên Lalamove để bắt đầu chạy đơn tới tối.

“Ngày nào cũng vậy, tôi phải có mặt trên trường từ 5 giờ sáng, làm tới 15 giờ lại đi giao hàng để tranh thủ kiếm thêm, tới khoảng 20 - 22 giờ mới về nhà. Thứ 7, chủ nhật trường học nghỉ thì tôi chạy xe cả ngày. Nhà tôi có 2 bé, đứa lớp 3, đứa lớp 7 nên cũng cố kiếm tiền lo cho tụi nhỏ ăn học. Ngoài tôi thì ông xã cũng đang chạy taxi”, chị Trinh kể trong căn chòi nhỏ vang lộp độp tiếng mưa rơi.

Nữ tài xế cho biết, sau khi thi lấy bằng lái và mua xe hồi tháng 6, chị chờ mấy tuần đăng kiểm xong là chạy giao hàng ngay. Việc chọn Lalamove, nền tảng giao hàng siêu tốc đến từ Hongkong, hiện đang hoạt động tại 12 thị trường trên thế giới, cũng vì nhiều nguyên nhân: do bạn bè giới thiệu, nền tảng cho phép tự chọn đơn và thời gian giao hàng cũng linh hoạt, thuận tiện với lịch trình cá nhân.

Nữ xế Lalamove sáng chăm trẻ, chiều 'chăm' hàng hóa đi vạn dặm ảnh 2

Mỗi ngày, chị Tuyết Trinh có thể kiếm được từ vài trăm đến hơn triệu đồng, song song với công việc thường ngày trên trường mầm non. Ảnh: Nhật Thịnh

Hiện tại, khi đã quen với công việc là đối tác tài xế Lalamove, nữ tài xế cho biết chị có thể chạy được 3 đơn vào ngày thường với khoảng 5 tiếng làm việc và 7 - 8 đơn vào cuối tuần. Ngoài thu nhập từ đơn hàng, thỉnh thoảng chị còn được khách hàng bo thêm, thu nhập cũng nhờ đó mà tăng lên.

Song, chị Trinh thủ thỉ để trang trải cho mẹ, em út và con cái, chị cũng phải kiêm nhiệm thêm “đủ thứ công việc khác”, bởi chỉ dựa vào lương hợp đồng làm cấp dưỡng cùng thu nhập thêm từ việc chạy đơn hàng là chưa đủ. “Tôi cũng hay đi giúp việc nhà cho người ta, tất cả đều là mối quen, do họ thấy mình cũng nhanh lẹ và kỹ tính. Nói chung còn sức khỏe là còn làm”, chị trải lòng.

Chưa từng tủi thân khi bị phân biệt đối xử

Chị Trinh kể, điều chị thường gặp nhất mỗi khi nhận đơn là câu nói: “Tài xế là nữ hả?” của khách hàng. “Nhiều người sợ tôi khuân vác không nổi, hay sợ tôi không rành đường làm trễ nải công việc của người ta nên họ từ chối luôn. Có lần tôi đến tận nơi rồi, bà chủ ra thấy mình là nữ là họ hủy đơn liền ngay trước mặt mình dù tôi khẳng định mình cũng khiêng nổi chứ đâu có ốm yếu gì”, chị Trinh nhớ lại.

Nữ xế Lalamove sáng chăm trẻ, chiều 'chăm' hàng hóa đi vạn dặm ảnh 3

Công việc tuy nhiều lúc khó khăn, nhưng chị Tuyết Trinh nói mình “được nhiều hơn mất”, không chỉ là tiền bạc mà còn là sự quan tâm, hỗ trợ từ khách hàng. Ảnh: Nhật Thịnh

“Những lúc đó tôi cũng không bực bội hay tủi thân gì hết, chỉ tự nhủ mình đang làm hết sức để lo cho gia đình. Nếu khách tự hủy đơn thì có đơn khác nổ tiếp liền. Nhiều khách cũng rất dễ thương, họ bo thêm cho tôi nhiều lắm, còn nhờ chở những chuyến sau nữa”, chị Trinh cười nói, cho biết thêm chị cũng luôn phụ khách nữ khiêng hàng.

Do bộn bề công việc, chị Trinh kể phải giao cháu cho bà ngoại chăm sóc. Nhưng không vì thế mà chị lơ là con, bởi hai vợ chồng luôn đưa con đi học mỗi sáng và hỏi thăm con mỗi khi về nhà. “Mấy bé cũng ngoan và nghe lời bố mẹ. Tôi từng cho con đi theo chuyến hàng của mình để có thêm thời gian ở bên con”, chị Trinh kể.

Câu chuyện của chị Trinh là một trong vô vàn mảnh ghép sắc màu làm nên “bức tranh” Lalamove trải dài khắp tỉnh, thành. Nơi đây, “một nửa thế giới”, từ những sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, đến người nội trợ khéo léo vun vén cho gia đình và cả bậc cao niên đều có thể tìm thấy cơ hội gia tăng thu nhập vào thời gian rảnh rỗi. Lalamove không chỉ đơn thuần là một nền tảng công nghệ, mà còn là cầu nối, là “bạn đồng hành” chắp cánh cho những ước mơ và khát vọng vươn lên của phái nữ.

“Lời khuyên của tôi dành cho các tài xế nữ mới vào nghề là nên chọn đơn gần, đừng đi xa mắc công chưa rành đường. Chị em cũng nên hạn chế chọn những đơn có nhiều xuyệt quá và những đơn yêu cầu mình vào khuân vác đồ đạc lên. Là phái nữ, sức khỏe không được như tài xế nam nên phải biết tự lượng sức mình. Gặp chuyện bất bình, chị em cũng đừng nóng giận mà cứ báo cáo lại với hãng để người ta giải quyết”, chị Trinh chia sẻ.

Lúc chúng tôi kết thúc cuộc phỏng vấn, may mắn thay, cơn mưa tầm tã bất chợt của Sài Gòn cũng kịp ngừng lại, nhường chỗ cho cái nắng ấm chiều chủ nhật. Chị Trinh, vì thế, cũng tranh thủ sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị đi chuyến hàng cuối cùng trong tuần xuống Củ Chi. “Chúc cho chị em mình có nhiều đơn, kiếm nhiều tiền để lo cho cuộc sống gia đình mình”, chị Trinh nhắn nhủ đến các đối tác tài xế nữ Lalamove khác nhân ngày phụ nữ Việt Nam sắp tới.

MỚI - NÓNG