Nữ thủ lĩnh ‘cho’ ít ỏi, ‘nhận’ vô giá

Nữ thủ lĩnh ‘cho’ ít ỏi, ‘nhận’ vô giá
Tròn 20 tuổi, sau khi chứng kiến nỗi vất vả của nhiều trẻ em nghèo, cô sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội II Nguyễn Thị Ngọc Nhung khao khát thành lập một CLB tình nguyện.

“Rẽ ngang” vì mê tình nguyện

Nhung kể: Khi còn là học sinh phổ thông, em thích học khối A và theo đuổi Học viện Kỹ thuật quân sự, phù hợp với tính cách mạnh mẽ của bản thân. Nhưng nghe theo lời khuyên của gia đình, em nộp thêm hồ sơ vào trường ĐHSP Hà Nội II.

Nhung chỉ đỗ hệ CĐ của Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng lại đỗ vào hệ ĐH của trường ĐHSP Hà Nội II nên quyết định tạm rẽ ngang với dự tính thi lại vào năm tiếp theo. Mặc dù gia đình có nhiều người nhiều đời theo nghề giáo, nhưng với cô gái nghề giáo chưa từng hiện diện trong suy nghĩ.

Tuy thế, khi vào học tại trường, được làm lớp trưởng, được theo các thầy, các anh chị khóa trước tham gia công tác Đoàn, Nhung đã dần yêu thích công việc này, tìm thấy một niềm yêu thích khác.

Từ đó Nhung nhiều lần phải trăn trở: hoặc bỏ công tác Đoàn để tập trung ôn thi lại, hoặc tiếp tục học ở đây để làm công việc mình tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Quyết định cuối cùng của Nhung là... ở lại.

Khi được hỏi về hoạt động Đoàn, hoạt động tình nguyện, ánh mắt cô giáo tương lai rực sáng: “Năm thứ nhất ĐH, em vui vô cùng khi lần đầu tiên được mặc chiếc áo xanh tình nguyện. Nhờ có những chuyến đi tình nguyện em thấy mình muốn làm cô giáo như thế nào, muốn đi tình nguyện biết nhường nào. Em muốn được mang những gì mình biết đi dạy cho các em nhỏ nghèo không có điều kiện như mình”.

Trước sự đam mê của Nhung, cha mẹ lo em mất quá nhiều tâm sức, rồi chểnh mảng học hành. Áp lực từ phụ huynh khiến Nhung phải cố gắng gấp đôi, làm sao không bỏ lỡ hoạt động nào nhưng kết quả học tập vẫn phải thật tốt.

“Em xin nhận làm đề tài nghiên cứu khoa học từ năm thứ 2 ĐH. Hoạt động tình nguyện và học quá nhiều, khiến đôi lúc em thật sự muốn bỏ lại và dừng bước. Nhưng nụ cười của những em nhỏ, niềm vui của những người được mình giúp đỡ đã giúp em lấy lại được cân bằng” - Nhung tâm sự.

Thực hiện ước mơ thủ lĩnh tình nguyện

Khi được giao nhiệm vụ thu mẫu làm đề tài ở Ngọc Thanh (Vĩnh Phúc), Nhung đã biết tới những nơi rất gần mình sống nhưng còn quá khó khăn mà trước đây cô không hề biết.

Nhung tận mắt thấy các em nhỏ trong thời tiết lạnh thấu xương của mùa đông chỉ khoác độn những tấm áo mỏng để tới trường, chân không tất. Có em lấm lem vì bùn đất.

Rớt nước mắt, Nhung khao khát mang tới điều gì đó đến với các em nhỏ này. Duyên đi làm tình nguyện chính thức từ đây.

Nhung kể: Em ao ước mình sẽ là người tổ chức chương trình đi giúp đỡ các em nhỏ khó khăn. Em muốn xây dựng một CLB tình nguyện trong trường ĐHSP Hà Nội II.

Nhờ sự giúp đỡ và ủng của thầy cô, anh chị, các bạn trong trường, em đã thành lập được CLB Tình nguyện xanh vào đầu năm thứ 3 thu hút sự tham gia của 150 sinh viên ưu tú, có cùng đam mê.

Vì là sinh viên, nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng em không tổ chức được nhiều chương trình lớn nhưng đã hoàn thành được không ít chương trình.

Có vẻ em quá tham lam, quá nhiều dự định. Nhiều người rất ủng hộ, nhưng cũng có người cho rằng em mơ mộng hão huyền, dù gì cũng chỉ là một cô sinh viên hơn 20 tuổi, không thể đủ sức lực, khả năng làm những điều đó.

Có người từng nói với em là con gái thì sống đơn giản thôi, làm ít thôi, làm nhiều vất vả, có khi mang họa vào thân. Nhưng em nghĩ, em còn tuổi trẻ và không muốn phí hoài nó.

Mẹ em từng bảo, khi đi làm tình nguyện, mình làm gì hay muốn làm gì thì cứ âm thầm làm, đừng phô trương quá, cứ làm nhỏ thôi, từng ít một sẽ được.

Em thấy mẹ dạy rất đúng, đi làm tình nguyện hay những hoạt động đoàn khác là bằng tâm huyết, không cứ phải có tiền mới đi làm tình nguyện được. Mình có sức thì sẽ dùng sức.

Hơn nữa, đi làm tình nguyện là cho đi ít ỏi nhưng nhận được vô giá. Như lần chúng em làm tình nguyện ở Simacai (Lào Cai). Nhìn chuyến tàu chở gần 500 bộ quần áo ấm em thấy ngập tràn hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà không gì so sánh được.

“Những gì em nhận được sau các chuyến tình nguyện là tình cảm của mọi người, sự tin tưởng của mọi người dành cho em, là những nụ cười hạnh phúc rạng rỡ. Đó là món quà vô hình nhưng vô giá mà em đã nhận được.

Cuộc sống đúng là không chỉ có nhận lại mà còn biết cho đi. Đừng đong đếm những gì chúng ta cho đi vì nó sẽ không bao giờ bằng được những gì ta nhận lại được” – Nữ thủ lĩnh tình nguyện gửi gắm.

Theo Theo Giáo dục thời đại
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.