Vũ Thu Thảo vượt qua bệnh u não để trở thành thủ khoa khối C với số điểm cao nhất cả nước . Ảnh: Minh Đức |
Clip : Thăm nhà nữ thủ khoa khối C
Đi phụ hồ, bán gà, thóc chữa bệnh cho con
Ông Vũ Văn Thơi, bố của nữ thủ khoa Vũ Thu Thảo, dáng nhỏ bé, nước da sạm màu, trông già hơn nhiều so với tuổi ngoài 40. Nhà ông Thơi ở vùng trũng nhất của huyện Vũ Thư nên được gọi là đồng Ruốm (trũng). Quanh năm cày cấy hơn một mẫu ruộng bán mặt cho đất bán lưng cho giời, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ông Thơi nói rằng, thời điểm kinh hoàng nhất trong đời ông là khi đang làm ngoài đồng thì nhận tin báo Thảo vật vã ở nhà với cơn đau đầu. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông bỏ dở luống cày, lao về nhà lập tức đưa con nhập viện.
Trong trí nhớ của ông Thơi, ngày đưa Thảo lên Hà Nội mổ u, trời mưa tầm tã... Cả Bệnh viện Việt Đức hôm ấy không còn một giường bệnh trống: "Tôi lúc đó hoang mang lắm, không biết đưa con đi đâu vì bác sĩ dặn bất kỳ khi nào cháu có biểu hiện bất thường là phải đưa vào phòng cấp cứu ngay".
Lần đó, bác sỹ kết luận, Thảo chỉ bị rối loạn tuần hoàn não. Sau 1 tuần cho Thảo nằm viện, ông Thơi đưa con về. Ở nhà vỏn vẹn 2 ngày, đầu Thảo lại đau dữ dội, mắt lồi ra và kéo lệch sang một bên: "Tôi lại đưa con nhập viện. Hết khoa Thần kinh đẩy sang khoa Mắt, khoa Mắt lại đẩy về khoa Thần kinh. Mãi sau mới kết luận cháu bị u não. Tôi chân tay run bắn, người toát hết mồ hôi"- Ông Thơi kể. Trong mấy tháng mà hai bố con đi bệnh viện 3 đợt, mỗi đợt trên dưới chục ngày.
Vũ Thu Thảo (1992), HS Trường PTTH Chuyên Thái Bình. Thủ khoa trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 27,5 điểm (thủ khoa khối C cả nước). Giải nhất học sinh giỏi (HSG) môn Lịch sử tỉnh Thái Bình 2006-2007. Giải nhất môn Lịch sử học sinh giỏi THPT chuyên Duyên hải Bắc Bộ 2008-2009. Giải nhì Lịch sử học sinh giỏi quốc gia THPT 2009-2010. |
Ông Thơi nhớ nhất ngày bác sĩ nói phải cắt trọc đầu cho con để mổ, Thảo cứ hỏi đi hỏi lại: "Làm sao con phải cắt tóc, sao con phải mổ?". "Lúc đó thực sự tôi không biết trả lời con thế nào".
Để Thảo yên tâm lên Bệnh viện Việt Đức mổ, ông Thơi an ủi con và giấu bặt con bị u não. Ngày Thảo lên Hà Nội mổ, ông cầm tay con thật chặt thì thào: "Con chỉ bị một cục nhỏ ở dây thần kinh, bác sĩ mổ là con sẽ khỏi thôi".
Ngày Thảo mổ, mẹ em nước mắt lưng tròng vì phải ở nhà chạy vạy lo tiền, còn ông Thơi cùng một đống chậu, phích nước, bọc quần áo đợi dưới gốc cây trong bệnh viện: "Bác sĩ hẹn 9giờ, 10giờ là mổ xong vậy mà hơn 1giờ đêm, vẫn chưa thấy con được ra. Tôi lo lắng, sốt ruột đến phát khóc. Không chịu được, vứt tất cả đồ ở ngoài rồi xông vào tìm con. Cứ ai đầu trọc là vào xem phải con mình không. Cũng may lúc 2giờ30 sáng, Thảo được đưa ra, tôi mới nhẹ nhõm được phần nào".
Thảo lâm bệnh, gia đình khó khăn, phải chạy vạy trăm bề. Bán hơn 2 tấn thóc, 10 con gà, tất cả ky cóp được 10 triệu đồng cộng với 50 triệu đồng vay anh chị em, hàng xóm, ông Thơi cầm tiền lên đóng cho Thảo mổ.
Ngày ba tháng tám, ông lại lên huyện làm phụ hồ với mức công 60.000 đồng/ ngày để lấy tiền cho Thảo nhập học. Ông nói: "Con sắp nhập học, chưa có đồng nào trong tay thấy mà lo. Số tiền cho con đi mổ tôi vẫn còn nợ 25 triệu chưa trả hết. Nhưng tính sao được hết, cứ phải cố cho con đi học cái đã! Đời mình đã khổ vì không được học hành. Phải cố để con đi học thay mình thực hiện những ước mơ dang dở".
Không tuyệt vọng!
Nhìn gương mặt bầu bĩnh, nụ cười luôn thường trực trên môi, mái tóc ngắn mới mọc sau ca mổ u não, ít ai biết Thảo đã vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không thể.
Đầu năm ngoái, ông nội mất, mẹ Thảo bị gãy chân khi đi làm ruộng, đến tháng 5 thì Thảo bị u não. “Lúc đó em chỉ mong hết bệnh để quay lại trường. Em tự nhủ lòng mình không được tuyệt vọng, không được buông xuôi", Thảo tâm sự.
Bố mẹ Thảo giấu không cho em biết bệnh tình; Thảo vẫn tin mình bị rối loạn tuần hoàn não: "Hằng ngày chứng kiến những ca mổ để lại di chứng, em sợ mình cũng bị như thế, một ngày nào đó mình không tỉnh dậy thì sao. Và có lúc em đã nghĩ đến cái chết", Thảo nói.
Hai lần nhập viện ở tỉnh nhà, Thảo khóc như mưa. "Em biết mình bị u não thì thấy sợ, nhiều lúc khóc một mình. Nhưng nghĩ lại, nếu em cứ lo, cứ tuyệt vọng, lo lắng thì tự em sẽ giết chết chính mình. Em lại hy vọng, tự nhủ còn tương lai ở phía trước, em còn nhiều điều muốn làm quá".
Ngày vào phòng mổ, Thảo mang theo một niềm tin bất diệt như câu nói Thảo ghi ở góc học tập: "Hãy đương đầu với những vận đen bằng lòng dũng cảm lớn lao nhất" và một ý chí kiên định qua những vần thơ Thảo rất thích: Khi của cải mất, chẳng có gì mất cả/Khi sức khỏe mất là mất một vài thứ /Khi ý chí mất thì chẳng còn gì nữa.
Thảo từng khóc nhưng khóc không phải vì đau mà bởi tiếc những ngày không được đến lớp. Dù đi khám, hay lên Bệnh viện Việt - Đức mổ, Thảo luôn mang theo hai quyển sách để học. Dù vừa qua cơn bạo bệnh phải nghỉ ngơi một năm theo lời bác sĩ, nhưng sau ca mổ, Thảo lại đạp xe gần 12km đến trường.
"Ngày nằm trên giường bệnh, mình nhận ra cuộc sống ý nghĩa hơn. Còn sống thì còn có ý nghĩa nên em phải thực hiện ước mơ học đại học của mình". Nhiều lúc ngại vì tóc mình trọc cả rồi nhưng em vẫn vui vì được kịp ôn kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Sử, vẫn được ôn thi đại học để sau này làm cô giáo.
Bữa cơm thường ngày của gia đình Vũ Thu Thảo. |
Những khi học cả ngày trên trường, Thảo mang theo cơm hộp, chỉ có cơm và rau, hiếm khi có thức ăn "Dù bố mẹ không nói nhưng cứ hết mùa vụ, thóc chưa khô bố mẹ em đã lo bán đi trả nợ, em biết nên càng tiết kiệm hơn", Thảo nói.
Bí quyết học: Đọc nhiều và đam mê
Thảo không có nhiều thời gian ôn thi. Sắp đến ngày thi, mẹ bị gãy chân, công việc ruộng vườn trông cả vào bố. 12 năm, Thảo luôn là học sinh giỏi. Bí quyết học các môn khối C của Thảo thật đơn giản: Viết ra giấy, gạch đầu dòng các ý, viết ra nháp theo hệ thống ý hoàn chỉnh, làm thật nhiều bài, đọc thật nhiều sách, và thực sự đam mê.
Thảo đảm nhiệm việc chăn nuôi. |
Thương bố mẹ, Thảo không đi học thêm môn Địa và môn Sử một ngày nào, chỉ mất đúng một tháng ôn môn Văn tốn 210 nghìn đồng, nhưng kết quả tuyệt vời: Môn Sử đạt 9,75 điểm, môn Địa đạt 9,25 điểm và môn Văn đạt 8,5 điểm. "Em chỉ mượn các bạn bản phô tô rồi về học, cố ghi chép cẩn thận, học thật chăm"- Thảo cho biết.
Ham đọc sách, nhất là sách về lịch sử nên bàn học của Thảo đầy sách tham khảo, nhưng nhiều quyển ở dạng phô tô. "Những cuốn sách Sử em luôn gối đầu giường, lúc nào thích đọc là có thể đọc được luôn".
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc trực tiếp tới địa chỉ: Ông Vũ Văn Thơi, xóm 5, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, số điện thoại: 0363 633 565. |