Nhà tân thủ khoa Thân Thị Thư nằm sâu trong con hẻm 189 Trần Cao Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng). Nhà cấp 4, chỉ có chiếc ti vi nhỏ, 2 xe đạp và chiếc xích lô cũ kỹ.
Ngày nào cũng thế, ông Thân Trọng Luận (45 tuổi, bố Thư) gầy gò, thỉnh thoảng biểu hiện khác thường do mắc bệnh về thần kinh vẫn kiên nhẫn đạp xích lô ra ngã tư Thái Thị Bôi – Lê Độ chờ khách.
“Tôi chủ yếu chạy hàng, chở vật liệu xây dựng, còn khách du lịch giờ họ đi taxi, xe ôm hết”, ông Luận bảo.
Từng làm nghề xe kéo, hơn chục năm nay ông Luận chuyển sang chạy xích lô. Tuổi khá cao, sức mỏi nhiều lúc muốn nghỉ, nhưng đành phải bám nghề. Ngày may lắm ông Luận kiếm được trên 100.000 đồng.
Bà Trần Thị Kim Loan, mẹ của Thư vừa phụ việc cho nhà một người dân, tranh thủ nửa buổi chiều phụ bán cháo vịt, bún cho một quán ở đường Đống Đa.
Quần quật cả ngày nhưng cả nhà chưa thoát khỏi cái nghèo. Hai chị đầu và em trai của Thư phải nghỉ học giữa chừng vì gia cảnh khó khăn.
“Thư nhiều lúc cũng đòi nghỉ học ở nhà giúp mẹ kiếm sống, phải động viên mãi nó mới nghe”, bà Loan nói.
Cả 3 kỳ nghỉ hè trong nhưng năm học cấp 3, cô nữ sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tranh thủ xin bán cà phê cho người quen trên đường Nguyễn Tất Thành. Mỗi tháng kiếm được 600-700 ngàn đồng, đủ mua sắm sách vở và trang trải học phí đầu năm.
Khó khăn, nhưng Thư luôn học khá, hai năm liền đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Văn, Sử. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, Thư đạt 24 điểm, đỗ thủ khoa khối C (ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Thi ĐH xong, Thư vẫn tiếp tục phụ bán cà phê. Tân thủ khoa mơ trở thành cô giáo dạy Văn.
Trường có gần 10 thủ khoa, á khoa Đến nay, Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) có gần 10 thủ khoa, á khoa vào các trường ĐH ở Đà Nẵng, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Theo thầy Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường, Thư là một trong số học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất và là tấm gương tiêu biểu vượt khó, học giỏi. |