> Cô gái Việt & 'con đường vàng'
> Cô gái thích đánh cược với trường top
Hoàng Linh và Quỳnh Chi nhận giải tại ĐH Harvard. . |
Sự đồng cảm và những dự án cho người nghèo
Trở về sau chiến thắng lớn tại cuộc thi CDIO Academy thế giới 2013, Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và Võ Trương Hoàng Linh càng được người dân Quảng Nam yêu quý. Bởi sản phẩm lọc nước sạch mà hai cô bạn ấp ủ cho người dân quê đất Quảng đã được hội đồng của ĐH hàng đầu thế giới vinh danh.
Ý tưởng nung nấu cho sản phẩm lọc nước sạch xuất phát từ sự đồng cảm với người dân quê Quảng Nam quanh năm không được dùng nước sạch.
Ở vùng quê núi đá huyện Tiên Phước thiên tai, khắc nghiệt đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt vùng miền Trung hay có bão lũ, nước thường bị ô nhiễm nặng nề, nước sạch vẫn là một thứ rất xa xỉ chỉ thấy trên tivi. Những người nông dân nghèo không có tiền để mua các loại thiết bị lọc nước hiện đại, họ phải dùng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Sống trong hoàn cảnh ấy lại sẵn có xung quanh, Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đã quyết tâm tìm và đưa nước sạch về cho người dân quê mình và đôi bạn đã rinh về chiếc cup vô địch cho sản phẩm lọc nước sạch tự chế.
Quỳnh Nhi một trong hai nhân vật đem về giải thưởng danh giá.
Khiêm tốn, rụt rè là những điều dễ nhận thấy ở cô nữ sinh Khoa Môi trường này. Nhi còn tự nhận mình sống giống... người cao tuổi. Vì “Hầu hết thời gian Nhi chỉ dành cho học tập và làm thêm để có tiền phụ đỡ ba mẹ, chứ Nhi không thích đi chơi hay tám chuyện tào lao. Nên Nhi thấy mình giống mấy cụ già cao tuổi lắm” - cô bạn dí dỏm nói.
Nhi cũng nhận mình được hưởng tính đảm đang, chịu thương chịu khó từ mẹ nhưng ba là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời Nhi. “Ba mình là người có suy nghĩ rất sâu sắc và đặc biệt rất thương những người nghèo khổ. Ông làm công việc liên quan đến chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nên Nhi cũng rất đồng cảm, thương và trân trọng những người nghèo khổ” – Nhi tâm sự.
Chính vì vậy, cô bạn này đã có rất nhiều dự án, sản phẩm dành cho những con người có hoàn cảnh đặc biệt ấy. Đó là những dự án Dự án kinh tế cộng đồng hướng về đối tượng đặc biệt là phụ nữ nghèo lao động trên bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng. Dự án CDIO lại hướng đến người nông dân nghèo. “Nhi nghĩ đấy là những đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn” – Nhi bộc bạch.
Cô bạn răng khểnh Quỳnh Nhi giới thiệu chiếc chậu lọc nước sạch tự chế. . |
Quá bất ngờ với giải thưởng của ĐH Harvard
Chia sẻ về giải thưởng mà Nhi và Linh vừa nhận được cô bạn không khỏi phấn khích nói: “Hai đứa mình hoàn toàn không nghĩ rằng dự án của đội lại có được vinh dự ấy. Bước chân lên bục nhận giải đó là lúc mình cảm nhận được cảm giác hãnh diện khi là sinh viên Việt Nam”.
Dự án Low cost_ DIY Water Filtering System (sản phẩm lọc nước sạch tự chế) được xướng danh 2 lần trong lễ trao giải và đặc biệt giành được chiếc Cúp Winner danh giá nhất cuộc thi CDIO Academy 2013 đó thực sự là một vinh dự và niềm tự hào vô cùng lớn đối với hai cô gái 9X.
Nhi và Linh giới thiệu sản phẩm tới các vị khách quốc tế. . |
Đây là sản phẩm lọc nước rất gần gũi và thực tiễn với người nông dân Việt Nam, nó có hình dạng giống như một chậu gốm hoặc lọ trồng hoa và có thể lọc được từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi giờ. Giá thành rất rẻ bởi được làm chủ yếu từ đất sét, đá ong, vỏ trấu.
Hai cô gái Hoàng Linh và Quỳnh Chi mang tà áo dài Việt Nam đến ĐH Harvard. . |
Nhưng để làm ra thành quả ấy, hai cô bạn đã phải trải qua hơn 1 năm mày mò từ bước hình thành ý tưởng, đến thiết kế, sau đó là thực hiện và áp dụng trong thực tiễn. Nhi và Linh đã bỏ ra không biết bao nhiêu ngày giã vỏ trấu, lấy đất sét và nặn ra sản phẩm gốm mà không dùng bàn xoay trong điều kiện thời tiết vô cùng nắng nóng ở quê.
“Đá ong và vỏ trấu phải giã bằng tay vì nếu xay bằng máy thì kích thước không đem lại tính hiệu quả cho việc lọc. Sức con gái bọn Nhi và Linh thì yếu nên cũng hơi vất vả, thường bị phồng rộp hết cả tay. Buổi nào làm về người hai đứa cũng đen thui, lem luốc vì đất sét” – Quỳnh Nhi chia sẻ.
Với chiếc chậu lọc nước đơn giản mà thiết thực này, hai cô bạn đã đem đi giới thiệu cho bà con Quảng Nam dùng thử. Điều đặc biệt là nhiều người dân ở đây biết làm gốm nên khi có hướng dẫn họ làm khá tốt. Sản phẩm ít bị nứt, và khá mịn màng, đều đặn.
Khi được hỏi cô bạn có mong muốn phát triển ý tưởng này một cách rộng rãi để trở thành một bà chủ hay không? Nhi thỏ thẻ: “Mình chưa bao giờ có ý định đó đâu. Mình chỉ mong ý tưởng của nhóm được thực hiện và áp dụng rộng rãi trong thực tế, với quy mô lớn hơn, giá thành giảm xuống thấp nhất có thể để bất kỳ người dân nào cũng có được sản phẩm”.
Bạn bè vẫn thường hay trêu đùa Nhi là nhà quê nhưng cô bạn vẫn rất tự hào về điều đó. Nhi cũng mang nét bình dị mộc mạc của người dân quê sang nước Mỹ để nhận giải thưởng danh giá kia.
Theo Đất Việt