Nữ sinh lớp chín đâm chết bạn học ra đầu thú

Nữ sinh lớp chín đâm chết bạn học ra đầu thú
TP - Ngày 31-5, Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, Lê Thị Hà Trang (SN 1997, học sinh lớp 9B, trường THCS Đồng Tâm, Mỹ Đức), người dùng dao sát hại bạn học đã được gia đình đưa ra cơ quan công an đầu thú.

> Nữ sinh lớp chín giết bạn là học sinh cá biệt

Hiện trường xảy ra vụ án
Hiện trường xảy ra vụ án.

Như Tiền Phong đưa tin, khoảng 7 giờ ngày 30-5, môt nhóm nữ sinh lớp 9A, trong đó có Phạm Thị Ngọc Ánh và Trần Thị Hoài đến trường ôn thi tốt nghiệp, gặp Lê Thị Hà Trang, học sinh lớp 9B tại chân cầu thang tầng 1, dãy nhà khối lớp 9.

Tại đây, Trang xô xát, cãi nhau với nhóm nữ sinh trên. Sau đó, Trang rút dao gọt hoa quả giấu trong cặp sách đâm vào bụng Phạm Thị Ngọc Ánh và đâm vào ngực Trần Thị Hoài, rồi bỏ trốn.

Hậu quả, Ánh tử vong trên đường đi cấp cứu. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, Trang được gia đình đưa ra cơ quan công an trình diện.

Theo Ban Giám hiệu trường THCS Đồng Tâm, tháng 8-2011, Lê Thị Hà Trang và nhóm của Trần Thị Hoài, Phạm Thị Ngọc Ánh từng xảy ra cãi, đánh nhau.

Nhà trường đã đình chỉ học tập một tháng đối với các học sinh trên, đồng thời mời cha mẹ học sinh lên làm việc, thống nhất cách giáo dục con em. Sau 2 tuần, gia đình và các em học sinh cam kết không vi phạm nữa, được nhà trường tiếp tục cho theo học.

Từ đó, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm của 2 lớp 9A và 9B vẫn tiếp tục theo dõi nhưng không thấy biểu hiện mẫu thuẫn cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra.

“Trách nhiệm không của riêng ai”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, bạo lực học đường bùng phát và ngày càng trẻ hóa có trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Nói riêng về vụ việc trên, ông Lâm cho rằng, ở lứa tuổi 14 - 15, cả tâm sinh lý của các em học sinh đều đang phát triển, chưa định hình. Ở tuổi này, có thể nảy sinh tình yêu học trò, nên việc ghen tuông là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

“Theo tâm lý học, lứa tuổi này “ăn chưa no, lo chưa tới”, suy nghĩ bồng bột, dễ bị tác động, cáu bẳn, nên việc ghen tuông, nếu không có kỹ năng kiềm chế, hiểu được giá trị nhân bản về tình yêu thương con người, dễ dẫn đến các hành động bạo lực, gây án, giết người…” - ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, vụ việc có trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Trong khi giáo dục của nhà trường còn thiếu và yếu, thì gia đình nhiều khi dạy dỗ không đúng cách, bỏ mặc con cái, còn xã hội với tính nhiều mặt của mình, phần nhiều tác động tiêu cực đến cách hành xử của các em.

Coi nhẹ dạy kỹ năng sống?

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), nạn bạo lực học đường thì trường nào cũng có. Nhưng việc nữ sinh lớp 9 lấy dao đâm bạn tử vong thì quá khủng khiếp. Việc các học sinh ngấm nguýt, ghét nhau và nói xấu nhau từng xảy ra. Nhưng rõ ràng, việc nữ sinh giết bạn chỉ vì lý do lãng xẹt thì dường như chỉ có học sinh thời nay.

“Chắc các nữ sinh phải có mâu thuẫn với nhau nhiều, tích cóp lại thì mới hành động bùng nổ như vậy. Theo tôi, nhà trường hiện nay vẫn thiên về dạy chữ hơn dạy kỹ năng sống. Việc đưa giảng dạy kỹ năng sống vào nhà trường là cần thiết nhưng học sinh đang phải học số tiết quá nặng, nếu đưa thêm môn này vào giảng dạy, học sinh sẽ quá tải” - cô Dung nhận định.

Cũng theo cô Dung, có thể đưa chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường” lồng ghép trong những giờ học đạo đức, giáo dục công dân. Tuy nhiên, môn giáo dục công dân chỉ dạy 1 tiết/ tuần như hiện nay là hơi ít.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG