Nữ sinh 'loại' 145 nam sinh trường Bách Khoa

Nữ sinh 'loại' 145 nam sinh trường Bách Khoa
Phan Bích Thảo đã “loại” 145 nam sinh trong lớp, trở thành người có điểm số cao nhất lớp Điện – Tự động hoá, không dừng lại ở đó, cô bạn tiếp tục vượt qua hàng ngàn SV khác để trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Thủ khoa kép

Phan Thị Bích Thảo sinh ngày 9/3/1990, quê ở Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình là một trong 15 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu năm 2013 của thành phố Hà Nội.

Vừa tốt nghiệp ngành Điện – Tự động hoá, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Thảo đã có việc làm ngay tại một Viện nghiên cứu phát triển công nghệ uy tín.

Cô gái vượt qua hàng ngàn nam sinh sáng láng để trở thành thủ khoa đầu ra ĐH Bách khoa HN.
Cô gái vượt qua hàng ngàn nam sinh sáng láng để trở thành thủ khoa đầu ra ĐH Bách khoa HN..

Nữ thủ lĩnh trường Bách Khoa

Học tập trong môi trường cạnh tranh cao độ, lớp học chỉ có 5 bạn nữ và có tới 145 nam sinh, Phan Thị Bích Thảo vẫn chứng tỏ được bản lĩnh đáng khâm phục của mình.

Kết thúc 5 năm học tập, Thảo được 3,66 điểm tổng kết (tương đương với 9,32 hệ điểm 10), học lực và rèn luyện loại xuất sắc. Trong suốt 10 kỳ học, chưa lần nào Bích Thảo để tuột khỏi tay danh hiệu sinh viên học tập và rèn luyện loại giỏi. Điểm trung bình các kỳ thường xuyên đạt 3,4 (theo hệ tín chỉ, 3,2/4 điểm được chấm học lực loại giỏi).

Thảo từng đoạt giải Ba cuộc thi Olympic Lý thuyết mạch cấp Viện năm 2009. Sau đó hai năm, cô bạn tiếp tục nhận giải Nhì cuộc thi Viện Điện tranh tài, tham gia Đua xe ô tô điều khiển từ xa do Viện Điện tổ chức năm 2011-2012.

Đi cùng với thành tích học tập của Bích Thảo là những đãi ngộ của nhà trường và các quỹ học bổng. Hàng năm, gia đình hầu như không phải lo chu cấp kinh tế cho Thảo vì cô bạn luôn được học bổng của trường, ngoài ra còn có học bổng của Mobifone, học bổng Hensen (Đức) luân phiên nhau hỗ trợ.

Không chỉ học giỏi, Thảo còn là một đoàn viên năng nổ tham gia hoạt động trường lớp và đoàn đội. Nhờ có nữ “thủ lĩnh” nêu gương mà phong trào học tập của lớp phát triển mạnh. Được bạn bè và thầy cô tín nhiệm, Thảo đã được bầu chọn và kết nạp Đảng viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thích được làm việc trong môi trường công nghiệp, nhiều thử thách

Nhìn bề ngoài, cô gái có nước da ngăm ngăm, trò chuyện dễ mến, không ai nghĩ con người Thảo lại ẩn chứa rất nhiều nội lực và mang tính cách mạnh mẽ. Vốn sinh ra trong một gia đình có tới 3 người làm trong ngành an ninh, gồm bố và hai anh trai, có lẽ tính cách rắn rỏi của Thảo chịu ảnh hưởng từ đó.

Nữ thủ khoa trường Bách Khoa cho biết, cô bạn không hề e ngại khi theo đuổi đam mê ngành điện – một ngành kĩ thuật khó khăn, đòi hỏi cả sự kiên trì và sức lực, thường gắn với hình ảnh của các chàng trai hơn.

Thảo nói: “Có rất nhiều người hỏi em câu hỏi vì sao lại chọn ngành này và cũng hỏi vì sao em học Bách khoa. Nhưng với em lí do rất đơn giản, vì em yêu thích ngành này. Dù con trai có nhiều lợi thế phát triển trong ngành hơn nhưng em có niềm đam mê và rất nhiều nỗ lực”.

Hiện nay, Thảo đã nhận được công việc rất phù hợp với đam mê của mình tại Viện nghiên cứu và phát triển của Viettel. Khi được hỏi rằng tại sao không chọn làm cho một cơ quan Nhà nước, với tính chất công việc ổn định, phù hợp với phụ nữ hơn, Thảo thẳng thắn trả lời rằng cô bạn thích được thử thách, làm việc trong môi trường công nghiệp có sức ép cao.

Bí quyết giữ “ngôi đầu bảng”

Là thủ khoa đại học Bách Khoa, Bích Thảo mong rằng trong tương lai, thời gian học thực nghiệm của sinh viên sẽ được kéo dài hơn nữa, để những bạn trẻ có đam mê có thể thật sự trưởng thành sau khi rời ghế nhà trường. Ngoài ra, Thảo cũng khích lệ các bạn nữ nên tự tin vào bản thân khi chọn ngành, chọn trường, điều quan trọng nhất là được sống với đam mê của mình.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Bích Thảo tiết lộ rằng cô bạn thường vạch ra bản kế hoạch hàng tuần cho việc học, việc nội trợ và chi tiêu… Nhờ vào việc lên kế hoạch chi tiết, Bích Thảo hiếm khi bị áp lực, hay rơi vào tình cảnh “ngập lụt” bài vở mùa thi.

Thảo thường chỉ học một mình, chỉ khi nào vấn đề không tự mình giải quyết được cô bạn mới tìm tới bạn bè, thầy cô để hỏi. Nhiều khi, học tập quá căng thẳng, cô bạn thường chạy bộ ra Công viên Thống Nhất, đánh cầu lông, đá cầu cùng bạn bè để thư giãn.

Theo Mai Châm
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG