Nữ sinh 16 tuổi lan tỏa “Ánh trăng hy vọng”

​ Các bạn nhỏ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn ở chùa Đức Sơn tự tin trên sân khấu L’espace
​ Các bạn nhỏ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn ở chùa Đức Sơn tự tin trên sân khấu L’espace
TP - Thời gian nghỉ hè, thay vì đi mua sắm, du lịch như nhiều bạn bè, Trần Trang Linh - du học sinh tại Mỹ quyết định về nước, thành lập và điều phối dự án thiện nguyện Espelune (Ánh trăng hy vọng) để mang nghệ thuật đến với trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. 

“Sau mây đen, trăng vẫn sáng…”

Cuối tháng 7/2018, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật ở ngôi chùa Đức Sơn (Thủy Bằng - Hương Thủy- Thừa Thiên Huế) đã có những trải nghiệm thú vị lần đầu tiên trong đời. Các em được tham gia những buổi học thuyết trình, thanh nhạc, học đàn tranh, nhiếp ảnh, vẽ, nhảy flashmob… Các bức tranh do các em vẽ sau đó đã xuất hiện tại Triển lãm nghệ thuật Clair de Lune - Ánh trăng nhằm gây quỹ để giúp các em tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, khát vọng của mình.

Nữ sinh 16 tuổi lan tỏa “Ánh trăng hy vọng” ảnh 1Trang Linh bên các em nhỏ ở chùa Đức Sơn

Không chỉ vậy, các em còn có chuyến bay đầu tiên trong đời để ra Hà Nội tham dự 5 ngày trại hè bổ ích tại thủ đô với các hoạt động: tham quan, giao lưu với 50 bạn cùng cảnh ngộ tại Trung tâm chăm sóc trẻ em Hà Cầu; dự buổi hòa nhạc L’eclipse- Nhật Thực; biểu diễn văn nghệ với 50 diễn viên, nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Thế Vinh và các học sinh cấp 2 ở Hà Nội…

Đặc biệt hơn nữa, trong đêm hoà nhạc ở Trung tâm Văn hoá Pháp L’espace tại Hà Nội, với chủ đề “Đưa trái tim lại gần nhau hơn”, 14 em nhỏ chùa Đức Sơn lần đầu tiên được biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu hiện đại cùng các bạn học sinh thủ đô. Ở đó, các em tự tin hát, múa, nhảy và xoá đi mọi rào cản về sự khiếm khuyết trên cơ thể, chỉ còn lại niềm hân hoan, hạnh phúc khi được hoà mình vào nghệ thuật. Rất nhiều người có mặt trong đêm diễn đã chia sẻ niềm xúc động khi nhìn thấy những đứa trẻ khiếm khuyết có thể hát hay, nhảy flashmob rất đẹp.

Nữ sinh 16 tuổi lan tỏa “Ánh trăng hy vọng” ảnh 2Lan tỏa tinh thần của Espelune đến châu Phi

Đứng sau chuỗi hoạt động đặc biệt đó là cô gái 16 tuổi Trần Trang Linh và dự án thiện nguyện Espelune (Ánh trăng hy vọng). “Chúng tôi lựa chọn nghệ thuật, chứ không phải những khoản tiền, những thùng mỳ tôm hay quần áo cũ, bởi hơn cả, nghệ thuật giúp con người vượt lên trên số phận, dám thực hiện ước mơ và thay đổi chính mình. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ khiếm thị “nhìn” thế giới qua tiếng đàn dương cầm, hay những đứa trẻ ngồi trên chiếc xe lăn háo hức đi xem triển lãm tranh…”- Trang Linh chia sẻ.

Thành lập từ tháng 6/2018, Espelune gồm các thành viên là học sinh đến từ nhiều trường THPT ở Hà Nội và du học sinh Việt Nam ở Mỹ, Úc. Với thông điệp “Dù có lúc bị những đám mây che phủ nhưng ánh trăng vẫn luôn ở đó, giống như cơ hội luôn hiện hữu, chỉ cần bạn tự tin gạt bỏ những mặc cảm để nắm lấy cơ hội và thay đổi cuộc sống”, chỉ trong thời gian ngắn ngủi gần 2 tháng, Trang Linh cùng các thành viên trong dự án đã tổ chức những sự kiện đầu tiên. Espelune cũng kêu gọi cộng đồng địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ các nhạc cụ như đàn tranh, violin và guitar để giúp các em thực hành trong thời gian tới.

Linh khoe, nếu như ngày trước các em còn bẽn lẽn, còn xa lạ với việc được sử dụng màu vẽ một cách thoải mái thì nay đã tự tin vẽ tranh, pha màu nhuần nhuyễn. Phòng sinh hoạt chung trước đây chỉ có một màu xám buồn tẻ thì nay đã hoàn toàn “thay áo” khi được trang trí bằng những bức tranh đầy màu sắc do chính các em sáng tác. Phòng cũng được trang bị nhiều bàn kính chắc chắn để phục vụ các em ngồi vẽ. Với sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn An, các em còn biết sáng tạo nghệ thuật từ những vật dụng tái chế như hộp nhựa, lon nước… Một số em sau thời gian ngắn được cô giáo Trần Thị Thuỷ dạy đàn tranh thì nay đã có thể tự tin chơi những bài đơn giản. Vui hơn nữa là cô Thuỷ và thầy An đã quyết định sẽ dành mỗi tuần 2 buổi để đến chùa dạy miễn phí cho các em.

Kết nối trẻ em từ Việt Nam đến châu Phi

Trang Linh già dặn và sâu sắc hơn so với lứa tuổi 16 của mình. Hiện đang là học sinh lớp 11 trường Christchurch, bang Virginia (Mỹ) nhưng cứ tranh thủ những kỳ nghỉ trong năm là Linh lại về nước cùng bạn bè thực hiện các dự án của Espelune.

“Cuộc sống này không chỉ có cơm ăn, áo mặc mà nghệ thuật mới là thứ dễ nhất để lan toả niềm vui và khơi gợi cảm hứng của mọi người. Ban đầu tôi chỉ định thực hiện một chuyến đi thiện nguyện nhỏ để kỳ nghỉ của mình thêm ý nghĩa, nhưng không ngờ khi chia sẻ với bạn bè, bố mẹ, thậm chí với cả những người không quen biết trên facebook, lại nhận được sự ủng hộ, khích lệ nhiều đến thế”- Linh nói.

Khi bắt đầu dự án, Linh cho biết nhóm gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, pháp lý, xin tài trợ. Bởi thành viên chính của nhóm phần lớn là du học sinh Việt ở các nước, một số bạn vẫn chưa đủ 18 tuổi. Hơn nữa, không phải ai cũng sẵn sàng đưa tiền cho một nhóm làm dự án cộng đồng, đặc biệt là một nhóm rất trẻ. Bởi vậy, thời gian đầu hầu như các thành viên Espelune phải bỏ tiền túi để thực hiện chương trình. Dần dần khi những câu chuyện, những việc làm của nhóm được đăng lên fanpage, nhiều người đã chủ động liên lạc, người giúp sức, người tài trợ kinh phí…

Sắp tới, dự án sẽ tiếp tục đến những nơi khó khăn khác như miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên: “Tôi còn mong lan toả tinh thần của các em ra nước ngoài, đến những vùng đất có hoàn cảnh, số phận giống các em”- trưởng nhóm Espelune tâm sự.

Và tháng 10 vừa qua, Linh đã in hình các bức tranh ở chùa Đức Sơn trên những tấm bưu thiếp và mang chúng đến một ngôi làng nhỏ bên kia bán cầu có tên Niongani, tại Senegal, châu Phi trong một chuyến đi với trường. “Khi tôi mang những bức tranh ở chùa Đức Sơn ra thì những đứa trẻ ở đó đã ôm lấy sung sướng. Tôi kể cho chúng nghe về tác giả của từng bức tranh. Thật ngạc nhiên khi trẻ em ở hai nền văn hóa khác nhau, lại có thể được kết nối thông qua niềm đam mê chung về nghệ thuật”.

Tháng 3 tới, Trang Linh sẽ tiếp tục mang những tác phẩm của Espelune chu du thế giới trong chuyến đi tới làng Agora ở Ấn Độ cùng nhà trường. Linh cũng dự định sẽ tổ chức một workshop vẽ tranh cho những trẻ em nghèo ở đó.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.