Gần một tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch cà phê nhưng không khí phấn khởi, rộn ràng đã lan tỏa khắp các nương rẫy ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Giá bán cà phê Robusta trên thị trường liên tục tăng, hiện dao động ở mức 113.000 đồng/kg.
Dưới cái nắng của Tây Nguyên, những tán lá cà phê xanh mướt nghiêng mình theo gió, ôm lấy những cành cây nặng trĩu quả, báo hiệu một năm được mùa, được cả giá.
Rẫy cà phê ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xanh mướt, trĩu quả trước ngày thu hoạch. |
Xây dựng cơ ngơi tiền tỷ nhờ đổi mới mô hình canh tác
Trò chuyện với phóng viên tại căn nhà 3 tầng khang trang trên mảnh đất rộng 3000m2, chị Mai Thị Nhung - một nông dân tiêu biểu thuộc dự án NESCAFÉ Plan, cảm thấy tự hào về cơ ngơi hiện có. Căn nhà nằm cách vườn cà phê khoảng 1km, là nơi gia đình chị nghỉ ngơi sau khi trở về từ nương rẫy, kết hợp nuôi yến ở trên tầng mái.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, chị Nhung bén duyên với cà phê từ khi theo chồng về Đắk Lắk lập nghiệp. Gần 20 năm gắn bó, chị chăm sóc vườn cây bằng kinh nghiệm được truyền dạy. “Ngày ấy chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, có tiền cho con ăn học là hạnh phúc rồi”, chị Nhung nhớ lại những năm tháng vất vả.
Ra vườn để hái những quả bói sớm, chị Mai Thị Nhung đếm từng ngày cà phê được thu hoạch |
Bước ngoặt đến với chị khi qua một người hàng xóm, chị biết đến dự án NESCAFÉ Plan do Nestlé Việt Nam triển khai với mục tiêu hỗ trợ nông dân cải thiện thu nhập nhờ vào thực hành canh tác bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ thiên nhiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham gia chương trình, chị được đưa đi tham quan nhiều mô hình trồng cà phê hiệu quả, được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác hiện đại, vừa giúp tiết kiệm đáng kể nước tưới và phân bón, vừa giúp cây cà phê phát triển mà lại tiết kiệm được công sức, chi phí.
Năm 2015, chị Nhung quyết định chuyển đổi toàn bộ 2ha vườn cà phê giống cũ sang giống cà phê mới có năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, đồng thời trồng xen canh hồ tiêu để có thêm nguồn thu. Sau 2 năm, vườn cà phê tái canh cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất đạt 3,5 tấn nhân/ha, cùng với sản lượng 4 tấn hồ tiêu, đem về tổng thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Năm 2019, sau 4 năm kể từ khi tham gia NESCAFÉ Plan, chị Nhung được bầu làm trưởng nhóm, quản lý 87 nông hộ thuộc dự án. Từ một người không am hiểu về cà phê, người phụ nữ 44 tuổi giờ đây là “giảng viên” truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng cho nhiều bà con, nhất là những nữ nông dân, thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thành công từ vườn cafe cũng tạo bước đệm vững chắc để nữ trưởng nhóm mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như năng lượng mặt trời, nuôi yến, trồng cau…
“Bỏ phố về làng” làm cà phê để làm chủ
Cũng là một nông dân nổi bật trong chương trình NESCAFÉ Plan tại xã Ea Tiêu, chị Nguyễn Thị Lan đại diện cho hệ người trẻ đầu tiên “bỏ phố về làng”.
Với tấm bằng cử nhân kinh tế Đại học Tây Nguyên, chị Lan từng làm việc trong kho bạc huyện ở Đăk Nông. Song trước áp lực mưu sinh nơi đất khách cùng những bộn bề lo toan trong cuộc sống gia đình, 30 tuổi, chị quyết định từ bỏ việc kế toán cùng mức lương 6 triệu đồng/tháng để trở về quê hương lập nghiệp từ cây cà phê.
Bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ cùng kiến thức được học hỏi từ chương trình NESCAFÉ Plan, chị Lan nhanh chóng áp dụng vào 1ha cà phê của gia đình. Năm 2015, vườn cây cho năng suất 3,5 tấn/ha, hồ tiêu đạt 1,6 tấn/0,5ha, giúp thu nhập của gia đình tăng lên 4 - 5 lần so với trước.
“Quan trọng nhất là mình được làm chủ, được ở gần cha mẹ, chủ động lo cho con cái. Làm cà phê theo mô hình bền vững này rất nhàn, mình làm 1ha vẫn còn dư sức dư thời gian”, chị Lan cười.
30 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp với cây cà phê. |
Vững bước tương lai cùng NESCAFÉ Plan
Chị Nhung, chị Lan là hai trong số hàng ngàn nữ nông dân Tây Nguyên tham gia chương trình NESCAFÉ Plan đang nỗ lực không ngừng để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ những kiến thức được học hỏi, tiếp thu từ chương trình NESCAFÉ Plan, các nữ nông dân không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, tự tin làm chủ cuộc sống, mà còn góp phần lan tỏa mô hình nông nghiệp bền vững đến cộng đồng.
Khi được hỏi về dự định sắp tới, chị Lan mong muốn được tham gia nhiều buổi tập huấn hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cà phê, cũng như tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với những nông dân khác trong nhóm.
Còn với trưởng nhóm Mai Thị Nhung, càng làm, càng học, chị càng thấy rõ hơn về con đường phía trước. “Mình cũng muốn học thêm về luật. Có tri thức, có hiểu biết thì làm gì cũng dễ, nói gì cũng hay”, chị Nhung cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng và quyết tâm.