Nhiều năm qua, Giao Linh và chồng dành phần lớn thời gian sống ở Việt Nam: “Tôi thích sống ở đây. Tôi và ông xã đã chọn con đường của mình, về với cát bụi cũng là ở đây luôn”, bà điềm nhiên nói về tương lai.
Con đường ca hát nhiều may mắn
Khán giả đặt cho Giao Linh biệt danh “Nữ hoàng sầu muộn” từ khi bà còn xuân sắc. Bởi bà hay hát những bản bolero trĩu nặng tâm tư, giọng hát thổn thức và ngại cười khi đứng trên sân khấu. Nhưng Giao Linh ngoài đời khác hẳn, bà trò chuyện cởi mở, hay cười. Giao Linh- Nghệ danh do người bạn của bà đặt cho. Tên thật của “nữ hoàng sầu muộn” là Đỗ Thị Sinh. Bà sinh ra trong một gia đình 10 anh em, trong đó 3 người mất sớm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến “nữ hoàng sầu muộn” lập gia đình khá muộn, khi đã 37 tuổi: “Tôi lấy chồng, nếu người chồng không thông cảm thì ai lo cho các em của tôi? Chúng tôi rất thương yêu nhau, nên tuổi thanh xuân tôi dồn tâm sức lo cho gia đình, đặt việc kiếm tiền lên hàng đầu”. “Nữ hoàng sầu muộn” kể về người thân của mình bằng giọng tràn đầy yêu thương: “Mẹ tôi đã mất khoảng 15 năm rồi. Nếu không có mẹ tôi khuyến khích, che chở cho tôi đi hát, thì tôi không sống được với nghề đâu. Ba tôi người Bắc, cổ hủ lắm. Mãi đến lúc tôi thành danh, ba tôi mới không giận. Lúc đầu, ba giận, ba không muốn tôi theo nghiệp cầm ca. Ba nói: “Xướng ca vô loài”. Chỉ khi má nói: Hôm nay tôi dẫn con đi ký hợp đồng, ba mới vui vẻ. Ba sợ tôi theo nghề này bị cạm bẫy này nọ. Sau tôi đi hát, má tôi đi theo, rồi má Phương Dung, má Trang Mỹ Dung cũng đi theo các con của họ. Ba bà má chơi với nhau vui lắm”. Sau này, người cha “cổ hủ” của Giao Linh, lại chính là “tài xế” thường xuyên đưa, đón con gái đi diễn: “Tôi lái xe đi diễn kiếm chỗ đậu hoài không được nên ba thương, ba hay đưa tôi đi. Đến điểm diễn, ba ngồi chờ. Ba ủng hộ tinh thần tôi ghê lắm”, Giao Linh cảm kích nói. Đó là câu chuyện trước năm 1975, giai đoạn thăng hoa đẹp đẽ của tiếng hát Giao Linh.
“Nữ hoàng sầu muộn” cho rằng bà là người may mắn trong sự nghiệp. Giao Linh luôn nhắc tới những người thầy trong âm nhạc bằng lòng tôn kính: Thầy Thu Hồ, thầy Ngọc Sơn và đặc biệt thầy Nguyễn Văn Đông. Tác giả “Chiều mưa biên giới” từng nghi ngờ khả năng ca hát của Giao Linh chỉ vì hồi 16 tuổi, bà gày gò, gió thổi còn bay. Lần đầu đến nhà nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông bà dựng xe không nổi. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông hỏi nhạc sỹ Thu Hồ, người giới thiệu Giao Linh với ông, rằng: Ông ơi, liệu con bé có hát được không? Tôi thấy nó ốm quá. Nhạc sỹ Thu Hồ đáp: Ông nghe thử giọng sẽ biết”. Khi giọng ca của thiếu nữ “gió thổi còn bay” cất lên, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông ưng liền và đặt vào tay thiếu nữ ấy cơ hội lớn. 17 tuổi, Giao Linh ký hợp đồng với hãng đĩa Continental với mức lương hơn cả giấc mơ: “Hồi đó, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông có hãng đĩa Continental, tôi độc quyền cho Continental được 3 năm, là học trò của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông nên tôi có chương trình đào tạo riêng. Thầy muốn lăng-xê ca sỹ, tôi được “đo ni đóng giày” nhiều nhạc phẩm, như “Màu tím Pense”, “Không bao giờ quên anh”, “Loài chim biển”, “Thầm kín”, “Mùa sao sáng…”, Giao Linh nhớ lại. Những nhạc phẩm được các nhạc sỹ nổi tiếng “đo ni đóng giày” cho tiếng hát Giao Linh cũng chính là những nhạc phẩm gắn liền với sự nghiệp ca hát của bà. Mối duyên với các nhạc sỹ của Giao Linh còn dài. Ít ai biết rằng, “Nửa đêm khấn hứa” cũng là một nhạc phẩm được nhạc sỹ Tuấn Hải dành riêng tiếng hát Giao Linh. “Nữ hoàng sầu muộn” chính là người đầu tiên hát “Nửa đêm khấn hứa”.
Muốn đến vùng sâu, vùng xa, hát cho đồng bào
Giao Linh sinh năm 1949, nay đã 72 tuổi. “Ở tuổi này, bà có kén chọn khi nhận “sô” không?”, tôi hỏi. “Nữ hoàng sầu muộn” đáp: “Ở tuổi này, được gần gũi khán giả là quí rồi. Tôi không kén chọn chỗ sang, hay “sô” nhiều tiền mới hát. Quan niệm của tôi là khán giả ở đâu cũng như nhau. Tôi mong có nhiều dịp đi vùng sâu, vùng xa, hát cho đồng bào. Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái… tôi đã đi rồi. Tôi thích đi như vậy. Bởi có những khán giả trong cuộc đời của họ, có khi họ chỉ thấy tôi trên màn hình hay nghe CD, chẳng bao giờ thấy tôi ngoài đời. Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên có cơ hội, có dịp là tôi đi”.
Giao Linh về nước biểu diễn cách đây 20 năm vì thôi thúc bởi câu nói của người bạn: “Sinh ơi, Sinh về đi. Khán giả đang chờ Sinh đó”. Mới về nước, Giao Linh đã đi hát ở Năm Căn, Cà Mau, trong điều kiện giao thông, phương tiện đi lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy, khiến chồng nữ danh ca, đi cùng vợ, phải kêu lên: “Mình đi đó đây biết bao nhiêu mà không sợ, tự nhiên hôm nay chết ở đây thì không giống ai”. Vừa rồi, Giao Linh đã trở lại Năm Căn và cảm nhận sự thay đổi rõ rệt: “Bây giờ xe chạy vi vu, sướng lắm!”.
Ở tuổi 72, Giao Linh vẫn giữ được làn hơi tốt, giọng ca mùi. Bí quyết của bà là rèn luyện sức khỏe mỗi ngày: “Muốn còn được gần khán giả, phải ráng giữ sức khỏe. Nếu không có sức khỏe thì di chuyển tới điểm diễn đã khó, chứ đừng nói chi ngồi hát”. Mỗi ngày Giao Linh dành khoảng một tiếng đi bộ. Bà bị bệnh tim nên bác sỹ khuyên không nên tập nặng. Ngoài đi bộ, bà còn tập dịch cân kinh (vẫy tay) mỗi ngày từ 600-1000 cái. “Nữ hoàng sầu muộn” vẫn ngồi xe ô tô 5 tiếng đồng hồ, từ Sài Gòn tới Sóc Trăng, đến nơi lên sân khấu hát liền. Biểu diễn xong bà lại về Sài Gòn ngay trong đêm. Giao Linh thường đi “sô” cùng ê-kíp: “Có lúc chồng tôi đi theo. Nếu chồng không đi thì người quản lý sẽ đi theo và một tài xế. Lúc nào cũng có 3 người vậy đó”.
Giao Linh khi trẻ |
Khán giả còn thương, đó là ân tình!
Nói về “ông xã”, Giao Linh không giấu sự mãn nguyện. Không có người đàn ông nào theo đuổi bà kiên trì hơn ông, bà tâm sự: “Tôi biết ông ấy từ khi mới đi hát. Ông theo tôi hoài, lâu lâu lại nói giỡn đôi câu. Ông đã thương nhớ tôi từ khi tôi 17 tuổi đến khi tôi 37 tuổi. Tôi chưa thấy ai “khùng” như vậy. Do hoàn cảnh, 10 năm cách biệt chúng tôi mới gặp lại nhau. Khi đó, tôi đã 37 tuổi, ông đã li dị. Ông nói với tôi: Cho anh cơ hội cuối đi”.
Không chỉ chiếm trọn trái tim của chồng, các con riêng của “ông xã” cũng rất thương Giao Linh. Chồng Giao Linh hơn bà 7 tuổi, từng là một kỹ sư cầu đường ở Mỹ. Ông nghỉ hưu đã lâu. Tuy không hoạt động nghệ thuật song ông xã Giao Linh có tai nghe nhạc rất tinh. Ông phân tích giọng ca Tuấn Vũ khiến “bà xã” cũng “bái phục”. Album “Đôi mắt người xưa” với giọng ca Giao Linh- Tuấn Vũ từng gây “bão” một thời ở hải ngoại, do ông xã của Giao Linh lựa bài, Giao Linh là người chia câu. Những “Sầu tím thiệp hồng”, “Ngày mai ta xa nhau”, “Đường tình đôi ngả”… trước đó chỉ để hát đơn ca nhưng Giao Linh- Tuấn Vũ đã “đột phá” bằng cách hát song ca. Chính “nữ hoàng sầu muộn” là một trong những người có công đưa giọng ca Tuấn Vũ đến với đông đảo khán giả. Bà kể: “Gặp Tuấn Vũ là cái duyên. Một hôm tôi ghé tiệm của một bà chủ trung tâm băng nhạc ở bên đó. Bà nói: Có em ái mộ Giao Linh lắm. Em ao ước được song ca với Giao Linh một lần, chết cũng vui. Chồng tôi mới hỏi: Ai mà dễ thương đến vậy? Bà chủ trung tâm băng nhạc đưa cho chúng tôi một cuốn băng bảo, lát về nghe. Khi nghe giọng Tuấn Vũ, tôi nói với chồng: Không có người thứ hai đâu anh ơi. Tôi bàn với chồng, ráng lăng- xê giọng ca này. Hồi đó, tiền lương của tôi cũng chỉ đủ sống thôi, nhưng tôi dám bỏ tiền ra làm băng “Đôi mắt người xưa” cho Tuấn Vũ. Đó là năm 1988, khi tôi mới lập gia đình”.
Có con mắt xanh phát hiện ra giọng ca vàng, song Giao Linh không bao giờ có ý định lấn sân kinh doanh nghệ thuật. Nếu có kiếp sau, Giao Linh vẫn nguyện làm ca sỹ, để được tiếp tục sống với đam mê. Nhìn lại đời ca hát trải dài 55 năm, “nữ hoàng sầu muộn” không có điều gì nuối tiếc: “Tôi được tổ nghiệp đãi nên thời vàng son kéo dài. Chưa bao giờ tôi lên đến đỉnh điểm nhưng cứ thế mà đi. Ngay cả bây giờ, khán giả vẫn còn thương tôi lắm. Đối với tôi, đó là ân tình”.
Tưởng vậy mà không phải vậy!
Ai cũng tưởng những “ngôi sao” lớn như Giao Linh có cuộc sống giàu sang ở hải ngoại. Song “nữ hoàng sầu muộn” cho biết: “Thấy vậy mà không phải vậy đâu. Nói thiệt, ở bên đó ca sỹ cũng cực khổ lắm. Nhìn lên lịch không có 4 thứ bảy đánh dấu (tức là không có “sô”, ở hải ngoại chỉ được đi hát vào dịp cuối tuần) lại lo không có tiền đóng tiền nhà. Tiền nhà bên đó nặng”.
Bà kể, hồi mới về nước, rất ngạc nhiên khi đi hát với mấy ca sỹ hạng B, C, nghe họ nói với nhau vừa đổi xe. Mà xe “Mẹc” đàng hoàng: “Mấy em làm có mấy trăm ngàn đồng một đêm. Nhưng hát vài ba nơi, tiền nhà không phải trả, sao không giàu? Còn bên kia thuyền lớn sóng lớn. Tên lớn phải ở nhà to cho xứng danh. Người nào chắt chiu thì có nhà riêng. Không chắt chiu thì bao nhiêu cũng không đủ”.