Nữ doanh nhân với hãng hàng không phục vụ các tỷ phú

TP - Không quảng bá rầm rộ nhưng hãng hàng không dành cho giới tỷ phú trong nước và thế giới vẫn âm thầm cất cánh hàng trăm chuyến bay VIP dưới sự điều hành của chị Hồ Thanh Hương - CEO Bluesky Airways. Không tự nhận mình thành công, chị Hương chỉ muốn lan tỏa tinh thần làm việc, đam mê với máy bay và truyền cảm hứng cho giới trẻ ngày nay.

Khách hàng tự tìm đến thay vì phải đi kiếm khách bay

Yêu thích bầu trời và những chuyến bay, chị Hồ Thanh Hương sau khi tốt nghiệp đại học đã về đầu quân cho Vietnam Airlines và từ đó gắn bó với máy bay cho tới bây giờ. Chị có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực thuê mua tàu bay thương mại tại hãng hàng không quốc gia, sau đó là Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam và Bamboo Airways. Trong vòng 8 năm trở lại đây, chị bắt đầu khởi nghiệp sang lĩnh quản lý tàu bay thương gia và khai thác tàu bay thuê chuyến.

“Công ty tôi không phải là công ty đại chúng nên không cần thiết phải quảng bá rầm rộ. Nhưng chúng tôi có chiến lược rõ ràng đi sâu vào thị trường ngách của hàng không hướng đến khách hàng có tiền. Thị trường này khá kén khách và mọi người biết đến bằng cách truyền miệng về một dịch vụ có chất lượng tốt. Cứ thế, chúng tôi có tệp khách hàng VIP ổn định bay phục vụ cho công việc là chủ yếu”, chị Hương cho hay.

Nữ doanh nhân với hãng hàng không phục vụ các tỷ phú  ảnh 1

Chị Hồ Thanh Hương - CEO Bluesky Airways trong khóa huấn luyện phi công lái máy bay tư nhân

Không chỉ phục vụ chuyến bay trong nước, hãng hàng không của chị Hương phục vụ các khách hàng nước ngoài với những chuyến bay quốc tế. Việc di chuyển bằng máy bay riêng, khách hàng của chị Hương tiết kiệm được thời gian di chuyển, xếp hàng khi làm thủ tục bay, chờ lấy hành lý…Toàn bộ quy trình sẽ có nhân viên phụ trách đi theo. Đặc biệt, trên các chuyến bay đội ngũ phục vụ cho các khách hàng được huấn luyện đặc biệt để khách hàng trải nghiệm bay xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Theo chị Hương, nếu trước đây, dịch vụ máy bay riêng được coi là quá xa xỉ, lãng phí không cần thiết so với một vé máy bay hạng thương gia, thì hiện nay, nhiều đối tượng du khách giàu có lựa chọn dịch vụ này nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn... Trung bình một chuyến bay tư nhân có khoảng bốn hành khách nhưng sức chứa có thể lên tới 6 -14 người cho một chuyến đi. Tuy nhiên cũng có một số cá nhân sẵn sàng chi trả cao để bay một mình.

“Người khác nhìn vào sẽ thấy tôi thành công khi là CEO của một hãng hàng không có lượng khách vip ổn định và không ngừng mở rộng nhưng với tôi đó không phải là thành công. Tôi luôn cố gắng sống, làm việc để truyền cảm hứng cho mọi người trước hết là nhân viên của mình với lối sống xanh, khoa học cũng như thể thao.Tôi không có định nghĩa người thành công. Với tôi, thành công có thể chia thành từng đầu mục công việc mà mình cần làm hay mình muốn làm tại một thời điểm nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định”, chị Hương nói.

Trở thành nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu bằng lái máy bay tư nhân

“Khó, khó, khó” là những gì chị Hương thốt lên khi đã trải qua khoá huấn luyện và cầm trong tay Chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện phi công lái máy bay tư nhân (PPL) vào đầu tháng 7 năm nay. Chị cũng được ghi nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa học lái máy bay tư nhân.

“Sở dĩ tôi học lái máy bay tư nhân bởi nó vừa là đam mê mà vừa liên quan đến công việc của tôi đang làm. Mặc dù làm việc và kinh doanh trong lĩnh vực hàng không nhưng khi đi học lái máy bay, có rất nhiều điều thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi. Khi bạn ngồi trong một không gian hẹp, ngay trước mặt là cửa kính, mở ra không gian bao la của bầu trời, đó là một cảm giác vừa choáng ngợp vừa thích thú và đầy thách thức”, chị Hương chia sẻ.

Nữ doanh nhân với hãng hàng không phục vụ các tỷ phú  ảnh 2

Hãng bay của chị Hồ Thanh Hương chuyên phục vụ các tỷ phú

Chị Hương tìm hiểu nhiều về trường bay trong nước và nước ngoài nhưng cuối cùng quyết định học trong nước. Để hoàn thành khóa học trong hơn 3 tháng ở Rạch Giá (Kiên Giang) khi vẫn đang sống và làm việc ở Hà Nội, chị Hương phải bay đi bay lại liên tục giữa hai nơi. Giờ hành chính, chị dành để học bay, việc công ty chị làm vào sáng sớm trước khi lên lớp và tranh thủ nghỉ trưa hoặc nghỉ giữa giờ. Tối đến, chị lại cặm cụi ôn tập lý thuyết.

“Đến kỳ thi tôi phải học cả đêm là bình thường, không khác gì ngày xưa ôn thi đại học. Nhưng bù lại, các môn học để trở thành phi công rất thú vị. Nhiều môn trước kia mình chưa hề biết, như: khí động học, thời tiết, yếu tố con người trong khi bay…”.

Sau khi hoàn thành khóa học, chị vẫn đều đặn bay vào Rạch Giá để học nâng cao các kỹ năng mới. Được chinh phục bầu trời trên những chiếc máy bay tư nhân là ước mơ từ rất lâu của chị, đến bây giờ mới có thời gian và điều kiện để thực hiện. Vì thế, chị quyết tâm theo đuổi thú vui này lâu dài.

Chị Hương cho biết, lái máy bay không giống như lái ô tô, đã lên trời rồi là phải xuống được chứ không thể dừng xe giữa đường để gọi người thân đến trợ giúp.

“Ấn tượng nhất trong các bài học là Stall Recovery (tàu mất lực nâng và học viên phải lấy lại trạng thái cân bằng để thực hiện tiếp chuyến bay). Học bài này, thầy giáo sẽ hướng dẫn để mình thao tác cho tàu bay mất lực nâng rồi yêu cầu mình khôi phục. Lúc đó tàu bay đã rớt mũi và chúi xuống mình nhìn thấy cả cánh đồng bên dưới rồi. Trong thực tế mình mà không làm được là tàu bay sẽ rơi tự do xuống đất từ độ cao mấy nghìn feet. Tôi là người lập kỷ lục tập hạ cánh tới 19 lần trong vòng gần 2 giờ đồng hồ huấn luyện”, chị Hương cho hay.

Chị Hương cho biết, tuổi tác, giới tính không phải là rào cản cho đam mê chinh phục bầu trời, đặc biệt là trong việc được điều khiển những chiếc máy bay đăng ký tư nhân. Để trở thành phi công thực thụ, yêu cầu lớn nhất là sức khỏe. Sau khi được cấp bằng, muốn thực hiện các chuyến bay cũng cần rèn luyện thể chất. Trong hàng không có kiểm tra sức khỏe định kỳ, chứng chỉ sức khỏe (còn hạn) phải luôn được mang kèm theo bằng lái khi ra phi trường.

“Tôi luôn cố gắng sống, làm việc để truyền cảm hứng cho mọi người trước hết là nhân viên của mình với lối sống xanh, khoa học cũng như thể thao.Tôi không có định nghĩa người thành công. Với tôi, thành công có thể chia thành từng đầu mục công việc mà mình cần làm hay mình muốn làm tại một thời điểm nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định”.

Chị Hồ Thanh Hương

Công ty tư vấn Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới. Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Các dữ liệu này chưa tính đến một số lượng lớn người có thu nhập cao đáp ứng tiêu chí nhưng chưa được thống kê do nhiều nguyên nhân khác nhau.

MỚI - NÓNG