Nữ doanh nhân 9x chinh phục Đông Nam Á

Là doanh nhân đầu tiên mang mô hình quán bar Nhật về Việt Nam. Hiện nay CEO Yến Nhi không chỉ thành công khi chinh phục thị trường từ Nam ra Bắc mà còn từng bước chinh phục toàn Đông Nam Á.

“Dám” mơ lớn

Tôi gặp CEO Phạm Thị Yến Nhi trong một buổi chiều cuối hạ tại Hà Nội. Nhìn cô gái thuộc thế hệ 9x với gương mặt xinh đẹp, trẻ trung, dáng người nhỏ nhắn, giọng miền Nam nhẹ nhàng, lễ phép, ít ai có thể ngờ cô lại là chủ sở hữu của gần 20 quán bar Nhật mang thương hiệu Tanabata ở khắp Đông Nam Á.

Không phải con “nhà nòi” hay sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Yến Nhi đã luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Có lẽ “dám mơ lớn” là nấc thang đầu tiên biến cô gái trẻ 9x trở thành một nữ doanh nhân thành đạt bây giờ.

Nữ doanh nhân 9x chinh phục Đông Nam Á ảnh 1

CEO Phạm Thị Yến Nhi Sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Giải trí Mầm Trúc – Tanabata

Để hiện thực hoá “giấc mơ lớn” của mình, ngay từ năm thứ nhất đại học, Yến Nhi đã không cho phép mình có những “quãng nghỉ”, cô tận dụng tối đa thời gian, vừa đi học ở trường, vừa xin làm thêm để học hỏi và tự rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, quản trị....

“Lúc đó khá “căng”, nhưng em không cho phép bản thân “thả lỏng”. Việc quan trọng nhất lúc đó là phải tìm được ra con đường chưa ai đi, phải tiên phong thì mới tồn tại được. Vì vậy, em luôn tận dụng cơ hội để được trò chuyện với những người thành công qua các buổi hội thảo của trường hoặc sự kiện. Em muốn học hỏi về tư duy, kinh nghiệm, thậm chí cả tác phong (cười). Ngoài ra em cũng liên tục quan sát và cập nhật các xu hướng để xem nhu cầu khách hàng là gì và tìm kiếm một thị trường mới.”

Năm thứ hai đại học, khi làm thêm tại một quán bar có ông chủ người Nhật, cô nhận ra nhóm đối tượng khách Nhật đến các tụ điểm vui chơi của Việt Nam khá đông, tuy nhiên lại chưa có một địa điểm giải trí nào dành riêng cho họ. Không những thế, việc dịch chuyển của người Nhật sang các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành xu hướng. Do giai đoạn khủng hoảng năm 2010 – 2012 nước Nhật gặp khó khăn về thiên tai, dân số, kinh tế... người Nhật trẻ có nhu cầu tìm kiếm một môi trường mới tốt hơn. Vì vậy họ đã sang các nước Đông Nam Á để sinh sống và làm việc.

Nhận ra được thị trường ngách tiềm năng, CEO Yến Nhi tập trung mọi nguồn lực để hấp thu tốt nhất các ghi nhớ về thói quen, sở thích của khách hàng Nhật, nghiên cứu các mô hình giải trí mà nhóm đối tượng khách hàng này quan tâm.Trong những khoảng thời gian trống, nữ doanh nhân phác thảo các kế hoạch về tài chính, nhân sự, tìm kiếm các hình thức kinh doanh giải trí độc đáo để từng bước hoàn thiện các điều kiện cần và đủ cho doanh nghiệp của riêng mình.

Năm 2013, khi CEO Yến Nhi tốt nghiệp đại học cũng là lúc cô hiện thực hoá “giấc mơ lớn” của mình. Tháng 6 năm 2013, Công ty Giải trí Mầm Trúc – Tanabata chính thức ra đời. CEO Phạm Thị Yến Nhi lúc đó mới 23 tuổi, trở thành doanh nhân đầu tiên đưa mô hình quán bar Nhật vào kinh doanh tại Việt Nam.

Chinh phục Đông Nam Á

Với phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong giai đoạn đầu, họ thường hướng tới mục tiêu tạo dựng vị trí, ổn định thị trường, trước khi tính các bước xa hơn. Tuy nhiên, CEO Phạm Thị Yến Nhi lại có tư duy khác.

“Không biết mọi người khởi nghiệp sao, chứ em mơ lớn lắm (cười). Ngay từ khi nhìn ra thị trường ngách và xây dựng Tanabata là em đã xác định sẽ phải mở thành chuỗi quán bar cùng thương hiệu, và sẽ không chỉ phát triển ở Việt Nam mà phải chinh phục Đông Nam Á.”

CEO Yến Nhi được ví như một doanh nhân “từ trong trứng”. Sự mạnh mẽ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm của cô là những tố chất đặc trưng để xây dựng một doanh nhân thành công. Tuy nhiên, khởi nghiệp khi tuổi đời và kinh nghiệm thương trường còn non trẻ, nên Yến Nhi không tránh khỏi những vấp ngã ban đầu.

“Trong năm đầu tiên thì mọi thứ vẫn thuận lợi theo như hoạch định của em đề ra. Em khá “quân phiệt” với nhân viên của mình, em đào tạo và yêu cầu thái độ, trình độ cao. Nhưng thú thực là lúc đó cùng hơi cứng nhắc, chưa nhiều kinh nghiệm “dụng quân”. Vì vậy, khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu xuất hiện thì em đã không giữ chân được nhân sự của mình.

Gần 90% nhân sự của Tanabata đồng loạt xin nghỉ vì “bị” các doanh nghiệp đối thủ chào mời với thu nhập tốt hơn, và áp lực “dễ thở” hơn. Với một nữ doanh nhân trẻ đang “hừng hực” khí thế, lại phải chứng kiến các nhân sự do chính mình đào tạo lần lượt ra đi, doanh nghiệp còn phải liên tục bù lỗ trong ba tháng, CEO Yến Nhi đã có lúc cảm thấy nản chí và muốn bỏ cuộc. 

Nữ doanh nhân 9x chinh phục Đông Nam Á ảnh 2

CEO Yến Nhi và các nhân viên tại Tanabata

“Lúc đó em tính đóng cửa Tanabata luôn đó chứ. Em gom toàn bộ số tiền còn lại của quán và đi làm từ thiện tại một khu vực gánh chịu cơn bão Hải Yến tại Phillippines. Tuy nhiên khi gặp những người dân tại đây, họ vừa mất tất cả, họ quý trọng và nâng niu từng món quà được tặng, từ đôi dép chỉ có giá 1 USD. Lúc đó em thấy mình quá yếu đuối, khó khăn của mình quá bé nhỏ. Chuyến đi này tiếp thêm cho em rất nhiều nghị lực và quyết tâm.”

Trở về Việt Nam, cô gái trẻ lại “hừng hực” với “giấc mơ lớn” của mình. Thay vì tự mình nghiên cứu, cô trực tiếp xin tư vấn từ các chuyên gia. Cô tập trung nghiên cứu kỹ hơn về thị trường, về đối thủ cạnh tranh. Sau một thời gian chậm lại, cô vẽ lại chiến lược đi tới đích của mình.

Để không bị sao chép, nâng cao tính cạnh tranh, Yến Nhi xác định Tanabata phải luôn đi đầu, phải liên tục sáng tạo và đổi mới cả về hình thức và nội dung. Về nhân sự - yếu tố cốt lõi của ngành dịch vụ, Yến Nhi đưa ra một chiến lược “dụng quân” mềm dẻo hơn, hiệu quả hơn.

Mặc dù vẫn tiếp tục yêu cầu cao về thái độ cũng như trình độ của nhân viên, liên tục mở các lớp đào tạo về giao tiếp, chuyên môn. Tuy nhiên song song với đó, cô thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, xây dựng team building để giúp các nhân sự Tanabata gắn bó và đoàn kết với nhau, từ đó tăng thêm nhiệt huyết và tinh thần làm việc đội nhóm.

“Mỗi một nhân viên đến với Tanabata em đều vẽ ra lộ trình thăng tiến dành cho họ, và nhân viên đó muốn gắn bó với Tanabata thì phải xác định dùng 100% sức lực của mình để đạt được những mục tiêu đề ra đó. Mục tiêu về ngoại ngữ, về văn hoá ứng xử, về phong cách phục vụ, cũng như phấn đấu để có sự thăng tiến về sự nghiệp.”

Với sự chọn lựa khá khắt khe cùng khả năng đào tạo hiệu quả, liên tục đổi mới, cập nhật, khiến các nhân sự của Tanabata được đánh giá là các ứng viên chất lượng trên thị trường và được nhiều đối thủ “mời chào”. Tuy nhiên với cách điều hành thông minh và sự tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh quán bar Nhật, CEO Yến Nhi tự hào, hiện nay Tanabata đã có một đội ngũ “chiến binh” giỏi nhưng trung thành và đầy nhiệt huyết.

Gần đây nữ doanh nhân Yến Nhi còn trở thành nhân vật chính của chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam, câu chuyện của doanh nhân 9x này đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả xem chương trình. Không ít khán giả đã tỏ ra thán phục tài năng của nữ CEO trẻ tuổi với những “giấc mơ lớn” của mình, bởi tham gia một thị trường “gai góc”, lại là người tiên phong, “phủ sóng” thương hiệu được khắp Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. 

Nữ doanh nhân 9x chinh phục Đông Nam Á ảnh 3

CEO Yến Nhi (ngồi giữa) tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng gia Media Group và Bia Hà Nội thực hiện)

Trước khi chia tay, cô doanh nhân 9x còn cho tôi một bất ngờ với “giấc mơ lớn” tiếp theo của mình. “Em đang lên kế hoạch mời các nhà đầu tư Nhật Bản và quyết tâm IPO Tanabata, đưa công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mầm Trúc trở thành doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh quán bar niêm yết trên sàn chứng khoán. “

MỚI - NÓNG