Bà cũng là nữ cá nhân duy nhất giành giải thưởng. Đơn vị còn lại được vinh danh là tập thể cán bộ nữ Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường- Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
Là nữ nhà khoa học trong lĩnh vực thú y, GS.TS Nguyễn Thị Lan được vinh danh nhờ thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật. Bà chủ trì và tham gia 22 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp từ cấp Nhà nước đến cấp Bộ. Bà cũng có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 29 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.
Nữ GS sinh năm 1974 được biết đến là nữ GS trẻ nhất ngành Thú y, GS danh dự Đại học Yamaguchi của Nhật, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y Châu Á. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của GS.TS Nguyễn Thị Lan được công nhận và chuyển giao thành công như Kít chuẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản hay bệnh tai xanh ở lợn, vắc – xin phòng bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó, chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi. Bà cũng là đồng tác giả của 2 quy trình quan trọng là Quy trình chuẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà và Quy trình phòng, điều trị bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng đại diện tập thể nữ nhà khoa học Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhận giải thưởng Kovalevskaia năm nay.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14, GS.TS Nguyễn Thị Lan được cử tri thủ đô bầu vào Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Với cương vị là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà từng góp tiếng nói khi thảo luận, xây dựng và hoàn thiện các luật thuộc các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, khoa học công nghệ.
Cùng với GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giải thưởng Kovalevskaia năm nay vinh danh tập thể nữ nhà khoa học Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Trưởng bộ môn là PGS.TS Nguyễn Thị Hà. Lĩnh vực nghiên cứu chính là công nghệ xử lý và tận dụng chất thải, phân tích và đánh giá chất lượng môi trường.
Những năm qua, tập thể nữ nhà khoa học Bộ môn Công nghệ Môi trường có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, giàu tính thực tiễn như đề tài Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm, Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao sử dụng cho ăn uống quy mô phân tán cấp cho các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội với chi phí thấp, Nghiên cứu sử dụng hệ thống xử lý tự nhiên với kỹ thuật sinh học, sinh thái để xử lý nước thải với nồng độ hữu cơ cao.
Bộ môn Công nghệ Môi trường cũng có nhiều thành tựu trong hướng nghiên cứu phân tích đánh giá môi trường như Nghiên cứu đánh giá tác động của chương trình phòng trừ sâu hại tổng hợp lên sinh thái ruộng lúa vùng nhiệt đới Đông Nam Á, Nghiên cứu về asen và các hợp chất nitơ trong nước ngầm. Riêng đề tài bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống được cấp Bằng Độc quyền sáng chế năm 2015.
Tập thể nữ nhà khoa học của Bộ môn Công nghệ Môi trường cũng được biết đến trong hợp tác quốc tế với nhiều đối tác như Đại học Tokyo, Đạo học Kitakyushu của Nhật Bản, Đại học Likoping của Thụy Điển, Đại học Valladolid của Tây Ban Nha hay Đại học KU Leuven của Bỉ. Bộ môn cũng được biết đến là nơi có thành tích xuất sắc trong đào tạo, giảng dạy.
Tại lễ trao giải chiều nay (4/3/2019), Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia chia sẻ, hồ sơ đăng ký giải thưởng năm nay rất nhiều, hồ sơ nào cũng có khía cạnh xuất sắc, Ủy ban Giải thưởng gặp nhiều khó khăn, vất vả trong lựa chọn, nhiều khi tranh luận gay gắt mới đi đến được kết quả cuối cùng như vậy.
Kovalevskaia là giải thưởng mang tên nữ nhà toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19- Sophia Kovalevskaia (1850-1891). Bà là phụ nữ đầu tiên kỷ nguyên cận đại nhận bằng TS toán học, được phong hàm GS Đại học và được bầu làm Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học đế chế Nga, là nữ nhà khoa học vĩ đại nhất trước thế kỷ XX.
Giải thưởng Kovalevskaia do Quỹ Sophia Kovalevskaia tài trợ. Đây là quỹ do vợ chồng nhà khoa học Ann Kobitz – Neal Koblitz sáng lập, tài trợ cho 8 quốc gia là Peru, El Salvado, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambic và Việt Nam, nhằm mục đích động viện, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học cho phụ nữ ở những nước đang phát triển.