Nữ anh hùng lái máy xúc duy nhất của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bà Ngừng và chuyên gia Liên Xô trên công trường thủy điện Sông Đà
Bà Ngừng và chuyên gia Liên Xô trên công trường thủy điện Sông Đà
TP - Cho đến thời điểm này, bà Lê Thị Ngừng vẫn là người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam được trao tặng danh hiệu anh hùng lao động cho thành tích lái máy xúc tại Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Đà. 

Cô gái bé nhỏ chỉ cao 1m55, nặng 52kg, trong suốt hơn 10 năm đã vững vàng làm chủ cỗ máy mà chỉ riêng cái răng gầu của nó đã nặng 108 cân (một lần xúc được 5 khối), bánh xích 104 cân và phải vận hành bằng loại điện 6 ki-lô-vôn...

Người nữ duy nhất còn trụ lại

Sinh năm 1954 trong một gia đình thuần nông đông con, Lê Thị Ngừng chỉ được học hết lớp 7 và ở nhà quanh quẩn trồng rau nuôi gà. Mãi 22 tuổi cô nông dân người Thanh Oai mới trúng tuyển làm công nhân Sông Đà.

“Lúc ấy được làm công nhân Sông Đà thì phấn khởi lắm. Tôi lên nhà máy, được bố trí học sửa chữa ô tô xe máy. Học xong nhưng khi đó chỉ toàn máy mới không có gì để sửa, thế là quay ra làm đủ việc: Từ bốc gạch, thợ xây, lên rừng lấy củi nấu ăn, đào rãnh thoát nước... Lay lắt một thời gian thì trên có chủ trương, cái gì nam giới làm được nữ giới cũng làm được, tôi được tuyển đi học lái máy xúc cùng khoảng hơn 20 chị em nữa”, bà nhớ lại.

Nữ anh hùng lái máy xúc duy nhất của Việt Nam ảnh 1

Bà Ngừng trong cabin của máy xúc EKG

Từ buổi học đầu tiên, nhóm phụ nữ đã được giao làm quen với EKG, loại máy xúc “to như cái nhà” và muốn vận hành được nó thì phải có một loại cáp điện 6 ki-lô-vôn to bằng bắp tay người lớn. “Lần đầu ngồi lên cabin, có chị không quen bị máy rung bật cả người ra ngoài. Sau một tháng cả đội rơi rụng hết chỉ còn tôi và chị Lê Thị Hiên. Khi đó tôi sút 8 cân, người lúc nào cũng lơ lơ lửng lửng vì ám ảnh tiếng ồn lẫn độ rung của máy. Chưa kể còn phải ra sức nhớ hết 36 động cơ lớn nhỏ. Máy của Liên Xô toàn chữ Nga, tôi phải tự phiên ra ký hiệu của mình, mỗi ngày cố gắng học một ít. Một thời gian sau, chị Hiên cũng từ bỏ, còn mỗi mình tôi”.

Sau thời gian khó khăn ban đầu, bà Ngừng dần quen với nhịp độ công việc và trở thành một trong những lái chính của đội lái khoảng 500 người chỉ có mình bà là nữ. Trung bình mỗi ngày một lái chính phải làm việc 6 tiếng (tính bằng một công) nhưng “lái Ngừng” luôn đảm nhận khoảng hơn 40 công mỗi tháng vì liên tục phải thay cho đồng nghiệp nghỉ ốm.

“Tôi đã cố sửa tật nói to nhưng không ăn thua, suốt hơn mười năm ngày nào cũng phải hét lên ở công trường, thành tật rồi”, bà Ngừng giải thích. Về hưu, “tính quyết đoán và ăn nói rõ ràng” của bà vẫn được tổ dân phố trưng dụng. Bà làm tổ trưởng dân phố hơn 10 năm, cho đến khi phải mổ tim mới nghỉ.

Một lần, chuyên gia của Liên Xô sang thăm Công ty Sông Đà, chứng kiến Lê Thị Ngừng lái máy xúc, vị chuyên gia này nhận xét: Với trình độ này ở Liên Xô thì đã là thợ bậc 4/7 chứ không phải 2/7. Sau đó, trong cuộc thi nâng ngạch, quả đúng là “lái Ngừng” đạt trình độ 4/7.

Mười năm làm công nhân máy xúc bà Ngừng không được đón cái Tết nào ở nhà và cũng chỉ ốm duy nhất một lần nhưng lại là “thập tử nhất sinh”.

“Lần đó trời mưa, tôi đang xúc đất dưới hố trụ thì mất điện. Cả tổ phải hò nhau kéo cáp nối điện để nhanh chóng đánh máy lên. Dầm trong hố nước toàn tàn dư của thuốc nổ để kéo cáp, chúng tôi phải chạy đua với mưa nếu không máy móc ngâm nước sẽ hỏng hết. Cuối cùng may máy không sao nhưng tôi liệt toàn thân. Người nhà tôi lên thăm chỉ khóc, cả bác sĩ cũng nghĩ cô này không thể qua khỏi. Có thể nhờ sức trẻ, sau đó tôi khỏe dần, lần giường tập đi, tập đứng. Mấy tháng sau trở về nhà máy lại làm việc như thường. Đến năm 1985 thì tôi được phong Anh hùng lao động”, bà nhớ lại.

Nữ anh hùng lái máy xúc duy nhất của Việt Nam ảnh 2

Anh hùng Lê Thị Ngừng bên chiếc máy xúc đã gắn bó với bà hơn 10 năm

Mối tình đẹp nhờ máy xúc

Vì là nữ lái máy xúc duy nhất trong số gần 500 anh em, bà Ngừng được chú ý đặc biệt, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận làm con nuôi. Anh thanh niên Lê Viết Phụng khi đó là cán bộ tổ chức của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lên làm việc ở Sông Đà cũng bị cô gái này thu hút. Ông kể: “Tôi từng làm giảng viên trường GTVT, có nghiên cứu về máy EKG - biệt danh là “ông khổng lồ” và biết rằng độ rung và độ ồn của nó đều ở mức người thường khó mà thích nghi nổi. Đầu tiên thấy Ngừng làm chủ được nó thì phục, một cô gái bé nhỏ ngồi lọt thỏm trong cabin thao tác tay nhoay nhoáy nhìn sao cũng thấy “ngầu”. Sau tình cờ hai nhà lại gần nhau, thế là đặt vấn đề tìm hiểu rồi cưới”.

Nói về cuộc hôn nhân hơn ba thập kỷ của mình, nữ anh hùng cười rổn rảng bảo: “Mọi người cứ nói số tôi may, vừa xấu, vừa quê một cục loanh quanh thế nào lại “xúc” được một anh trí thức đẹp trai lại nho nhã”.

Nữ anh hùng lái máy xúc duy nhất của Việt Nam ảnh 3

Vợ chồng Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng

Sau đám cưới năm 1988, bà Ngừng có thai nên phải dừng việc lái máy xúc (lúc này bà đã là thợ bậc 6/7). Song dư chấn của những ngày lao động nặng nhọc vẫn còn. Các bó cơ ở phần bụng của bà luôn trong tình trạng căng chặt khiến thai nhi không phát triển được. Thế là suốt chín tháng, mỗi ngày bà đều được chồng đạp xe đưa vào viện để bác sĩ tiêm thuốc giãn cơ cho đến ngày mẹ tròn con vuông. Cũng vì sức khỏe bị ảnh hưởng, bà Ngừng chỉ có một cô con gái. “Cũng may nó ngoan ngoãn không để bố mẹ phải lo lắng bao giờ”, bà khoe.

Rời Sông Đà về Hà Nội làm công việc hành chính, buổi tối bà Ngừng lại nhờ mẹ chồng trông con đi học thêm ngành Luật để phục vụ cho công việc. Suốt những ngày tháng ấy, “anh trí thức” luôn đồng hành với vợ bởi như ông nói “nhà tôi không biết đi xe máy, để phụ nữ đi lại một mình trong đêm cũng không yên tâm”. Suốt hơn ba mươi năm, ông trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà và điều ông “phàn nàn” duy nhất về vợ chính là: “bà ấy nói to quá, nhiều lúc hàng xóm tưởng cãi nhau”.

“Trong chiến dịch lấp sông Đà đợt 2 với những con lũ mạnh, lưu tốc nước 7.000 m3/s cả công trường chạy đua với khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết”, lúc đó, thanh niên chúng tôi đều tự nguyện thi đua, động viên nhau lao động, làm thêm giờ, bất kể ngày đêm, phấn đấu vượt năng suất nên tôi làm thông từ 18h đến 6h sáng hôm sau mà không thấy mệt mỏi, không hề nản chí…”, bà Ngừng kể. Cũng nhờ những cố gắng liên tục này, bà được nhận danh hiệu Dũng sĩ ngăn sông Đà đợt 2.

MỚI - NÓNG