Nữ anh hùng giành giải nhà khoa học xuất sắc nhất

Tuổi 63, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vẫn miệt mài với công tác nghiên cứu. Ảnh: nhân vật cung cấp
Tuổi 63, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vẫn miệt mài với công tác nghiên cứu. Ảnh: nhân vật cung cấp
TP - “Có hôm tôi đến cơ quan, bước đi thấy khập khễnh, nhìn xuống, một chân đi giày, một chân đi dép của con”, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, người nữ anh hùng ngành điện nhớ lại những ngày chế tạo máy biến áp 500KV.

Nghiên cứu của bà Nguyệt đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 12 trên thế giới thiết kế, chế tạo thành công sản phẩm này.

Làm khoa học phải mạo hiểm

Tối qua tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao thưởng WIPO cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất. Đây là lần thứ hai bà được vinh danh ở hạng mục này. Công trình được trao giải là máy biến áp 500KV.

Tại Lễ công bố giải thưởng ở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (53 Nguyễn Du, Hà Nội) diễn ra một ngày trước, nhà khoa học nữ 63 tuổi kể, bà đã đi qua một khoảng thời gian rất khó khăn khi đảm nhận công việc này, dù trước đó, bà rất thành công với việc chế tạo máy biến áp 110KV (1993), máy biến áp 220KV (2003).

Khi nhà khoa học lên ý tưởng chế tạo máy biến áp 500KV, thì bạn bà, một tiến sỹ ngành điện ở Liên Xô (cũ) bảo: “Nguyệt không làm được đâu. Đây là một nhiệm vụ rất lớn, liên quan đến nhiều phạm trù. Bọn mình tám tiến sỹ, toàn chuyên gia đầu ngành mới làm được. Một mình Nguyệt làm sao nổi”. 

Khi bản thiết kế đầu tiên được hoàn thành, đoàn chuyên gia Trung Quốc được mời sang thẩm định đã cười rồi bỏ về. Họ nói lại với người phiên dịch: “Bà Nguyệt chỉ biết máy 110KV, 220KV, chứ bà ấy không biết gì về máy 500KV”. Nhà khoa học lại cặm cụi thiết kế. Đoàn chuyên gia Nga sau đó sang thẩm định vẫn bảo “thiết kế này tốt cho tản nhiệt”, “thiết kế này tốt cho làm mát”. Nhà khoa học nữ nhận ra mình vẫn chưa làm được. Không nản lòng, bà vẫn tiếp tục.

“Trong nghiên cứu khoa học không có sự mạo hiểm thì không bao giờ thành công. Muốn khoa học phát triển phải có mạo hiểm”

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt

Bà bảo làm khoa học thì phải mạo hiểm. Khi Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói với bà “chúng tôi không bao giờ mạo hiểm bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm cái không chắc chắn”, bà đã nổi khùng và nói lại “trong nghiên cứu khoa học không có sự mạo hiểm thì không bao giờ thành công. Muốn khoa học phát triển phải có mạo hiểm”.

Thời gian này bà làm việc 12-13h mỗi ngày. Có thời kỳ làm việc thâu đêm. “Tôi ăn cũng thấy, ngủ cũng thấy, mơ cũng thấy máy biến áp. 10 ngày thì có đến ba ngày mặc quần ngủ lên cơ quan”, bà kể.

Tuổi 63 vẫn miệt mài nghiên cứu

Sau hai năm nghiên cứu, máy biến áp 500KV thành công ngay lần thử nghiệm đầu tiên (máy biến áp 500KV của Liên Xô thành công ở lần thử nghiệm thứ 4). Năm 2012, sản phẩm được Chính phủ công nhận “Sản phẩm trọng điểm Quốc gia”.

Năm 2013, Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp Nhà nước đánh giá tính hiệu quả, tính kinh tế và tính ứng dụng của đề tài nghiên cứu vào loại xuất sắc. Sản phẩm rẻ hơn hàng nhập khẩu 30 tỷ đồng/chiếc, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á và thứ 12 trên thế giới thiết kế, chế tạo thành công sản phẩm này.

Các sản phẩm nghiên cứu trước đó của kỹ sư Nguyệt như máy biến áp 110KV, 220KV cũng giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Bà được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những cống hiến cho ngành điện Việt Nam.

Tốt nghiệp khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1975, bà Nguyệt về công tác tại Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh, nay là Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh. Ở tuổi 63, về hưu gần chục năm nay, nhưng bà vẫn miệt mài nghiên cứu. Bà đang tiến hành cải tiến máy biến áp 500KV.

Ngoài ra, nhà khoa học nữ còn vẽ tranh, làm thơ như một phần không thể thiếu của cuộc sống. “Tranh thủ làm trước khi lên lão”, bà cười khi được phóng viên hỏi về những dự định nghiên cứu tiếp theo.

MỚI - NÓNG