NSƯT Vương Thạch: 'Xây nhà hát 1500 tỷ bây giờ đã là hơi muộn'

TPO - Ông Trần Vương Thạch- NSƯT- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng- Vũ kịch TPHCM (HBSO) trong cuộc trao đổi với Tiền Phong cho rằng, việc đến bây giờ mới xây nhà hát 1500 tỷ đã là hơi muộn. Theo ông Thạch, nhiều nghệ sỹ tài năng của HBSO đã phải ra đi vì thiếu “đất” để phát huy tài năng.

HBSO thành lập đã từ lâu nhưng hình như tới hiện nay vẫn trong tình trạng "Ăn nhờ ở đậu", phải chăng do lãnh đạo TPHCM thiếu sự quan tâm?

Ông Trần Vương Thạch: Nói thiếu sự quan tâm đến chúng tôi là không đúng. Ngay từ khi thành lập năm 1993, HBSO đã được đầu tư khá nhiều trong việc tổ chức đào tạo, thu hút nhân tài cho bộ môn nghệ thuật đặc thù này. Nhưng trong bối cảnh quản lý của TP, không chỉ riêng đoàn chúng tôi gặp khó khăn mà nhiều đoàn khác như Xiếc, Hát bội, Cải lương cũng gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, Nhà hát TP thì đã giao cho Trung tâm tổ chức biểu diễn quản lý, chúng tôi ra sau chỉ được cấp tạm khu tầng hầm của Nhà hát để làm văn phòng. Chúng tôi cũng được cấp rạp Thanh Vân. Nhưng đây là rạp chiếu phim cũ nên kết cấu xây dựng không phù hợp với biểu diễn nhạc vũ kịch, Hơn nữa rạp đã xuống cấp nhiều nên chúng tôi chỉ sử dụng làm kho chứa chứ không thể là nơi biểu diễn. Còn các hoạt động của đoàn như luyện tập biểu diễn đều phải thuê mướn các địa điểm khác.  

NSƯT Vương Thạch: 'Xây nhà hát 1500 tỷ bây giờ đã là hơi muộn' ảnh 1 NSƯT Trần Vương Thạch đang chỉ huy một buổi diễn  

Từ ngày thành lập tới nay, đã bao giờ HBSO kiến nghị xin một nơi biểu diễn, hay cụ thể hơn là xin quản lý Nhà hát TP, nơi phù hợp nhất với hoạt động của HBSO hay chưa?

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được. Trong bối cảnh chung của TP, địa điểm biểu diễn thì nhiều nhưng phù hợp nhạc kịch thính phòng giao hưởng thì chỉ có Nhà hát TP là tạm đủ. Nói là tạm đủ vì đây là Nhà hát đã có tuổi đời hơn 100 năm, chỉ phù hợp với quy mô các buổi diễn nhỏ hay các trích đoạn vở diễn. Còn để gọi là một nhà hát cho đúng nghĩa cho phù hợp với hiện nay thì Nhà hát TP chưa đủ tầm.

Ông có thể chia sẻ cụ thể?

Mỗi một vở diễn đầy đủ thì quy mô dàn hợp xướng có khi tới hơn 200 người bao gồm nhạc công, diễn viên, ca sỹ. Với quy mô Nhà hát TP hiện nay thì từng đó con người sẽ không có chỗ để chen chân chứ đừng nói tới biểu diễn. Đó là chưa kể bên trong hậu trường, chỉ có 2 phòng dành cho tất cả diễn viên, một phòng lớn dành cho mọi người thì không kể, Nhà hát TP chỉ có một phòng nhỏ dành riêng cho Nhạc trưởng, không có chỗ cho cả diễn viên chính.

Nhiều lần tôi đã chứng kiến chuyện tế nhị như ông Nhạc trưởng phải ra ngoài hành lang đứng để nhường phòng cho nữ ca sỹ solista. Rồi âm thanh bên ngoài như tiếng xe ô tô, tiếng ồn ào trên phố cũng không đảm bảo cho các buổi tập hay buổi diễn. Chính vì thiếu một Nhà hát đủ chuẩn mà nhiều Đoàn giao hưởng của thế giới đã không thể tới TPHCM để biểu diễn dù họ rất muốn. 

Với những khó khăn như thế thì đã bao giờ HBSO kiến nghị xây nhà hát chưa?

Nhiều lần chứ, ngay từ khi thành lập chúng tôi đã nêu ý kiến và lãnh đạo TP đã chấp thuận. Tuy nhiên bao năm đã trôi qua mà dự án xây dựng nhà hát vẫn còn nằm trên giấy, từ chuyện dự kiến xây tại 23 Lê Duẩn rồi sau đó là dự kiến xây tại Công viên 23/9. Nhưng rồi mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở dự án. 

NSƯT Vương Thạch: 'Xây nhà hát 1500 tỷ bây giờ đã là hơi muộn' ảnh 2 Chương trình Giao hưởng Giai điệu mùa thu của HBSO 

Việc thiếu một nhà đủ chuẩn khiến HBSO gặp khó khăn gì không trong việc phát triển?

Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc biểu diễn cũng như bị động trong việc định hướng phát triển. Như khi chuẩn bị triển khai xây dựng Nhà hát tại 23 Lê Duẩn, ngoài việc chuẩn bị nhân sự cho nhà hát trong tương lai, HBSO còn được cấp 2 triệu USD để mua nhạc cụ theo tiêu chuẩn, chất lượng châu Âu. Rất tiếc nhà hát đã không được xây như dự kiến và tới hiện nay, nhiều nhạc cụ quý, đắt tiền mua từ ngày đó vẫn chỉ nằm trong kho, chưa thể sử dụng. Sự đầu tư “Lệnh pha” này thực sự gây lãng phí.

Nhiều nghệ sỹ tài năng của HBSO đã phải ra đi vì thiếu “đất” để phát huy tài năng như anh em Nguyễn Hữu Khôi Nguyên- Nguyễn Hữu Khôi Nam hiện đang tham gia dàn nhạc chuẩn giao hưởng thính phòng quốc gia Pháp, còn Hoàng Tuấn Cương thì sang Đức.. Rồi những Hoàng Linh Chi, Vũ Việt Chương hay thậm chí cả Bùi Công Duy cũng phải ra đi… Đây là sự “Chảy máu tài năng” rất đáng tiếc của TP mà chúng tôi chỉ biết luyến tiếc. Nhưng không có cơ hội phát triển tài năng thì họ phải ra đi. 

NSƯT Vương Thạch: 'Xây nhà hát 1500 tỷ bây giờ đã là hơi muộn' ảnh 3 NSƯT Trần Vương Thạch  

Việc kiến nghị kéo dài mà mãi tới hôm nay, TP mới quyết tâm sẽ xây dựng nhà hát Thính phòng- Giao hưởng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông nghĩ đã quá muộn chưa?

Tôi nghĩ là đã hơi muộn. Nhưng muộn vẫn còn hơn là không có. Nếu thử so sánh bước phát triển của âm nhạc Thính phòng- Giao hưởng thì dù chúng ta phát triển trước so với nhiều nước lân cận nhưng vì những khó khăn mà tôi đã nêu trên, hiện nay nhiều nước đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu không sớm có những định hướng đúng thì chúng ta sẽ tụt lại sau họ dù đã đi trước họ nhiều năm. 

Cảm ơn ông!    

MỚI - NÓNG