NSƯT Trần Thanh Hiền-Giám đốc sản xuất chương trình- đang gấp rút cùng ê-kíp họp bàn cho lễ bế mạc SEA Games. Chương trình khai mạc 12/5 thành công tốt đẹp chính là nguồn động lực tinh thần to lớn cho những người thực hiện. UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tin tưởng phân công Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31.
Nhà hát Múa rối Thăng Long gắn với thương hiệu “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi hoạt động ngưng trệ. Để đảm bảo đời sống cho cán bộ, tập thể nghệ sĩ, diễn viên và nhân viên nhà hát, Ban Giám đốc đã bàn tính, xoay hướng nhận thêm hoạt động tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình các chương trình nghệ thuật khác phục vụ khán giả không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước.
Nhận trách nhiệm thực hiện chương trình khai mạc và bế mạc SEA Games là niềm vinh dự và là thách thức lớn đối với Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội. |
“Đây chính là bước tập dượt rất tốt để Nhà hát Múa rối Thăng Long có thể tự tin lãnh trách nhiệm được giao phó-tổ chức thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31”, NSƯT Trần Thanh Hiền nói. Nhiệm vụ này vừa là niềm vinh dự tự hào nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực không nhỏ cho tập thể lãnh đạo và nghệ sĩ nhà hát.
Ê-kíp thực hiện chỉ có 45 ngày chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31, trong khi với tầm vóc của chương trình này đòi hỏi từ 6 tháng đến một năm chuẩn bị. Với vai trò Giám đốc sản xuất, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long phải “cân não” để đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội mời ê-kíp sáng tạo chất lượng nhất. Chương trình nghệ thuật SEA Games bên cạnh mang đến giá trị văn hóa tinh thần còn phải chuyển tải được tinh thần thể thao, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng thật thân thiện, mến khách, giàu bản sắc văn hóa, chủ động kết nối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch.
Ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những điểm nhấn của chương trình. |
Một số công nghệ hiện đại trong khai mạc SEA Games 31: công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX) (bao gồm thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality), thực tế ảo (VR-Virtual Reality), thực tế hỗn hợp (MR-Mixed Reality).
“Mặc dù đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp trên sân khấu trong nhà và ngoài trời, tuy nhiên chúng tôi rất áp lực khi tổ chức hai chương trình nghệ thuật lớn tầm cỡ quốc gia như thế. Dưới sự chỉ đạo của Tiểu ban Khai mạc và bế mạc (Ban tổ chức SEA Games 31), Nhà hát Múa rối Thăng Long đã triển khai lựa chọn, giới thiệu các ê-kíp thực hiện gồm tổng đạo diễn, đạo diễn sân khấu, tác giả kịch bản, biên đạo múa, đơn vị sản xuất âm thanh, ánh sáng… và theo sát chương trình, khớp nối các bộ phận từ đầu đến cuối. Đây là những nghệ sĩ, đơn vị có năng lực, uy tín và hơn hết là tinh thần quyết tâm cao độ gánh vác trọng trách lớn”, NSƯT Trần Thanh Hiền nói.
Gần nghìn nghệ sĩ, vận động viên trong màn kết đặc biệt. |
Ở cương vị Giám đốc sản xuất, chị nói vô cùng may mắn mời được ê-kíp sáng tạo và cố vấn, đặc biệt là tổng đạo diễn-NSƯT Trần Ly Ly, Quyền cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn. Là nhà quản lý nên NSƯT Ly Ly có tầm nhìn bao quát, có khả năng gắn kết các nhóm thực hiện để tạo nên chương trình xuyên suốt, nhịp nhàng vừa đảm bảo giữ vững bản sắc văn hóa nhưng vẫn đưa được yếu tố đương đại và hội nhập quốc tế. Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường cũng là một gương mặt đạo diễn tài năng, nhiều ý tưởng, có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại và đón được xu hướng của khán giả.
Sự kỳ vọng của hàng triệu người Việt Nam và khán giả trong khu vực là điều mà ê-kíp phải đối diện trong suốt quá trình thực hiện. NSƯT Trần Thanh Hiền bày tỏ, dù biết còn nhiều dự định và ấp ủ chưa thực hiện được, nhưng ê-kíp đã chọn phương án tốt nhất trong 45 ngày để làm nên chương trình nghệ thuật giàu cảm xúc và đạt được những mục tiêu mà lãnh đạo Bộ, UBND TP. Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội đề ra.
Nhà hát Múa rối Thăng Long nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, UBND TP. Hà Nội và Sở VHTT Hà Nội. |
Chương trình diễn ra thành công phải nhờ cả đội ngũ gần nghìn nghệ sĩ, nhân sự tham gia sản xuất và biểu diễn. “Nhiều thành phần sáng tạo, ê-kíp sản xuất và diễn viên vượt qua những ngày ‘dính’ COVID-19 để nỗ lực hoàn thành tiến độ”, Giám đốc sản xuất nêu.
Một trong những giải pháp và cũng là sự mạnh dạn của ê-kíp ở đây là sử dụng công nghệ ánh sáng, đồ họa hiện đại bậc nhất mà gần đây các sự kiện lớn như Thế vận hội mùa hè Tokyo Nhật Bản 2020, Thế vận hội Bắc Kinh 2022 đã sử dụng. “Một trong những điều tự hào của chúng tôi là đã huy động nhân sự, công ty trong nước để thực hiện công nghệ hiện đại nhất cho lễ khai mạc-điều mà ban đầu nhiều người không dám tin”, NSƯT Trần Thanh Hiền nói.
NSƯT Trần Thanh Hiền (thứ hai từ phải qua) nỗ lực cùng ê-kíp sáng tạo hoàn thành trọng trách. |
Chưa hé lộ nhiều về lễ bế mạc, tuy nhiên Giám đốc sản xuất Trần Thanh Hiền cho biết, chương trình bế mạc diễn ra tại Cung Điền kinh sẽ mang màu sắc trẻ trung hơn, có sự xuất hiện của một số ngôi sao trẻ của Hà Nội. Ê-kíp chỉ còn vài ngày chạy nước rút để đem đến chương trình như lời chào ấm áp và ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Cố vấn nội dung:PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái, PGS. TS. Trần Đức Cường; Cố vấn nghệ thuật : NSND thuý Mùi , NSND Đức Trịnh, Lương xuân Đoàn, NSND Phạm Anh Phương, nhà sử học Lê Văn Lan; Kịch bản :NSƯT Trần Ly Ly, Hoàng Công Cường; Tổng đạo diễn: NSƯT Trần Ly Ly; Đạo diễn Sân khấu: Hoàng Công Cường; Trợ lý Tổng đạo diễn:Phan Huyền Thư - NSƯT Lê Khánh Toàn - Nguyễn Hồng Nhung - Vũ Đình Thắng - Nguyễn Thuỳ Linh; Đạo diễn âm nhạc:Nhạc sỹ Bùi Huy Tuấn; Đạo diễn múa:NSND Kiều Lê - NSND Hồng Phong và nhóm Biên đạo; Đạo diễn hình ảnh và công nghệ: Nguyễn Hồng Vỹ, HCC Productions, Vision art, Pixel; Giám đốc kĩ thuật: Nguyễn Trọng Dũng; Giám sát sản xuất: Ngọc Sơn - Xuân Lê; Đạo diễn ánh sáng: Nguyễn Ngọc Lâm; Thiết kế ánh sáng: Nguyễn Minh Tân; Thiết kế sân khấu: Trịnh Hải Nam; Chuyên gia âm thanh: Bùi Lê Hoàng Tần Huy; Thiết kế âm thanh: Lê Nguyên; Thiết kế phục trang và đạo cụ: Ngô Văn Thắng, Nguyễn Văn Duy, Phùng Khải, Cao Tùng, Tuấn Hương, Ly Nguyễn và nhóm cộng sự; GĐ sản xuất: NSƯT Trần Thanh Hiền; Đơn vị Sản xuất: Nhà hát Múa rối Thăng Long; các công ty tham gia sự kiện: HCC Productions, Rose Media, Hoàng Long, Quang Vinh, ADT, Vision Art, Pixel, Sense Art,Thang Long media,Lộc Thành,Nguyễn Lê.