Kể cả đạo diễn, MC cũng làm tặng đúng nghĩa, không ai lấy thù lao, thậm chí còn cho thêm Thanh Hoa tiền làm show. Thanh Hoa hát không nhiều nhưng đa dạng. Chị hát Bài không tên số 4 (Vũ Thành An), dè dặt nói là tặng riêng cho những người có mặt trong khán phòng. Tuy nhiên đây lại là một trong những bài thành công của liveshow. Thanh Hoa hát bằng giọng thật (đối lập hẳn với những nốt cao làm nên tên tuổi của chị). Ở những đoạn cao trào, chị vẫn khẽ khàng thủ thỉ. Biết đâu nhạc tình, nhạc xưa lại là lối đi tiếp theo của Thanh Hoa ở tuổi ngấp nghé 70.
Trong 35 năm 7 tháng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Hoa thu đơn ca 478 bài, tính cả song ca, lĩnh xướng… lên đến hơn nghìn bài, chưa kể tầm 500 bài đang nằm trong kho của Dihavina. “Với tất cả các chủ đề phân gio, lúa má, gạch ngói, kế hoạch hóa gia đình, tất cả các ngành nghề, Em đi làm tín dụng, thợ nề, thợ quét vôi, thợ quét rác…”, chị nói. “Không hiểu sức lực nào để hát từng ấy bài. Có bài nghe lại không tin là mình hát vì nó véo von quá, trong quá, cao cứ ở đâu ấy!”. Sau đêm diễn, Thanh Hoa tâm sự: Cả một đời đã hát phục vụ khán thính giả, giờ cũng muốn hát những gì mình thích. Vì thế mà chị ra bộ 3 CD tặng bạn bè, khán giả hâm mộ, trong đó một đĩa dành riêng cho dòng nhạc chị đang thích: Phôi pha, Không tên số 4, Không tên số 2, Giọt mưa thu, Cô lái đò, Con thuyền không bến, Hoài cảm…
Thanh Hoa chọn một bài hát không phải hit của mình làm tựa đề đêm nhạc: Em vẫn như ngày xưa. Bài hát từng nổi tiếng qua giọng hát Thanh Hoa nhưng sau đó dường như chìm vào quên lãng vì không ai hát lại. Một ví dụ tiêu biểu về mối tương quan chặt chẽ giữa bài hát và người hát. Ngay như Tình yêu bên dòng sông quan họ hay Tàu anh qua núi… dù không ít người hát lại nhưng bài hát không gắn với cái tên nào khác nữa ngoài Thanh Hoa. Về Phan Lạc Hoa, người nhạc sĩ để lại cho chị vẻn vẹn 2 bài hát, và 2 người con, Thanh Hoa nói: “Người chồng thứ nhất đã cho tôi một thương hiệu. Tôi luôn mang ơn anh. Anh luôn luôn cho tôi leo thật cao ở một cái đỉnh của tình yêu. Sau này nhiều người hát lại nhưng ai cũng vẫn nhớ đến Tàu anh qua núi của một tình yêu ấy”.
Về người chồng thứ hai, nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi, Thanh Hoa nói: “Cảm ơn anh đã gắn bó và là chỗ dựa. Tôi có lỗi với anh rất nhiều, trong suốt gần 40 năm sống với nhau, nhưng tôi không trọn vẹn nghĩa vụ người vợ. Các con tôi chả chăm sóc được gì, bao nhiêu sức lực toàn đi dạy hát với phục vụ. Tôi không có mùa xuân nào để ở nhà với chồng con. Cứ đến tết thì không lúa ơ là lúa (Làng lúa làng hoa) chỗ này thì lại lúa ơi là lúa ở chỗ khác. Cứ đi gieo lúa trồng khoai với leo núi suốt cả mùa xuân…”. Thanh Hoa kể, phải 5 năm sau khi chị hát Làng lúa làng hoa và khiến cho bài hát nổi tiếng, chị và tác giả mới gặp nhau. Và cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ đều có tí “hụt hẫng”, vì cả hai bên đều có hình dung khác về ngoại hình đối phương.
Thanh Hoa kể một lần chị tham gia chương trình ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong khi cậu con trai Tôn Sơn đang sốt hơn 39 độ nằm ở Bạch Mai, bố Sơn cũng đang đi diễn xa. Hai chị, chủ yếu là chị cả Phan Huyền Thư, phải chăm em. Dù sốt ruột, nhưng Thanh Hoa vẫn phải chờ đến cuối chương trình mới đến lượt. Leo núi xong khán giả không cho vào, “bắt” leo tiếp. “Hạnh phúc và lo âu đan xen”, chị kể. “Không biết con mình thế nào, không có ai để hỏi. Không biết nói với khán giả thế nào, tôi đành phải leo núi lại mà hai dòng nước mắt chảy…”. Và từ đó, mỗi khi Thanh Hoa lên đến nốt cao nhất của bài hát lại nhớ đến con trai, nay đã là đồng nghiệp với mình. Và cả con gái của Tôn Sơn cũng đã thể hiện tài năng ca nhạc khi tham gia liveshow của bà với Ông bà tôi, vừa hát vừa nhảy cùng vũ đoàn đâu ra đấy.
Với các ca sĩ, việc cầm mic lên hát rất đỗi bình thường nhưng với Thanh Hoa, đó hẳn là cả một sự… khoan khoái. Chị kể kỷ niệm đi hát ở Trường Sơn, thường xuyên phải làm bạn với loa phóng thanh cầm tay. Chị phải vừa bê loa vừa đi vòng quanh tiếng hát mới phủ sóng hết khán giả. Lần dừng chân bên cầu Hiền Lương, Thanh Hoa cũng hát như thế. Bỗng nghe thấy các chiến sĩ hét lên từ xa: “Bấm vào kíp loa đi…”. Hóa ra mỏi quá, nên ngón tay ca sĩ đã buông kíp loa ra lúc nào không biết.
Ngày 28 Tết năm đó, bộ phận văn thư báo Thanh Hoa có quà Tết. Thế là sau khi thu bài cuối cùng trong năm, làm đủ các thủ tục cần thiết, Thanh Hoa háo hức đạp xe ra bưu điện. Bưu điện thấy chị cũng phấn khởi vì chỉ chờ giao nốt gói quà là được nghỉ Tết. Quà là một cân đường đỏ. Ngoài ra còn một phong bì. Chị run run mở tiếp, thấy tấm thiếp chúc Tết ghi giản dị: “Chúc mừng năm mới! Cảm ơn đã hát hay!”, dưới đề “Vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên”. Kèm theo một bông hồng, với tấm ảnh chân dung một anh bộ đội mà Thanh Hoa mô tả “bé bằng con ruồi” ở chỗ nhụy hoa. Mãi đến khi có dịp gặp nhạc sĩ, chị mới biết đó chính là chân dung An Thuyên. “Chỉ một cân đường thôi nhưng vị ngọt đi theo tôi suốt cuộc đời làm ca sĩ,” chị nói. “Tôi biết ơn các nhạc sĩ đã tin tưởng và chắp cánh cho giọng hát Thanh Hoa”. Thực ra thời kỳ đó, nhạc sĩ cũng ít có cơ hội làm việc trực tiếp với ca sĩ. Các bài hát được giao cho người hát thông qua Đài.
Lần đầu tiên Thanh Hoa “khoe” sáng tác của mình, mà chị khiêm tốn gọi là “ý nghĩ bằng âm nhạc”. Chị sáng tác không ít nhưng tự thấy bài mình viết lại giông giống những bài mình đã hát nên không công bố. Bài hát may mắn được tác giả Thanh Hoa cho trình làng tên là Hãy quên tôi đi.
Bài hát đầy tính tự sự viết trong một đêm ở Praha. Tại một ga tàu điện ngầm, Thanh Hoa ngồi co ro, khóc vì: “Làm sao mình bị quên vô lý, mình có làm gì nên tội mà chả ai biết mình là ai”. Cùng lúc, những câu hát bật ra: “Hãy quên tôi đi như mùa đông quên lạnh giá/Hãy quên tôi đi như mùa thu lá quên rơi…”. Mặc dù khi đó, hơn lúc nào hết, chị mong điều ngược lại xảy ra. Vì chị đang bị lạc, ngoại ngữ không biết, và không tìm được ai hiểu tiếng Việt để hỏi đường về nhà khách của đại sứ quán. Đó là năm 1986, Thanh Hoa sang Praha dự một liên hoan ca nhạc cùng nhạc sĩ Phan Phúc và NSƯT Mạnh Hà. Chị trốn đoàn đi chơi bằng tàu điện ngầm, vì mải nhìn… một đôi hôn nhau, lỡ mất ga cần xuống. Và chắc hẳn đó cũng là một lý do khiến chị hát thành công Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng) với câu hát: “Đường phố ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau…”.
Với lối nhả chữ, luyến láy thuần Việt, Thanh Hoa được mặc định là đại diện dòng nhạc mang âm hưởng dân gian. Nhưng thực ra thời hoàng kim chị hát đủ thể loại, kể cả nhạc ngoại (Vì sao anh ra đi). Thanh Hoa có thể coi là “bà đỡ” cho các nhạc sĩ khi còn trẻ như Dương Thụ với Em đi qua tôi, Tâm sự người ca sĩ (Phú Quang) ngoài chị hầu như cũng ít ai đụng tới. Vì thế Thanh Hoa có thể xem là một gạch nối duyên dáng giữa nhạc đỏ, mang tính tuyên truyền và nhạc nhẹ trữ tình sau này.