NSND Quang Thọ - phong độ tuổi 70

TP - Đêm nhạc Hãy đến với anh của NSND Quang Thọ vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc, nhất là với những ai có duyên nợ với đất mỏ. Nhạc là dịp để giọng ca 70 tuổi thể hiện kỹ thuật mẫu mực trong những bản hùng ca, trường ca đồng thời vẫn đầy cảm xúc trong những nhạc phẩm trữ tình.

Có sự hiện diện của một số lãnh đạo cấp cao, đêm nhạc Hãy đến với anh của NSND Quang Thọ tại Cung Văn hóa Hữu Nghị bắt đầu đúng 8 giờ tối. Sau bài tam ca mở màn hoành tráng Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân), chủ nhân hát liền ba bài: Lá đỏ (Hoàng Hiệp) kỷ niệm thời văn công chiến trường, Bài ca xây dựng (Hoàng Vân) đem lại HCV chuyên nghiệp đầu tiên, Đêm đông (Nguyễn Văn Thương)- sáng tác tiêu biểu của nguyên hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội - người có công “bứng” được giọng ca vùng mỏ lên thủ đô. 

Từ vị trí khá gần sân khấu, mới đầu người viết ngỡ Quang Thọ… hát nhép. Vì âm thanh vang lên chuẩn như thu âm, miệng nghệ sĩ mở nhỏ, nhưng tiếng hát sâu, đầy nội lực. “May” mà âm thanh bị trục trặc (Quang Thọ đang hát thì mất loa) - như để minh chứng ông đang hát thật. Dù Quang Thọ chưa đạt tới 100% phong độ (không biết có phải vì buổi sáng tổng duyệt như thật) nhưng những gì ông thể hiện cũng đủ để thuyết phục khán giả.

NSND Quang Thọ - phong độ tuổi 70 ảnh 1 Đêm nhạc ấm tình thầy trò, bè bạn… của NSND Quang Thọ

Ngay việc chọn Hãy đến với anh (Duy Thái) làm chủ đề chương trình đã cho thấy Quang Thọ không muốn chỉ khép mình trong kỹ thuật kinh viện. Ông trẻ lại trong bài chủ đề song ca với học trò Khánh Linh, tình tứ trong Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn) với Lan Anh và dành nhiều đất cho học trò cưng Tùng Dương thể hiện. Dương là khách mời duy nhất được đơn ca hai bài, đều về quê hương của thầy: Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương) và Hò biển (Nguyễn Cường). Dương kể lần đầu ra mắt thầy đã bị đuổi: “Học thanh nhạc phải to như trâu mộng, đằng này người bé như cái kẹo mút dở thế này làm ăn gì…”. Nhưng dù sao thì sau nhiều năm theo thầy Thọ, Dương bây giờ đã có thể hát không chỉ hay mà còn rất khỏe.

Hãy đến với anh có 8 khách mời (trong đó có Quang Tú - con trai Quang Thọ), không phải ai cũng được đơn ca, và không phải ai cũng là học trò Quang Thọ. Trọng Tấn nói rõ trên sân khấu: không trực tiếp học nhưng được thầy dựng cho khá nhiều bài để đi thi, đi diễn. Có vẻ lời dẫn của MC dễ gây hiểu lầm là tất cả các giọng ca thành danh có mặt trên sân khấu này đều do thầy Thọ dạy dỗ. 

NSND Quang Thọ tâm sự chưa bao giờ giao lưu khán giả bằng cách “chạy xuống hàng ghế để dựng khán giả dậy”. Ông giải thích: “Cũng như người độc tấu không thể rời cây đàn (để xuống với khán giả). Tôi biểu diễn, hóa thân cùng "cái đàn" của tôi. Nội lực tiếng hát của mình xuất phát từ đâu thì sẽ đến đấy, nếu từ trái tim ca sĩ thì sẽ đến trái tim khán giả”. Trong đêm nhạc kỷ niệm tuổi 70, ông phá lệ một chút khi từ hàng ghế khán giả bước lên song ca với giọng nữ đồng hương. Thực ra ngay từ họp báo, khi ông nói sẽ có một khách mời phút chót mới lộ diện, một số người đã có thể đoán ra không ai khác ngoài NSND Lê Dung (1951-2001), giọng nữ nổi bật cùng thời với Quang Thọ.

Giọng Lê Dung vang lên chất chứa trong bài hát về quê hương Những ngôi sao ca đêm (Phạm Tuyên). Bài hát có những câu lãng mạn như: “Cẩm Phả đêm nay nằm mơ về nơi ca đêm…”. Và cả hai giọng ca “vàng đen” vút bay trong câu kết: “Tổ quốc trao cho chúng tôi cả đất trời đầy sao”. Họ đã trưởng thành và cống hiến cho quê hương bằng tài năng như thế. 

Hiếm có đêm nhạc nào mà ở bài kết, khán giả (là những người đứng đầu tập đoàn than) lại vô tư lên hát, vỗ tay chung vui cùng nghệ sĩ trong bài Tình ca người thợ mỏ (Hoàng Vân). Được biết tập đoàn Than đã mua khá nhiều ghế trong khán phòng. Sau Hà Nội, vùng than Quảng Ninh có lẽ là một trong vài địa danh có nhiều bài hát hay. Đêm nhạc Quang Thọ mới chỉ khai thác một phần trong số đó. 

Quang Thọ có kế hoạch tổ chức đêm nhạc đậm chất thính phòng tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 vào tháng 12. Sau đó ông nhận được lời mời từ nhà tổ chức Vietart (nữ giám đốc lại là cháu của bạn cùng lớp cấp 3 với Quang Thọ) nên mới có Hãy đến với anh - khá hoành tráng về sân khấu, dàn nhạc, khách mời hùng hậu và hoa thì vô số kể. Hiếm có đêm nhạc nào lại được đón Phó Thủ tướng cùng nhiều khán giả VIP ngồi dự từ đầu đến cuối như vậy.

Vẫn có một số tiểu tiết chưa được chu toàn trong đêm nhạc Hãy đến với anh của NSND Quang Thọ. Ngoài một số hạn chế về âm thanh, vài hình ảnh đồ họa cũng chưa thực sự trau chuốt. Tuy nhiên, việc quan tâm tôn vinh những giọng ca gạo cội có nhiều cống hiến đã là một ý thức đáng hoan nghênh.

Nhiều người trong giới cho rằng những giọng hát đào tạo chính quy sẽ giữ được độ bền với thời gian. Nhưng thực tế giọng thính phòng vẫn làm show bán vé ở tuổi 70 như Quang Thọ khá hiếm (trong dòng nhạc tình, bolero thì Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Chế Linh, Thanh Tuyền… tuổi trên dưới 70 vẫn làm show đều). Có vẻ duy trì giọng hát là một chuyện, giữ khán giả lại là chuyện khác. Và trường lớp là yếu tố quan trọng nhưng không mang tính quyết định.

MỚI - NÓNG