NSND Hồng Vân trò chuyện với Zing.vn sau khi đã đạt được thỏa thuận xong những điều khoản về giá thuê mặt bằng với đơn vị cho thuê sân khấu kịch Super Bowl.
Chị quyết định sẽ mở cửa sân khấu vì tình yêu của khán giả và những người ủng hộ mình, cũng như nhận được sự hỗ trợ tối đa về giá của đơn vị cho thuê.
Mỗi năm hoạt động lỗ 2 tỷ đồng vì thuê mặt bằng giá cao
- Super Bowl gắn bó với chị 10 năm qua, sân khấu này có ý nghĩa với chị thế nào?
- Dù sân khấu này chỉ là chi nhánh nhưng tôi cũng buồn lắm khi phải đưa ra quyết định đóng cửa. Những ngày qua tôi cứ bần thần người. Ngồi với các diễn viên ở sân khấu ngày cuối cùng, tôi cảm thấy như mất đi những gì thân thương.
Bây giờ, tôi mừng vì đơn vị cho thuê cũng trân trọng sân khấu, hỗ trợ hết mình về giá thuê và hỗ trợ nhiệt tình để sân khấu sáng đèn.
Nơi này gắn bó nhiều với tôi, đặc biệt là diễn viên trẻ. Các em học viên do sân khấu đào tạo từ lứa đầu tiên chập chững vào nghề đến bây giờ được khán giả biết tới là cả quãng thời gian phấn đấu miệt mài.
Khác với sân khấu Phú Nhuận, ở Super Bowl, chúng tôi coi đây như ngôi nhà thật sự của mình, có thể làm được những việc mình muốn như giảng dạy, tập luyện bất cứ lúc nào. Còn ở sân khấu Phú Nhuận, chúng tôi như một người khách, ở đó trống thì họ cho mình thuê, không thì thôi.
- Lý do đóng cửa sân khấu là thua lỗ. Vậy cụ thể số lỗ mà chị phải gồng gánh cho sân khấu suốt 2 năm qua?
- Sân khấu mở được 10 năm nhưng mới 2 năm gần đây mới thua lỗ. Những năm trước cũng không có lời nhưng vẫn duy trì được. Thời điểm đó, khán giả đến với sân khấu nhiều. Mỗi tuần sân khấu diễn 7 suất. Mỗi suất chỉ cần duy trì ở mức 100 vé là sân khấu duy trì được.
Hai năm qua, suất diễn cắt giảm tối đa, mỗi tuần chỉ diễn 2 suất vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Trong khi đó giá thuê mặt bằng tính theo USD và ngày càng tăng. Mỗi tháng sân khấu phải trả tiền mặt bằng khoảng 150 triệu đồng.
Trước tình cảnh khó khăn của sân khấu, các diễn viên, đạo diễn, tác giả đã tự động giảm cát-xê để đỡ dần khó khăn với tôi. Nếu mọi người không hỗ trợ như thế, tôi đã đóng cửa sân khấu sớm hơn.
Nói về con số thua lỗ chi tiết thì tôi không thể thống kê cụ thể được nhưng nhìn vào tiền mặt bằng và số suất diễn thì số tiền lỗ của tôi phải gánh trong hai năm qua là không dưới 2 tỷ đồng.
- Lý giải về nguyên nhân sân khấu giảm khán giả nhiều ý kiến cho rằng do chất lượng vở diễn chưa tốt. Việc chị tạo cơ hội cho bạn trẻ làm nghề ở sân khấu là điều tốt nhưng hạn chế là chất lượng vở diễn chưa đủ sức hấp dẫn, thuyết phục người xem. Quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?
- Khi thành lập sân khấu Super Bowl mục đích của tôi là đào tạo các em trẻ và kịch mục hướng tới khán giả trẻ. Sân chơi, môi trường cho diễn viên, đạo diễn trẻ bây giờ rất hiếm.
Đây cũng là môi trường để sàng lọc các học viên. Đầu tiên các bạn ở Super Bowl chỉ ở mức bình thường, sau đó ai đủ vững thì sang Phú Nhuận đóng những vở khó hơn. Ví dụ như Xuân Nghị, Tuấn Dũng, Lạc Hoàng long… đủ sức đứng chung với các anh chị lớn trong những vở kịch có tính văn học.
Ở đó, diễn viên làm theo kiểu vừa học vừa làm, lấy ngắn nuôi dài. Các em cũng có các anh chị dày dặn kinh nghiệm uốn nắn từ từ.
- Trải qua thời gian dài đối diện với khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lần chị đã muốn dừng lại. Vậy điều gì khiến chị không thể buông bỏ sân khấu?
- Nhiều lần rồi. Tôi cảm thấy mình bị ngợp giữa muôn vàn khó khăn. Một sân khấu xã hội hóa như người đơn độc, tự đi, tự té và tự đứng lên. Nhìn các em nhỏ yêu nghề khủng khiếp tôi nhớ lại mình của ngày xưa.
Thời đó, các anh chị cô chú đi trước cũng gặp khó khăn nhưng mọi người đã vượt qua mới có được mình hôm nay. Đó chính là động lực để tôi cố gắng gồng gánh sân khấu Phú Nhuận. Khi nào sức khỏe không đảm bảo thì tôi mới dừng lại.
- Anh Lê Tuấn Anh luôn có mặt trong mọi sự kiện của sân khấu, còn với khó khăn, anh ấy chia sẻ với chị thế nào?
- Nếu không có anh thì sao tôi đứng vững được suốt 15 năm qua với sân khấu. Những lúc sân khấu khó khăn thì anh chính là mạnh thường quân, lấy doanh thu từ nhà hàng bù đắp cho. Tôi có làm gì khác ngoài nghệ thuật đâu, cũng không có ai tài trợ cả.
Nhà nước không tài trợ thì có đơn vị nào tài trợ được? Nhà tài trợ họ muốn thấy lợi nhuận ngay trước mắt mà sản phẩm văn hóa không bao giờ có lợi liền, phải 5-10 năm sau. Vì vậy không ai dại đổ tiền vào sân khấu.
Hiện nay, sân khấu Phú Nhuận thì tôi vẫn cân đối được thu chi vì không bị áp lực quá lớn về tiền mặt bằng. Ở đây, sân khấu diễn suất nào trả tiền suất đó.
- Một mình trong cuộc chiến đơn độc làm kịch xã hội hóa giữa khó khăn và thua lỗ, sức khỏe và tình yêu nghề có bị giảm sút?
- Có, nhiều chứ. Lòng yêu nghề thì tất nhiên không thể nhiệt huyết được, có lúc nản, muốn buông bỏ. Tôi chạnh lòng khi không nhận được sự quan tâm từ các cơ quan quản lý văn hóa. Không một ai, cơ quan nào hỏi tới khi tôi đóng cửa sân khấu, trong khi đó rất nhiều khán giả chia sẻ với tôi. Ngay cả đơn vị cho thuê mặt bằng, làm kinh tế nhưng sẵn sàng giảm lợi nhuận để sân khấu hoạt động.
Với tâm trí thì tôi phải suy nghĩ nhiều và buộc mình phải bươn chải ở ngoài để bù đắp cho sân khấu. Như vậy, tôi phải làm việc gấp đôi, gấp ba, bào sức và nnow ron thần kinh rất nhiều.
Trước đây tôi không làm gameshow để tập trung cho sân khấu nhưng giờ thì buộc phải làm, lấy ngắn nuôi dài. Học trò có kiểu lấy ngắn nuôi dài của học trò, còn mình thì có kiểu của mình.
- Chị cũng nhận show ngoài, vậy sao có tin chị giận đàn em là một số ngôi sao trưởng thành từ sân khấu nhưng lại bỏ đi đóng phim, làm game show?
- Tôi chưa từng giận ai cả vì các bạn trước khi nghỉ đều hỏi ý kiến tôi mới nghỉ. Bản thân tôi cũng trải qua khó khăn thì không thể trách các bạn được. Đức Thịnh, Thái Hòa, Ốc Thanh Vân... đã gắn bó với sân khấu quá lâu, hơn 10 năm rồi. Ai cũng có chồng, vợ, con cái, phải lo cơm áo gạo tiền và không phải ai cũng cùng lúc làm được nhiều việc.
Ví dụ Thái Hòa chỉ có thể làm được một việc một lúc. Đức Thịnh vừa là tác giả, đạo diễn, sản xuất phim nên dù Thịnh có cố gắng làm sân khấu thì cũng chỉ là cái xác thôi. Nếu làm thì sức và tâm trí đâu mà đặt mình vào nhân vật được. Khi yêu mới làm được, lơ đãng thì chẳng thà quyết định xa sân khấu một thời gian thì tốt hơn.
Ốc Thanh Vân mới đây cũng nói với tôi nghỉ vì sức khỏe và cần thời gian chăm sóc ba đứa nhỏ. Khi mọi người xin nghỉ, tôi hiểu và đồng ý liền. Tôi cũng có con, gia đình nên tôi hiểu. Các bạn ấy nghỉ không ảnh hưởng đến hoạt động của sân khấu. Có các bạn thì vở diễn mạnh hơn nhưng không có các bạn thì diễn viên trẻ phải cố gắng tập kỹ hơn.
- Mùa kịch Tết 2018 tại sân khấu miền Nam được đánh giá khả quan với những suất diễn đầy ắp khán giả. Liệu đây có thể coi là tín hiệu tốt cho sân khấu năm nay?
- Sân khấu vào dịp Tết thường hoạt động tốt, kín 2/3 số ghế. Thưởng thức kịch vào ngày Tết đã trở thành thói quen của người dân Sài Gòn nhưng ngày thường thì khá buồn.
Những năm trước sân khấu Phú Nhuận ít có trường hợp trả vé, chỉ trừ trường hợp diễn viên ốm, cấp cứu. Còn năm qua, chúng tôi phải trả vé nhiều ngày vì lượng vé bán ra không đủ, thường dưới 50 vé.
Những ngày đó tôi không thể bình yên được. Nỗi lo chồng chất nhưng hơn cả là lo lắng cho lửa nghề của diễn viên. Khi đó các bạn không đủ hưng phấn để làm nghề.
Dù tình hình sân khấu không khả quan thì tôi tin vẫn không thể chết. Những giá trị đích thực rồi sẽ có ngày được khán giả nhìn nhận lại.