Nông nghiệp công nghệ cao: Loay hoay tìm quỹ đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội hiện có khoảng 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...

Theo đánh giá, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hà Nội bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân. Thế nhưng, việc đầu tư phát triển nông nghiệp CNC ở Hà Nội còn gặp nhiều rào cản, trong đó đặc biệt là quỹ đất và vốn.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho biết, Hợp tác xã có 5ha trồng rau hữu cơ trong đó 3ha là trồng trong nhà kính. Để có được số đất trên, Hợp tác xã đã thuê, mua của khoảng 200 hộ dân địa phương.

Nông nghiệp công nghệ cao: Loay hoay tìm quỹ đất ảnh 1

Rau hữu cơ được trồng tại Hợp tác xã Cuối Quý

Tuy nhiên, bà Cuối cho biết, qua 6 năm hoạt động, khó khăn nhất với Hợp tác xã là nguồn vốn. Tổng mức đầu tư đến nay đã lên đến khoảng 8,5 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng bà phải vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những định hướng quan trọng của Thủ đô. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển các khu nông nghiệp CNC hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi nguồn lực đầu tư ban đầu cho nông nghiệp CNC lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm nên các doanh nghiệp không mặn mà.

Trước những khó khăn của nông nghiệp CNC, thời gian qua, các địa phương cũng đang tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Sóc Sơn, UBND huyện đã giao các xã rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp. Còn tại huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, lãnh đạo huyện đã vận động người dân liên kết với doanh nghiệp. Theo đó người dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư, người dân được nhận vào công ty, hợp tác xã để đào tạo và làm việc.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để phát triển nông nghiệp CNC, thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Theo ông Quyền, thành phố đang giao Sở NN&PTNT rà soát cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để tổng hợp vào Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo hành lang thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

MỚI - NÓNG