Nông nghiệp chạy nước rút để tiêu 60.000 tỷ đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong vòng 4 năm tới, nguồn vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp tăng vọt, lên tới 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân trong những tháng đầu năm vẫn mới chỉ dừng ở khâu chuẩn bị thủ tục. Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp có những cách làm đột phá, linh hoạt để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả.

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, bộ này đã hoàn thành 246/288 dự án đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân đạt ở mức cao khoảng 86,7%, trong đó vốn trong nước đạt 95,6%, vốn ODA đạt 64,8%. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp khai thác hết tiềm năng, trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư dành cho ngành nông nghiệp tăng 30% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Vốn vay ODA cũng tăng gấp đôi. Do đó, mỗi năm, Bộ NN&PTNT phải giải ngân 20.000 tỷ đồng. Tính trong 3 năm (2023 - 2025), toàn ngành phải tiêu hết khoảng 60.000 tỷ đồng, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải căng mình, thay đổi cách làm. Tuy nhiên, hiện giải ngân đầu tư công trong 5 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT lại mới dừng ở mức thấp so với mọi năm, với tỷ lệ khoảng hơn 16%, gây áp lực cho việc thực hiện trong năm nay và cả giai đoạn.

Nông nghiệp chạy nước rút để tiêu 60.000 tỷ đầu tư công? ảnh 1

Số vốn đầu tư công cho ngành nông nghiệp tăng lên 30% so với giai đoạn trước

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, sở dĩ tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong nửa năm 2022 ở mức thấp do phần lớn các dự án của Bộ NN&PTNT đều chuẩn bị đầu tư mới nằm trong kế hoạch trung hạn 2021-2025. Trong đó, các dự án đang ở bước tiền khảo sát thiết kế và đấu thầu, khâu này mất khoảng 5 tháng; sau đó tiếp tục đến khâu thiết kế kỹ thuật và phê duyệt mất khoảng 5 tháng nữa rồi mới triển khai.

“Số tiền dành cho khảo sát thiết kế chỉ chiếm 12-15% nguồn vốn nên việc thực hiện xong những bước này, tỷ lệ giải ngân cũng chỉ ở mức thấp. Bắt đầu từ quý 4, khi đi vào xây dựng, việc giải ngân sẽ tăng rất nhanh. Bộ NN&PTNT cam kết năm nay sẽ giải ngân đạt 95% đối với các dự án nguồn vốn trong nước”, ông Thanh khẳng định.

Theo vị này, hiện tại, Bộ NN&PTNT chỉ còn 4 công trình (trong tổng số 49 dự án) thực hiện trong giai đoạn 2016-2021 chậm tiến độ do tính phức tạp và vướng mắc về khâu tái định cư…Bộ đã xin Chính phủ cho phép kéo dài và trong tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoàn thành trong năm 2022.

Với các dự án sử dụng vốn ODA, hiện có những quy định khá ngặt nghèo và ràng buộc nhiều thủ tục, nhiều cơ quan khác nhau nên việc thực hiện gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, có một số dự án về xây dựng trường đào tạo nghề, hồ sơ Bộ NN&PTNT đã làm việc xong với Bộ Tài chính nhưng còn chờ bộ khác (cùng trách nhiệm trong thực hiện) tổ chức đấu thầu. Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ Tài chính tách hồ sơ, trường hợp nào hồ sơ đã làm xong, thì cho phép bố trí vốn để triển khai kịp tiến độ, không chờ thủ tục làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Linh hoạt điều chỉnh vốn

Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2025, bộ này sẽ khởi công xây dựng 127 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó phần lớn là các công trình thủy lợi, hồ chứa, cảng cá...Ngoài ra, còn 2 dự án nhóm A đã trình Thủ tướng và đang chờ phê duyệt. Tránh “vết xe đổ” trong giai đoạn trước khi có thời điểm phải xin trả lại vốn, trong giai đoạn này, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung kỹ lưỡng hơn vào khâu chuẩn bị dự án và tư vấn thiết kế.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, để đảm bảo đầu tư công hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào các dự án với đa mục tiêu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những chủ đầu tư chậm tiến độ, kiên quyết không thực hiện những dự án có hiệu quả kém. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế bố trí vốn linh hoạt theo từng dự án, từng thời điểm. Với những dự án có sự góp vốn của địa phương, Bộ sẽ tính toán để “bao” luôn, không để địa phương góp thêm vài trăm tỷ dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng lên, hoặc thiếu vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

MỚI - NÓNG