Nồng nàn cung bậc xòe

TP - Chút quá vãng với xòe
Nồng nàn cung bậc xòe ảnh 1
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”. Ảnh: Như Ý

Tôi lại ngược Mường Lò.

Ngược là thứ gì nhọc nhằn? Chứ tâm đương dịu dàng, đương nhẩn nha khoan nhặt các cung bậc xòe?

Ấy là tâm thế của người được dự một sự kiện văn hóa lớn ở vùng cao Mường Lò Nghĩa Lộ.

Một đêm đại xòe!

Xòe? Ở đâu và ai xòe?

Là đặc sản là giá trị phi vật thể của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và vị thế xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.

Nghĩ lẩn thẩn, chả hiểu sao cái thứ ngoại đạo như mình lại có duyên với… xòe?

Thoạt đầu là tiểu xòe.

UNESCO trao bằng Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho “Nghệ thuật Xòe Thái”

Nồng nàn cung bậc xòe ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý

Tối 24/9, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái’’ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ. Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thủ tướng cho rằng, Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc...

Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện cho UNESCO trao bằng của UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và lãnh đạo UBND các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Sau lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái’’ vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, các đại biểu dự lễ cùng bước vào không gian nghệ thuật, cảm nhận những nét văn hóa độc đáo qua chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản’’. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu gồm các tiết mục múa, hát, trình diễn nghệ thuật Xòe Thái do các ca sĩ, vũ công, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái biểu diễn.

TTXVN

Năm đã xa ấy, trong một cuộc ngồi lâu lâu, nhà văn Tô Hoài có chia sẻ với mấy anh em chúng tôi cái cảm giác là lạ như hư như ảo. Ấy là thời điểm năm mới hòa bình, Nguyễn Tuân, Tô Hoài cùng nhiều văn nghệ sĩ bất ngờ được thưởng thức một chương trình văn nghệ độc đáo.

Nói độc đáo vì bên cạnh các điệu hát ca trù, xẩm, tuồng chèo, quan họ còn có cả một chương trình xòe chính tông nguyên chất dân tộc Thái diễn ra ngay tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Độc đáo nữa, chương trình lại do toàn bộ đội xòe của Vua Thái Đèo Văn Long tận Lai Châu đưa xuống phục vụ nhân dân lao động Thủ đô. Cứ như lời giới thiệu của Ban tổ chức thì đây là bằng chứng thành công của công tác cải tạo vận động đưa một loại hình văn nghệ của bọn bóc lột phục vụ đời sống mới!

...Câu chuyện của nhà văn Tô Hoài đã bám cùng ám ảnh hơi bị lâu. Và tình cờ, trong một chuyến lên Điện Biên năm 1992, tôi có cuộc gặp gỡ với bà Lù Thị Vơn, vợ ông Huyền. Ông Huyền (tôi quên mất họ?) nguyên là thư ký của vua Thái Đèo Văn Long. Gia đình ông Huyền, bà Vơn nhà ở Bản Chự, phường Lê Lợi, Điện Biên. Cũng chính bà Lù Thị Vơn năm 1956 và đội xòe từng được về Hà Nội diễn xòe như chuyện của nhà văn Tô Hoài!

Nồng nàn cung bậc xòe ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, đại diện Bộ VH,TT&DL đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” từ bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Năm ấy bà Vơn còn tạm khỏe. Lưng vẫn thẳng, có điều đi lại hơi khó khăn. Bà nói tiếng Kinh kém. May có ông Huyền phiên dịch lại. Nếu còn sống năm nay bà Vơn đã được hơn trăm tuổi.

... Đội xòe của Đèo có 12 người. Năm 13 tuổi, cô bé Vơn đã được chọn vào đội xoè. Mẹ cô xòe giỏi. Cô chỉ nhìn rồi thuộc... Cứ ở nhà cứ ở bản thôi. Khi nào “vua’’ gọi thì lên chứ không phải tập trung như văn công bây giờ. Mỗi thành viên đều được gọi bằng cái tên “xao xè”.

Một tối xoè khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Mở màn thường lệ là bài “chào’’ khách hay là ra mắt. Tiếp đến là xoè khăn rồi đến bài “xòe vị’’ tức là xoè quạt. Rồi xoè nón... Nhưng những bài xoè điệu xòe sẽ không nổi lên được nếu thiếu đi “pí kểu’’ tiếng Thái là nhạc đệm. Nhạc đệm cho một đêm xòe không phải một dàn nhạc mà chỉ nhõn hai nhạc công ôm “tính tẩu’’ một thứ đàn của người Thái nhỏ hơn băng-giô hay măng đô lin.

Đội xòe riêng của Vua Đèo từ Điện Biên từng đáp máy bay về Hà Nội để diễn cho Toàn quyền Đông Dương coi tại Nhà hát Lớn.

Mỗi lúc thoáng nhớ về chuyện cũ ít nhiều bâng khuâng về cái Bản Chự từng có tên là phường Lê Lợi của Điện Biên cũ cùng Dinh thự Đèo Văn Long vời xa đã chìm dưới 17 thước nước của lòng hồ thủy điện Lai Châu.

Hồi rời bản Chự ấy, qua câu chuyện với ông bà Vơn, được biết thêm Sở Văn hóa Lai Châu có cử cán bộ về động viên khuyến khích ông bà Vơn cố gắng làm cái việc truyền xòe. Nghĩa là hướng dẫn cho các cháu người Thái độ trên 23 tuổi làm quen tập dượt với xòe để giữ vốn cổ dân tộc Thái. Phòng văn hóa huyện Điện Biên trực tiếp tổ chức.

Vẫn nhớ cái câu của Đèo Văn Long nói với một viên quan năm Pháp lần được thưởng thức đội xòe Đèo Văn Long biểu diễn (ông Huyền thư ký vua Đèo trực tiếp dịch và thuật lại) rằng: Xòe, cái thứ múa dân gian lâu đời của người Thái xứ tôi dường như nó pha trộn một cách tự nhiên một cách vô thức không hề có sự bắt chước những điệu nhảy cổ điển lẫn hiện đại.

Nhiều năm đã qua đi. Chẳng hay việc truyền xòe của những nghệ nhân như bà Lù Thị Vơn xứ Điện Biên ấy được nhân rộng và kết quả tới đâu? Nhưng chắc chắn một điều, có một nơi khác mà cái vốn quý ấy của dân tộc Thái rất phát lộ và xôm tụ!

Đó là Nghĩa Lộ, là Mường Lò của Yên Bái.

Ở Mường Lò đã tổ chức những lễ hội xoè lớn gọi là Đại Xoè. Đại Xoè lần thứ nhất năm 2013 có 2013 diễn viên và quần chúng cùng xoè. Năm 2019 là cuộc Đại Xoè của hơn 5.000 người. Cuộc 2019, tôi may mắn được dự do ngược Nghĩa Lộ dự sự kiện “Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019”. Có chút bâng khuâng lẫn bồi hồi khi liên tưởng âm thanh tiếng đàn tính tẩu, măng đô lin thuở xa xưa của đội xòe Vua Đèo với dàn nhạc với âm thanh ánh sáng hiện đại thời nay.

Máu… xòe

Bữa cơm tối ở Nghĩa Lộ, chúng tôi đã có cuộc quây tụ ấm áp tại nhà người chị ruột Tâm. Tâm nguyên là Bí thư Đoàn tỉnh Yên Bái vừa được đảm nhận công việc mới ở Ban Tuyên giáo Tỉnh. Lại may mắn được ngồi với hai người tên Hạnh. Một Hạnh nguyên là Phó chủ tịch thị xã Nghĩa Lộ. Một Hạnh quan chức, đương kim Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Hoàng Thị Hạnh, cô giáo người Tày Mường Lò này đã gắn bó với Nghĩa Lộ suốt 17 năm. Từ một cô giáo cấp 2, chị phấn đấu rồi chững chạc ở vị thế Phó chủ tịch Nghĩa Lộ rồi Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái, rồi Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc trước khi về Ủy ban Dân tộc. Bữa nay chị cùng chồng trở lại quê hương Mường Lò dự đêm hội đại xòe.

Nghệ thuật Xòe Thái đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra:

- Là Di sản phi vật thể theo Điều 2 của Công ước 2003.

- Việc ghi danh sẽ góp phần tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy Di sản.

- Xòe Thái được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan

- Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia

- Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định tại điều 11 và 12 của Công ước 2003.

Cuộc tụ chúng tôi bừng lên giai điệu ca khúc Anh có về Nghĩa Lộ với em không mà phần lời thơ do chị Hạnh sáng tác. Ngạc nhiên hầu như mọi người Nghĩa Lộ đều thuộc bài hát này của chị. Bài thơ cùng tên chị Hạnh sáng tác từ hồi còn ở Nghĩa Lộ đã được nhạc sĩ Trọng Loan (tác giả ca khúc ‘“Bài ca dâng Bác” - Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác) lần ấy lên Nghĩa Lộ công tác phổ thành ca khúc trong một tâm thế đầy hứng khởi! Có phải vì thế mà ca khúc có sức lan tỏa và lâu bền. Nhưng cũng có chuyện vui liên quan bài hát này. Số là ông Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Kỳ nghe bài hát nói với ông Bí thư thị ủy Nghĩa Lộ là về phải khen thưởng cho cô Hạnh vì bài hát đó. Nhưng chuyện khen thưởng đó không bao giờ thành hiện thực vì ông bí thư cho rằng thơ thẩn èo ợt, mời mọc cái gì…

Gắn với cái tên Hoàng Thị Hạnh khong chỉ có bài “Anh có về Nghĩa Lộ với em không”’. Cô giáo Hạnh rồi bà thứ trưởng Hạnh rất có năng khiếu văn nghệ. Trên báo Văn nghệ điện tử có nhiều bài thơ của chị.

Câu chuyện về xòe với chị Hạnh có vẻ như khó dứt?

Cô giáo Hạnh nhận thấy bà con dân tộc Thái Mường Lò cái tố chất xòe tạm gọi là máu xòe ấy tiềm ẩn luôn nồng nàn trong huyết quản. Cứ mỗi độ cuối năm mùa màng thu hái đã tạm xong xuôi, các bà các cô cứ tốp năm tốp 3 trên triền nương vắng vẻ, như một thứ vô thức cứ khoan thai dìu dặt vài điệu xòe. Lạ là chả có người dạy mà nhiều người cứ thuần thục luôn. Chỉ dăm mươi phút ngẫu hứng như thế họ lại thản nhiên trở lại với bao công việc đồng áng tất tả!

Năm 1995, cái năm mà Tết Chính phủ phải ra lệnh cấm pháo vì trước đó nó đã gây ra nhiều tai hoạ do thói lạm dụng của người dùng. Chị Hạnh đã bàn với một người rất am hiểu văn hoá dân tộc Thái lúc đó là lãnh đạo phòng Văn hoá huyện là dùng Xoè để bà con quên pháo. Và ý tưởng đó đưa vào thực hiện đã thành công, đánh dấu điểm khởi đầu của công cuộc phục dựng lại ở Nghĩa Lộ truyền thống văn hoá xoè đã mai một một thời gian rất dài.

Mường Lò đêm 24/9

Tin liên quan