> Tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Còn phía bên ngoài hội trường dư luận lại nóng với câu chuyện thưởng 320.000 đồng cho mỗi cán bộ y tế đứng lên tố cáo những sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
320.000 đồng được cư dân mạng nhanh chóng quy ra 10 bát phở bình dân. Có người lại cho rằng không đủ tiền mua khăn giấy lau nước mắt của những cán bộ y tế dũng cảm. Có người lập tức liên tưởng câu chuyện thưởng nóng cho một bàn thắng của các cầu thủ bóng đá lên tới 70 triệu đồng, mức tiền dưỡng liêm cho cảnh sát giao thông là 5 triệu đồng/tháng… Sự tranh luận về mức thưởng 320 nghìn đồng trở thành đề tài nóng trong thời giá cứ mãi tăng. Và từ khóa “320 nghìn đồng” bỗng dưng nổi tiếng với gần 2 triệu kết quả khi tìm kiếm trên mạng.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Trong lễ khen thưởng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã nói: “Đây là phần thưởng ghi nhận sự dũng cảm, không đặt vấn đề tiền”. Chắc chắn, ba người phụ nữ đứng lên tố cáo những sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khi đứng lên tố cáo không nghĩ mình sẽ được 320.000 đồng. Nhưng họ lượng hóa được bao gian nan phía trước.
Trao đổi bên lề buổi thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng điều mà những người tố cáo muốn không phải là tiền, là bằng khen, mà là việc xử lý khách quan, nghiêm minh vụ việc mà họ đứng lên tố cáo.
Bà Mai cũng cho rằng những người như chị Nguyệt là hạt giống quan trọng của mặt trận phòng chống tiêu cực, tham nhũng. “Của cho không bằng cách cho”, chúng ta phải thực sự ghi nhận, tôn vinh họ bằng thái độ, cách thức phù hợp mới có cơ hội nhân lên những con người sẵn sàng hi sinh vì lẽ phải.
Tuy nhiên, những giọt nước mắt tại lễ khen thưởng ba không (không tặng hoa, không chụp ảnh lưu niệm, không được mời lên phát biểu) rất có thể khiến chị Hoàng Thị Nguyệt, các đồng nghiệp và dư luận lo ngại về sức sống của những hạt giống của lẽ phải mới được nhú lên.