Nông dân tự chế “thủy điện xanh”

Nông dân tự chế “thủy điện xanh”
TP - Một nông dân mới chỉ học hết lớp 3 nhưng chế tạo tua bin thủy điện mang thương hiệu riêng. Trong hơn 30 năm, ông đã tự xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện nhỏ thân thiện với môi trường.

> Lão nông tự chế 'thủy điện xanh'

Ông là nông dân Ngô Văn Quýnh (SN 1956) ở thôn Tân Hòa, xã Đăk R’moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Cả đời ông theo đuổi mơ ước xây dựng được những tổ máy thủy điện vừa hữu ích, vừa thân thiện với môi trường, loại thủy điện không chiếm nhiều đất đai của xã hội, không phá rừng, không làm thay đổi dòng chảy của các con sông.

Tua-bin bằng gỗ

Ông kể, năm 1980 gia đình ông di cư từ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) lập nghiệp. Năm 1992, ông xin vào làm ở Văn phòng Trung tâm nông lâm của Lâm trường Mã Đà với công việc chính là chạy máy phát điện, sửa chữa máy bơm.

Lâm trường có một cái hồ lấy nước tưới cho đơn vị, trước đó đã có một vị giáo sư về đây làm thí điểm một nhà máy thủy điện nhỏ, nhưng do lượng nước ít, dòng chảy không đủ phát điện nên người ta tháo máy bỏ đi.

Ông bèn đề xuất với lãnh đạo: “Tôi sẽ chế tạo và lắp đặt một máy phát điện ở đây, nếu thành công thì tiền khoán dầu để phát máy nổ của cơ quan cho tôi”. Đơn vị đồng ý cho làm nhưng khi nghe ông đề xuất vay tiền để mua nguyên vật liệu để chế tạo máy phát điện, ai cũng lắc đầu bảo viển vông.

Không tiền, ông xin lâm trường một số gỗ để làm tua-bin máy phát điện. Lâm trường hứa nếu ông làm tua-bin bằng gỗ mà có thể phát điện thì sẽ cho vay tiền để mua máy móc, nguyên liệu sản xuất tua-bin bằng thép. Ông hì hục suốt mấy tháng ròng đục đẽo chế ra một tua bin bằng gỗ. Ông gắn tua bin vào một máy phát điện có sẵn ở trong cơ quan. Tua-bin quay, chiếc bóng đèn lóe sáng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Tay không xây thủy điện

Tin ông có thể thành công, cơ quan liền cho ông vay tiền mua nguyên liệu, máy móc để chế tạo tua-bin bằng sắt, phát điện phục vụ cơ quan. Sau nhiều tháng miệt mài ông đã chế tạo thành công tua-bin bằng sắt, đặt tên là “Thủy lực xanh” với công suất 20 KW.

Ông nói: “Nghĩ lại cũng thấy mình liều thật, do không biết cái tua-bin thủy điện người ta chế tạo ngắn dài to nhỏ thế nào, tôi đã tưởng tượng đến cái chân vịt của thuyền máy có thể rẽ nước đẩy thuyền đi thì ngược lại lực của nước cũng có thể đẩy chân vịt quay. Kiến thức học mót về máy nổ tôi lượm lặt từ những thợ sửa xe xung quanh khu vực lâm trường”.

Năm 2000, nhà nước giải tỏa đất để khôi phục di tích lịch sử chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ông Quýnh đành phải bỏ tổ máy “Thủy lực xanh” đầu tiên.

Nhận số tiền đền bù, cùng với số tiền bán rẫy nương ông tìm lên vùng đất mới xã Đắk R’moan, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, nhìn dòng suối Đắk Rung ầm ào cuộn chảy, giấc mơ thủy điện của ông lại trỗi dậy. Ông dồn vốn liếng 300 triệu đồng và vay vốn xây dựng nhà máy công suất 1MW.

Một năm sau khánh thành công trình, ông bán điện giá rẻ cho hơn 150 hộ dân hai thôn Tân Hòa, Tân Phương sử dụng. Đến năm 2008, khi nhà máy Thủy điện Đắk R’Tih khổng lồ công suất 144 MW với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng, tích nước, thì nhà máy thủy điện bé xíu của ông lại ngập chìm trong nước.

Không chịu thua, ông tiếp tục xây “tổ máy thủy điện xanh” của mình tại thôn 14, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) công suất 600KW. Tổ máy thủy điện của ông được xây dựng hết sức đơn giản, bên dòng thác cao khoảng 5m, ông đổ một tường bê tông cao khoảng 60cm chắn ngang rồi làm một kênh dẫn bằng bê tông đưa nước qua tua-bin, trả nước ngay dưới chân thác, tổng chi phí xây dựng gần 2 tỷ. Nguồn điện này cung cấp cho một nhà máy sản xuất nước đá, một xưởng cơ khí ông sẽ xây dựng ở đây trong thời gian tới.

Tua-bin “Thủy lực xanh”

Theo ông Quýnh, điểm đặc biệt của loại tua- bin “Thủy lực xanh” do ông chế tạo ở chỗ sử dụng ống dẫn đưa nước đổ thẳng vào cánh tua-bin có đai liên kết để triệt tiêu độ lắc, các cánh quạt mỏng, độ hở chỉ 5cm, độ nghiêng của cánh ít nên thế năng lớn, sinh ra dòng điện mạnh. Do đó, chỉ cần đặt ở những nơi có cột nước thấp từ 1-1,5m là sinh ra dòng điện.

Ông giải thích sự tiện dụng của loại tua-bin này: “Ở một dòng sông nào đó, tôi chỉ tạo một hồ chứa phía thượng nguồn, sau đó đặt nhiều nhà máy ở dọc bờ sông mà không cần thêm hồ chứa. Như vậy, vừa tránh được tình trạng phá rừng, lấy đất sản xuất, đất ở để làm hồ chứa”.

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông nhận định: Sáng chế của ông Quýnh là một giải pháp hữu ích cho vấn đề thủy điện và môi trường. Điều đặc biệt là cải tiến các cánh quạt giúp sinh công lớn, tạo ra dòng điện mà không cần các cột nước cao. Tuy nhiên, để đưa vào sử dụng rộng rãi thì cần một cơ quan có chuyên môn thẩm định các thông số kỹ thuật. Trước mắt, Sở đã có hướng dẫn giúp ông đăng ký bản quyền sáng chế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG